(HNM) - Điều làm nên châu Phi mà bạn biết đến như ngày nay chính là thể thao và bóng đá. Những con người của châu lục này luôn biết cách chinh phục thế giới bằng những điều kỳ diệu.
Bóng đá châu Phi luôn sản sinh ra các tài năng xuất chúng.
Năm 1960 của thế kỷ trước, một người châu Phi làm cả thế giới phải bàng hoàng tại Thế vận hội Mùa hè 1960. Trong môn chạy Marathon 42,195km, một cự ly không dành cho những người bình thường, chàng trai châu Phi Abebe Bikila, đóng khố chân trần, trở thành nhà vô địch đầu tiên đánh bại tất cả những VĐV lừng danh thế giới đến từ châu Âu và các châu lục khác được trang bị đến tận răng. Anh là thành viên trong đội cận vệ của nhà vua Ethiôpia, là con của một gia đình nghèo đói, đã trở thành người châu Phi đầu tiên giành được HCV trong môn thể thao nghiệt ngã nhất này.
Bốn năm sau cũng tại Thế vận hội Tôkyô, lại chính Bikila tiếp tục bảo vệ thành công tấm HCV của mình. Lần này nhà vô địch thế giới của chúng ta mới chạy bằng giày. Sau khi cán đích, Bikila còn thừa sức làm hàng loạt động tác ăn mừng chiến thắng. Anh cho thế giới thể thao biết rằng anh còn có thể chạy ngay một lần nữa và vẫn thừa sức chiến thắng. Đến lúc này các nhà viết lịch sử thể thao châu Phi đã thừa nhận rằng chính Bikila chứ không ai khác đang làm nên sự vĩ đại của châu Phi và của những con người sống trên châu lục này.
Tại Italia 1990, một lần nữa châu Phi làm chấn động thế giới thể thao khi những chú Sư tử bất khuất Camơrun, đội tuyển "vô danh tiểu tốt" đã đánh bại đương kim vô địch thế giới Áchentina của cậu bé vàng Maradona. Đêm chiến thắng đó tại khách sạn Bernini Bristol ở Rome, những vũ điệu châu Phi bốc lửa đã được chính các cầu thủ Camơrun trình diễn làm thành Rome trải qua một đêm không ngủ. Camơrun lọt vào tới tận tứ kết mới bị đội tuyển Anh đánh bại. Ở trận ấy, mãi tới những phút cuối cùng của hiệp phụ, đội tuyển Anh mới chấm dứt được cuộc phiêu lưu đầy lãng mạn của bóng đá châu Phi mà Camơrun là đại diện.
Kể từ đó, các cầu thủ châu Phi đã trình diễn một lối bóng đá đỉnh cao trong những CLB lớn của thế giới. Chính tại châu Phi người ta mới hiểu hết rằng bóng đá chính là môn chơi của những cậu bé nghèo nhưng đầy tài năng và khát vọng.
Chưa hết, châu Phi còn là của Haile Gebrselassie. Chàng trai Êthiôpia này từng là ông vua chạy đường trường, ngự trị đỉnh cao thế giới hàng chục năm. Những bước chạy châu Phi trên các đường đua 3.000m, 5.000m, 10.000m làm say mê người xem bởi nó được trình diễn với những bước chân như khiêu vũ. Vẫn biết những kỳ tích thể thao chưa đủ làm thay đổi được một châu Phi nghèo nàn và lạc hậu. Châu Phi vẫn phải nhận viện trợ và hàng từ thiện. Nhưng chính những kỳ tích thể thao đó chứng minh rằng châu Phi không phải chỉ triền miên trong nạn đói và nội chiến, bóc lột và khủng hoảng. Thể thao là một mảng đời sống thực của châu Phi. Nó làm cho châu Phi giàu có hơn và thế giới thể thao giàu có hơn. Thế giới bao giờ cũng tự hào khi nhắc tới những cái tên châu Phi lừng danh như Hassiba Boulmerka (vua đường trường người Marốc); Roger Milla (sư tử già trong đội tuyển bóng đá Camơrun), Didier Drogba (tiền đạo người Bờ Biển Ngà); George Weah (danh thủ Libêria)... Họ là những tên tuổi trong danh sách 25 ngôi sao thể thao hay nhất mà thể thao châu Phi vừa bầu xong.
Nếu ai đó may mắn có mặt tại châu Phi vào mùa hè Nam Phi để tham dự World Cup 2010, chắc chắn họ sẽ tiếp tục khám phá ra một châu Phi lúc nào cũng mang lại cho mọi người sự kỳ diệu.