(HNM) - Thời điểm này, người dân từng sống trong khu nhà gỗ vừa bị hỏa hoạn, thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đang chuyển đến các căn hộ tái định cư nhưng dư âm của vụ cháy vẫn đang âm ỉ đốt nóng tâm can những người đang sống tại các khu nhà gỗ kề bên.
Là nội dung đã được HĐND TP chất vấn từ nhiều năm trước, song cũng như nhiều vấn đề dân sinh bức xúc khác, do thiếu cơ chế quản lý hiệu quả, thiếu cơ chế giám sát đến tận cùng, vụ việc đã bị "trôi" qua và những hậu quả để lại thật khôn lường…
Vụ hỏa hoạn tại khu nhà gỗ, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Dương Hiệp |
Dự án nằm chờ quy hoạch!
Vụ hỏa hoạn ngày 26-8 thiêu rụi dãy nhà C8 làm một người bị thiệt mạng là vụ cháy thứ 3 tại 17 khu nhà gỗ thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm trong vòng 7 năm trở lại đây. Trước đó, lần lượt vào các năm 2005, 2007 hai dãy nhà gỗ khác là 4A và 13 cũng đã lần lượt đón "bà hỏa". Được xây dựng từ những năm 1960 để làm nhà tạm cho cán bộ công nhân viên của các bộ, ngành trung ương, những khu nhà gỗ này đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm trước và được xếp vào hạng đặc biệt nguy hiểm.
Năm 2005, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đã từng chất vấn gay gắt về trách nhiệm cũng như hướng giải quyết đối với 17 khu nhà gỗ nguy hiểm tại phường Chương Dương và đời sống của hàng chục nghìn hộ dân đang sinh sống tại khu vực đê sông Hồng. Câu trả lời được đưa ra thời điểm đó là do vướng quy hoạch thoát lũ chưa được phê duyệt và đây là vấn đề lịch sử để lại, liên quan tới 12 bộ và 3 tổng cục, thành phố đã mời các bên liên quan bàn thảo nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để.
Được biết, năm 2006 trước tính chất đặc biệt nguy hiểm của khu nhà gỗ nói trên, UBND TP Hà Nội đã có văn bản thu hồi hơn 7.900m2 đất của 7 dãy nhà để lập dự án xây dựng, cải tạo. Thành phố đã giao Ban QLDA nguồn vốn ngân sách (khi đó thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất) làm chủ đầu tư, các thông tin dự án đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường Chương Dương nhưng mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ". Đến thời điểm hiện tại sau 8 năm xây dựng dự án, khi quy hoạch hành lang thoát lũ đã có và quy hoạch hai bên sông Hồng cũng đã được xem xét nhưng mọi việc vẫn "y nguyên" và chỉ được xới lên sau vụ hỏa hoạn ngày 26-8.
Cần giám sát đến tận cùng
Sau vụ hỏa hoạn đáng tiếc, không ít người tiếc nuối: giá như từ năm 2005 mọi việc được triển khai và có sự giám sát đến tận cùng của HĐND TP, Hà Nội sẽ không còn những dãy nhà lụp xụp ngay quận trung tâm Thủ đô và cũng sẽ không có những mất mát về người và của như vừa qua.
Không chỉ có dự án di chuyển, cải tạo 17 khu nhà gỗ, trên địa bàn thành phố hiện nay còn rất nhiều dự án, nhiều nội dung đã từng được HĐND TP giám sát, đề cập nhưng mức độ chuyển biến rất chậm, như dự án cải tạo quốc lộ 32 - tuyến đường huyết mạch phía tây của Thủ đô, dự án như đường 5 kéo dài, dự án đường nối từ cầu Vĩnh Tuy đến Trần Khát Chân, tiến độ xây dựng các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập mặc dù đã được HĐND TP chất vấn nhiều nhưng "chậm vẫn hoàn chậm".
Câu hỏi đặt ra là, sau những vụ việc đáng tiếc nêu trên, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản trong quản lý cũng như vai trò giám sát của HĐND các cấp đến đâu. Giám sát là hoạt động thường xuyên của HĐND gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Tại Hà Nội, nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được chất vấn và tái chất vấn qua nhiều phiên họp và các đợt giám sát chuyên đề song không ít vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm. Phải chăng, chúng ta vẫn đang thiếu một cơ chế giám sát rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm và đi đến tận cùng vấn đề một cách hiệu quả?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.