(HNMO) - Ngày 13-11, 23 nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua hiệp ước lịch sử nhằm củng cố hợp tác về quân sự sau khi Anh rút khỏi khối.
Lễ ký kết sơ bộ hiệp ước PESCO diễn ra tại Brussels, Bỉ, ngày 13-11. Ảnh: Getty Images |
Theo New York Times, hiệp ước có tên gọi là Cấu trúc hợp tác thường trực về quốc phòng (hay còn gọi là PESCO) ràng buộc các nước đã ký kết vào các dự án phòng thủ chung cũng như cam kết gia tăng ngân sách phòng thủ và góp phần triển khai quân sự nhanh chóng. Dự kiến, lãnh đạo các nước thành viên của PESCO sẽ chính thức ký kết hiệp ước vào tháng 12 tới.
Hiệp ước bao gồm tất cả các nước thành viên của EU ngoại trừ Anh (chuẩn bị rời khối vào năm 2019), Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha và Malta.
23 quốc gia của PESCO sẽ đóng góp 5,8 tỷ USD vào ngân sách phòng thủ chung để mua vũ khí. Ngoài ra, các khoản tiền để duy trì hoạt động và tiền từ ngân sách EU sẽ được dùng cho các nghiên cứu quân sự. Việc gia tăng ngân sách quân sự chung sẽ giúp củng cố sự tự do chiến lược của EU để khối này có thể hoạt động quân sự độc lập nếu cần thiết hoặc hoạt động cùng các đối tác khi có thể. PESCO còn có mục đích thúc đẩy hội nhập quân sự khu vực.
Các lãnh đạo đều tin rằng đây là một hiệp ước mang tính lịch sử của EU. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, hiệp ước là một lời cam kết của các quốc gia để cùng nhau hoạt động tốt hơn, đồng thời lưu ý, đây là thời điểm căng thẳng của Châu Âu, với hàng loạt vụ tấn công khủng bố của phiến quân Hồi giáo xảy ra tại khu vực trong thời gian qua.
PESCO từng bị trì hoãn nhiều năm do vấp phải sự phản đối của Anh. London lo ngại rằng, sự thành lập quân đội Châu Âu có thể khiến Anh mất tự chủ về quốc phòng. Tuy nhiên, sau khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu hay còn gọi là tiến trình Brexit, các nước Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha đã thức tỉnh hiệp ước PESCO như một cách để trấn an công dân EU với nỗi lo về an ninh và khủng bố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.