Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chế định mới về ly thân: Phụ nữ có gặp bất lợi?

Linh Chi| 07/11/2013 06:02

(HNM) - Trên thực tế, hiện tượng vợ chồng ly thân trong đời sống hôn nhân không còn hiếm. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình đã đưa vào các quy định về ly thân đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.



Không ít ý kiến cho rằng, những vấn đề liên quan đến quyền lợi về tài sản, cấp dưỡng nuôi con dưới 18 tuổi cần phải được quy định chặt chẽ. Nếu không, đối tượng bị thiệt thòi phần lớn sẽ là trẻ em, phụ nữ.

Nhiều năm làm công tác tư vấn pháp luật, tâm lý cho nạn nhân bạo lực gia đình tại "Ngôi nhà bình yên" (thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển - Hội LHPN Việt Nam), bà Nguyễn Thị Ngọc Bích rất băn khoăn về chế định ly thân trong dự thảo. Theo bà, quy định về ly thân phải được xem xét thận trọng, chặt chẽ, nếu không sẽ gây thiệt thòi cho phụ nữ. Thực tế nhiều lần tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình tại trung tâm cho thấy, phụ nữ bị bạo hành thường nghĩ ngay đến việc ly hôn để được giải thoát. Nhưng họ không thể quyết định được bởi việc này liên quan đến quyền lợi, tương lai, danh dự của các con, người thân phía vợ và phía chồng... Dù rất muốn ly hôn nhưng họ phải lựa chọn hy sinh quyền lợi bản thân, che giấu việc bị bạo hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Google


Trong một số trường hợp, người phụ nữ yêu cầu ly hôn ngay sau khi bị bạo hành thì cộng đồng sẽ đứng về phía họ, nhưng số này rất ít. Nếu chọn ly thân để tránh bị bạo hành, rồi mới quyết định ly hôn thì gia đình, họ hàng, xóm giềng lại không bênh vực họ, mà thường có nghi ngờ người phụ nữ đó có quan hệ bất chính trong khoảng thời gian ra khỏi gia đình. Điều này gây áp lực mạnh đến tâm lý người phụ nữ và các con, người thân của họ. Vì thế, nếu không quy định chặt chẽ, chế định ly thân sẽ không có tác dụng chấm dứt bạo hành phụ nữ, mà trái lại còn làm người phụ nữ bị áp lực, chịu thiệt thòi nhiều hơn.

Ở một khía cạnh khác, việc pháp luật thừa nhận ly thân lại được cho rằng sẽ thúc đẩy gia tăng tình trạng ly hôn. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác hòa giải, tư vấn hôn nhân - gia đình, bà Nguyễn Thị Hương (Phòng Tư vấn hôn nhân - gia đình, đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cho rằng, chưa có chế định ly thân, tỷ lệ ly hôn đã cao; nếu công nhận tình trạng ly thân, tỷ lệ ly hôn sẽ tăng vọt. Theo bà Hương, cứ 100 vụ ly thân hãn hữu mới có một cặp vợ chồng hòa giải thành. Ly thân sẽ thúc đẩy ly hôn chắc chắn nhiều hơn, nhanh hơn. Trong các vụ ly hôn, hầu hết phụ nữ nhận nuôi dưỡng con dưới 18 tuổi, con mất hành vi dân sự, con không có khả năng lao động. Với gánh nặng ấy, chị em sẽ gặp nhiều khó khăn trong lao động, củng cố gia đình, mưu cầu hạnh phúc mới. Công tác bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em sẽ càng nan giải.

Trong quá trình tiếp nhận các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình, Hội LHPN TP Hà Nội đã thu thập được nhiều ý kiến băn khoăn về quyền lợi của trẻ vị thành niên, con mất hành vi dân sự, không có khả năng lao động khi bố mẹ ly thân. Thực tế, khi xảy ra mâu thuẫn hoặc bị chồng bạo hành, nhiều phụ nữ đã ôm con đi khỏi nhà, hoặc bị đuổi ra khỏi nhà chồng, chịu nhiều thiệt thòi vì phải tự mình vất vả kiếm tiền nuôi dưỡng con cái. Trong số đó, nhiều người muốn đòi tiền do chồng trốn tránh trách nhiệm nuôi con, nhưng cơ quan pháp luật, đoàn thể, chính quyền không thể giúp đỡ vì luật chưa quy định. Bà Nguyễn Kim Thoa (Cục Thi hành án Hà Nội) cho biết, việc yêu cầu người chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, đóng góp nuôi con theo phán quyết của tòa án trong các vụ ly hôn đã rất khó khăn, nếu áp dụng chế định ly thân, phụ nữ và trẻ em sẽ còn bất lợi hơn. Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, luật gia Nguyễn Hồng Tuyến - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội cũng cho rằng, chế định ly thân sẽ gây nhiều bất lợi, thiệt thòi cho phụ nữ, trẻ em về quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em là chính sách của Đảng, Nhà nước. Khi đưa chế định ly thân vào luật, rất cần có quy định về sự tham gia của cộng đồng, Hội LHPN cơ sở, cơ quan chuyên trách trong điều tra, giám sát để bảo vệ quyền lợi của hai đối tượng nêu trên, đặc biệt là về quản lý, phân chia tài sản... Cùng với đó, cần có chế tài nghiêm khắc với hành vi gian dối trong khai báo, phân chia tài sản, chây ỳ không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp hội viên nâng cao nhận thức về quyền lợi, pháp luật, chủ động hơn trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và con mình…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chế định mới về ly thân: Phụ nữ có gặp bất lợi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.