Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Âu: Chưa có lối thoát cho nợ công

Vân Khanh| 13/11/2012 07:03

(HNM) - Những bất đồng về vấn đề ngân sách của Châu Âu đã diễn ra đúng như dự báo.

Chẳng những không đạt được kết quả nào về cách thức đóng góp cho nguồn quỹ chung vào năm sau, các bên còn tranh luận gay gắt và không ai chịu ai trong việc bù đắp phần thiếu hụt 8,9 tỷ euro đã chi tiêu trong năm 2012.


Bế tắc về ngân sách đang ảnh hưởng tiêu cực đến những kế hoạch thoát nợ của Châu Âu

Tranh cãi về "chỉ tiêu" đóng góp vào hầu bao chung của toàn Châu Âu giữa các thành viên trong liên minh không phải đến bây giờ mới "nóng". Những tuyên bố đe dọa sẽ phủ quyết dự thảo ngân sách từ nhiều quốc gia thành viên trong những tuần qua đã khiến cuộc đối thoại về "cơm áo, gạo tiền" này được dự báo vô cùng phức tạp. Bảo lưu quan điểm "thắt lưng buộc bụng", những nhà tài trợ lớn nhất cho ngân sách EU gồm Anh, Áo, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Pháp, Phần Lan và Thụy Điển đã từ chối bỏ thêm tiền túi để "bù lỗ" khoản ngân quỹ đã bị thâm hụt. Những "nhà hảo tâm" này cho rằng đã đến lúc mở kho ngân sách dự trữ 15 tỷ euro của EU để bù đắp chứ không nên huy động tiền từ các nước thành viên.

Cuộc tập hợp tại Brussels rơi vào bế tắc đã tạo "điềm gở" cho vấn đề cốt lõi của cuộc gặp lần này giữa các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng của liên minh. Chương trình thảo luận cho ngân sách năm 2013 vì thế cũng chả đi đến đâu. Ủy ban Châu Âu (EC) và EP chủ trương tăng thêm 6,8% ngân quỹ, lên 138 tỷ euro. Hai chủ thể chính trị - kinh tế này khẳng định cần có thêm tiền để thúc đẩy tăng trưởng của một Châu Âu đang rơi vào suy thoái và cải thiện tình trạng thất nghiệp đã đạt con số kỷ lục tại hàng loạt quốc gia. Thế nhưng, Pháp, Phần Lan, Đức muốn giảm 5 tỷ euro trong khi Anh thậm chí còn đưa ra con số cao hơn. Sự bác bỏ thẳng thừng của các trụ cột mạnh mẽ nhất châu lục khiến việc huy động tài chính vẫn hết sức mờ ảo. Vẫn những lập luận cũ khi nhiều "ông lớn" của EU nhấn mạnh Châu Âu đang ở trong kỷ nguyên "khắc khổ" để giảm thâm hụt ngân sách và tiến tới mục tiêu cao nhất là cân bằng thu chi. Do vậy, họ sẽ thật khó ăn khó nói nếu rộng lượng với các khoản đóng góp bên ngoài trong khi nói "không" với tiêu pha trong nước.

Những khác biệt chưa thể thu hẹp đang đặt tương lai của ngân sách Châu Âu vào một triển vọng mờ mịt. Lời hẹn gặp lại vào hôm nay (13-11), không biết có thể hóa giải được chút nào bất đồng giữa các quốc gia EU hay không. Nếu ngày cuối cùng của giai đoạn đàm phán về ngân quỹ chung vẫn không mang lại cam kết cụ thể nào, EC sẽ phải đệ trình đề xuất ngân sách mới. Thế nhưng, kể cả điều này xảy ra, dư luận vẫn chưa thôi lo lắng về nguy cơ tái diễn những khúc mắc hiện nay trong khi một sự thỏa hiệp là vô cùng cần thiết vào lúc này vì EU sẽ không thể hoạt động nếu như không có ngân khố để chi tiêu.

Vượt qua câu chuyện tiền bạc, sự chia rẽ trong nội bộ EU đang gây quan ngại sâu sắc khi nó không chỉ phản ánh căn bệnh mãn tính của Châu Âu, đó là sự thiếu thống nhất trong các vấn đề chính sách. Quan trọng hơn, bất cập ngân sách đang ảnh hưởng trực tiếp đến các nỗ lực chống lại cơn bão nợ công chưa từng có tại đây. Trong khi đó, không chờ đợi các lãnh đạo Lục địa già có được cái bắt tay đồng thuận về mức đóng góp ngân khố, cơn biến cố tài chính vẫn đang tiếp tục gây những tổn thương mới tại châu lục.

Những số liệu mới nhất cho thấy hai nền kinh tế hàng đầu EU là Đức và Pháp bắt đầu bị suy yếu trong khủng hoảng đã mang đến bầu không khí u ám khắp Cựu lục địa. Mức dự báo tăng trưởng Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sẽ giảm 0,4% trong năm 2012, tăng trưởng nhẹ 0,1% năm 2013 mà EC vừa đưa ra tiếp tục khẳng định rằng kinh tế Châu Âu vẫn chưa tìm thấy một con đường thoát nợ khả thi nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu: Chưa có lối thoát cho nợ công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.