(HNM) - Mới đây, Văn phòng Thừa phát lại (TPL) Bình Thạnh đã tổ chức thi hành án (THA), lấy lại căn nhà số 12/55, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 19, quận Bình Thạnh, để giao cho một người dân ở phường 5, quận 10. Thành công nói trên chỉ là một trong số rất nhiều việc mà mô hình TPL tổ chức thí điểm ở TP Hồ Chí Minh đã làm được trong thời gian qua.
Xã hội hóa bổ trợ tư pháp
TPL là một nghề có truyền thống từ hàng trăm năm nay, hiện có 72 nước là thành viên của Liên minh TPL quốc tế. Ở Việt Nam, nghề TPL xuất hiện từ thời Pháp thuộc, miền Bắc gọi là Chưởng tòa, miền Trung gọi là Mõ tòa, miền Nam là TPL. Vì nhiều lý do nên sau năm 1954 (ở miền Bắc) và sau năm 1975 (ở miền Nam), chế định TPL không duy trì nữa.
Quá trình phát triển đất nước những năm gần đây đòi hỏi phải cải cách tư pháp nói chung và xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp nói riêng. Thực tế mỗi năm TP Hồ Chí Minh cần tống đạt hơn một triệu văn bản, thi hành khoảng 100.000 vụ án dân sự... vì vậy nhu cầu "giảm tải" cho cơ quan tư pháp là tất yếu. TPL là mô hình tư nhân tự tổ chức nên cũng "giảm tải" cho ngân sách nhà nước. Ngày 19-2-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP Hồ Chí Minh". Ngày 21-5-2011, 5 văn phòng TPL tại quận 1, 5, 8, Bình Thạnh và Tân Bình đi vào hoạt động thí điểm. Đến nay, các văn phòng TPL đã trực tiếp THA 16 vụ, tống đạt 34.837 văn bản (theo yêu cầu của tòa hoặc cơ quan THA dân sự), lập 2.714 vi bằng (các biên bản có giá trị pháp lý), xác minh điều kiện THA 84 vụ, thu được hơn 6,5 tỷ đồng tiền chi phí… Có những vụ việc cơ quan THA đã trả lại hồ sơ, người dân bèn nhờ cậy TPL và kết quả nhanh đến không ngờ. Hiệu quả của TPL khiến các cơ quan tư pháp, nhất là cơ quan THA, buộc phải thay đổi nếp nghĩ và phương pháp làm việc. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua đã nhận xét: "Có thể coi đó là sự thi đua lành mạnh giữa cơ quan THA và TPL. Chính người dân TP Hồ Chí Minh là người được hưởng lợi ích từ việc thi đua này".
Kéo dài thời gian thí điểm
Thực tế cho thấy, sau hơn một năm thí điểm, chế định TPL đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã cử các đoàn đến học tập kinh nghiệm.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Giang, Trưởng văn phòng TPL quận 5, khó khăn nhất hiện nay là người dân chưa biết nhiều về chế định TPL, chưa tin tưởng sử dụng dịch vụ này. Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 về "Tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh" đã quy định rõ: "Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của TPL theo quy định của pháp luật", thế nhưng, như một TPL dẫn chứng: "Có trường hợp chúng tôi lập vi bằng, công an chứng kiến nhưng không chịu ký làm chứng, viện lý do không biết TPL là ai, vi bằng là gì". Có cơ quan chính quyền còn cho rằng "chỉ có thư ký tòa án mới có quyền tống đạt"! Việc thanh toán chi phí cũng rườm rà, mất thời gian. Bà Vũ Thị Trường Hạnh, Trưởng văn phòng TPL quận 8 cũng cho biết: Chi phí tống đạt quá thấp (50.000-100.000 đồng/đầu việc), nếu phải đi xa hoặc gặp "nhà không số, phố không tên" thì tiền xăng còn tốn hơn chi phí Nhà nước trả!
Từ thực tế hoạt động hơn một năm qua, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền cho kéo dài việc thí điểm chế định TPL đến tháng 7-2014 (Nghị quyết số 24/2008/QH12 của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 12 cho phép thẩm định chế tài TPL đến năm 2012), đồng thời kiến nghị thành lập thêm 3 văn phòng TPL. Việc kéo dài thời gian thí điểm sẽ có cơ sở vững chắc để tổng kết, đánh giá kết quả để có thể nhân rộng mô hình này trong cả nước. Tuy nhiên, để TPL thực sự trở thành "cây gậy" pháp lý đắc lực của người dân, TP cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về vai trò, chức năng của chế định này, quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ thuận lợi của các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của TPL.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.