Việc tên lửa Spectrum phóng từ cảng vũ trụ Andoya (miền Bắc Na Uy) rơi và phát nổ ngay sau khi cất cánh đã phủ bóng u ám lên ngành công nghiệp vũ trụ châu Âu.
Điều này cũng cho thấy, năng lực công nghệ của Lục địa già đang ngày càng tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh.
Ngày 30-3, tên lửa Spectrum của Công ty Isar Aerospace (Đức) đã được phóng từ cảng vũ trụ Andoya, đánh dấu nỗ lực đầu tiên nhằm triển khai chuyến bay quỹ đạo thương mại được phóng từ châu Âu (trừ Nga). Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 30 giây, tên lửa bắt đầu bốc khói và nhanh chóng rơi trở lại mặt đất, phát nổ dữ dội.
Thất bại này là gáo nước lạnh dội lên giấc mơ chinh phục không gian vũ trụ của châu Âu, trong bối cảnh Lục địa này muốn phóng tên lửa lên quỹ đạo để giảm phụ thuộc vào các công ty của Mỹ.
Châu Âu từng có Ariane - được xem một trong những phương tiện phóng vệ tinh đáng tin cậy nhất thế giới. Tuy nhiên, tên lửa đẩy này đã lỗi thời trước sự xuất hiện của SpaceX (Mỹ) với khả năng tái sử dụng tên lửa. Trong khi Dự án phát triển Ariane-6 để cạnh tranh liên tục bị trì hoãn. Cuối năm 2022, tên lửa Vega-C do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phát triển cũng phóng thất bại.
Tụt hậu trong lĩnh vực không gian mới là một mảnh ghép trong bức tranh về sự ì ạch của châu Âu trong cuộc đua công nghệ giữa lúc thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghệ cao với những đổi mới đột phá.
Giới chuyên môn đánh giá, dù sở hữu nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến, châu Âu đang đối mặt với nhiều rào cản lớn từ thiếu hụt tài chính, chậm đổi mới, quan liêu trong quản lý, dè dặt trong việc rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ… Điều này khiến các công ty công nghệ châu Âu khó có thể cạnh tranh với những gã khổng lồ của Mỹ hay các tập đoàn Trung Quốc, vốn được hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Một số phân tích cũng chỉ ra, chính sách điều tiết của châu Âu quá chặt chẽ cũng khiến các công ty khó phát triển nhanh chóng. Một ví dụ là Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) giúp bảo vệ quyền riêng tư, nhưng vô tình cản trở hoạt động khai thác dữ liệu để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các dịch vụ số.
Châu Âu đang thiếu một trung tâm công nghệ mạnh mẽ để hội tụ nguồn lực phát triển, khác hẳn tình hình tại Mỹ hay Trung Quốc. Thực tế, Brexit đã làm suy yếu vị thế của London (Anh) như một trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và nhân tài.
Chậm trễ trong đổi mới công nghệ cũng là điểm yếu. Lấy ví dụ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các công ty hàng đầu đều đến từ Mỹ và Trung Quốc.
Tương tự với điện toán lượng tử - khi IBM, Google và các công ty Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến lớn, các công ty châu Âu vẫn loay hoay với những dự án thử nghiệm.
Trong ngành công nghiệp ô tô điện, Tesla của Mỹ và các công ty Trung Quốc như BYD đang chiếm lĩnh thị trường, trong khi các nhà sản xuất ô tô châu Âu như Volkswagen, BMW hay Renault gặp nhiều thách thức trong việc chuyển đổi sang xe điện.
Mặt khác, cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa chính trị. Căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc dẫn đến nhiều lệnh cấm vận và hạn chế thương mại, làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghệ của châu Âu, vốn phụ thuộc vào chíp từ Mỹ và châu Á.
Trong khi Mỹ đang tích cực triển khai loạt chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để bảo đảm khả năng ứng phó của ngành bán dẫn nội địa, châu Âu vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng.
Các quan điểm phân tích nhận định, châu Âu cần sớm thực hiện một số thay đổi quan trọng để lấy lại vị thế trong cuộc đua công nghệ như: Tăng cường đầu tư tài chính cho các công ty công nghệ và nghiên cứu đổi mới; phát triển trung tâm công nghệ có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Silicon Valley (Mỹ); giảm rào cản pháp lý, đầu tư để tự chủ trong sản xuất linh kiện bán dẫn…
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho rằng, châu Âu có thể tập trung vào một số lĩnh vực đang “nóng” như AI chi phí hợp lý, nền tảng điện toán hiệu suất cao. Nhà sáng lập Fabian von Heimburg của Hotnest cho rằng, Lục địa già nên học hỏi kinh nghiệm của các nước châu Á trong cách đầu tư thúc đẩy phát triển công nghệ cao…
Nếu không có những thay đổi thực sự quyết liệt, châu Âu sẽ tiếp tục bị bỏ xa trong hàng loạt cuộc đua mới, mất đi cơ hội phát triển trong nhiều lĩnh vực đầy tiềm năng, có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với nhân loại.
(Theo Digital Europe, Politico, Institut Montaigne)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.