Nước là một trong những nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững và cũng là một trong những thách thức của thế kỷ, đặc biệt đối với châu Phi.
Nước là một trong những nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững và cũng là một trong những thách thức của thế kỷ, đặc biệt đối với châu Phi.
LHQ dự đoán nước, chứ không phải là dầu hỏa, mới là nguyên nhân tiềm ẩn cho chiến tranh trong tương lai gần. Cuối tháng 9 vừa qua tại Tuy-nít (Tuy-ni-di) đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất của châu Phi về tìm kiếm, hỗ trợ các nước trong khu vực quản lý nguồn nước tốt hơn.
Báo cáo tại hội nghị cho biết hiện có tới 288 triệu người ở châu Phi không được sử dụng nước sạch, dẫn đến sự di dân của 60 triệu người, 437 triệu người chưa được chăm sóc y tế về cơ bản. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho châu Phi chậm phát triển. Theo đánh giá của Hiệp hội nước châu Phi (AAE), từ nay đến năm 2010 sẽ có 17 nước châu Phi bị thiếu nước trầm trọng và trong vòng 20 năm tới, dân số châu Phi sẽ đạt 1,3 tỷ người, đòi hỏi các chính phủ phải đầu tư 12 tỷ USD/năm để giải quyết các nhu cầu về nước sạch. Hiện nay, tại các làng quê ở châu Phi, phụ nữ mỗi ngày phải vác thùng đi bộ gần 10 km để lấy nước. Vào mùa khô, họ phải đi đoạn đường dài gấp đôi. Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) cảnh báo, nước sẽ là ngòi nổ chiến tranh tại châu Phi trong 25 năm tới. Cuộc chiến tranh giành nước tại lục địa Đen sẽ diễn ra ở khu vực mà sông, hồ nằm ở vùng biên giới lãnh thổ. Điểm nóng có thể là lưu vực sông Nin, Ni-giê... Miền
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quĩ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố tháng 9 vừa qua cho biết, toàn thế giới hiện vẫn còn tới 1,1 tỷ người không được sử dụng nước sạch và 2,6 tỷ người sống thiếu các điều kiện vệ sinh tối thiểu. Tình hình nghiêm trọng trên đang bao trùm các thành phố thuộc các nước đang phát triển, nơi dân số tăng nhanh. Tình trạng khan hiếm nước sạch ở các nước miền Nam sa mạc Xa-ha-ra (châu Phi) vẫn là tồi tệ nhất. Có tới 45% dân số khu vực này không có nước sạch để dùng vì thế tỷ lệ trẻ em tử vong cao nhất thế giới. 20% trẻ em trong vùng bị chết dưới 5 tuổi bởi những căn bệnh do dùng nước bẩn và điều kiện vệ sinh tồi tệ gây ra. WHO cũng cho biết bệnh tật do nước không hợp tiêu chuẩn vệ sinh chiếm đến 75% các ca bệnh.
Hiện nay, nguồn nước ở châu Phi bị ô nhiễm ở mức báo động. Sông Nin đang bị ô nhiễm do 35 nhà máy ven sông thải ra 125 triệu mét khối rác công nghiệp mỗi năm. Ước chỉ 7% người Ê-ri-tơ-ri-a, 10% số dân Ni-giê và 24% số người Mô-dăm-bích được tiếp cận nước sạch. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước cùng đói nghèo và sa mạc hóa là nguyên nhân chủ yếu gây ra những hậu quả nặng nề đối với đời sống con người.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã thành lập một quĩ viện trợ để cung cấp 1,4 tỷ ơ-rô/năm cho các dự án phát triển thủy lợi ở châu Phi. Mặc dù có trữ lượng nước khoảng 5.400 tỷ mét khối nhưng châu Phi mới chỉ khai thác được 4% do cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu ngân sách đầu tư. Năm 2000, cộng đồng quốc tế đã cam kết giúp châu Phi xóa đói giảm nghèo, trong đó xác định giải quyết vấn đề nước sạch là một nhiệm vụ quan trọng.
Hướng tới mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ là phấn đấu đến năm 2015 giảm một nửa số người chịu cảnh thiếu nước trên thế giới thì cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, các nước châu Phi cũng cần đưa ra các biện pháp cấp thiết nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ để sử dụng nguồn nước có hiệu quả, không hủy hoại môi trường, bảo đảm cuộc sống cho các thế hệ tương lai.
Nguyễn Phúc
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.