Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Á đang dẫn dắt kinh tế thế giới trong thời kỳ siêu tăng trưởng mới

PV| 26/11/2010 09:25

(HNMO) - Theo báo cáo đặc biệt của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế thế giới đang ở trong thời kỳ siêu tăng trưởng. Giai đoạn này bắt đầu từ năm 2000 và sẽ kéo dài ít nhất trong một vài thập kỷ nữa.

(HNMO) - Theo báo cáo đặc biệt của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế thế giới đang ở trong thời kỳ siêu tăng trưởng. Giai đoạn này bắt đầu từ năm 2000 và sẽ kéo dài ít nhất trong một vài thập kỷ nữa. Báo cáo cũng cho biết, đến năm 2030, nền kinh tế thế giới có thể đạt tới mức hơn 300 nghìn tỷ USD so với mức 62 nghìn tỷ USD như hiện tại. Trên thực tế, kinh tế thế giới đã tăng trưởng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010.

Trong giai đoạn siêu tăng trưởng, các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong khi các nền kinh tế mới nổi sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Theo đó, cán cân quyền lực kinh tế thế giới sẽ dịch chuyển từ Tây sang Đông.

Những yếu tố chính

Những yếu tố chính thúc đẩy tốc độ siêu tăng trưởng của kinh tế thế giới là tăng trưởng thương mại, đặc biệt tại các thị trường mới nổi, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự bùng nổ tầng lớp trung lưu tại các nước đang phát triển. Số lượng người dân sống tại các thành phố sẽ tăng từ 3,4 tỷ người hiện nay lên 5 tỷ người vào năm 2030.

Châu Á sẽ dẫn đầu trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu trong 20 năm tới. Trong thập kỷ vừa qua, sản lượng toàn cầu đã tăng hơn 50% và ước tính sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Chất lượng cuộc sống tại Trung Quốc và Ấn Độ, tính theo thu nhập bình quân đầu người, sẽ tăng gấp 9 lần trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2030. Thu nhập cá nhân tăng sẽ dẫn đến sự bùng nổ tầng lớp trung lưu và đẩy mạnh tiêu dùng. Đây chính là hai yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế nội địa. Mức độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6,9% trong hai thập kỷ tới, vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường quốc kinh tế thế giới chỉ trong vòng một thập kỷ. Cũng theo dự đoán của báo cáo, Ấn độ có thể sẽ tăng trưởng ở mức 9,3% trong cùng kỳ và sẽ theo sát Mỹ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2030.

Định nghĩa thời kỳ siêu tăng trưởng

Báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered định nghĩa thời kỳ siêu tăng trưởng là “giai đoạn kinh tế toàn cầu phát triển mạnh mẽ mang tính lịch sử, kéo dài nhiều thập kỷ, nhờ tăng trưởng thương mại, tỷ lệ đầu tư cao, tốc độ đô thị hóa nhanh và sự ra đời các phát minh công nghệ mới, thể hiện qua sự nổi lên của những nền kinh tế mới và tốc độ tăng trưởng chưa từng thấy của nhóm các nước đang phát triển. Trong lịch sử, thế giới đã chứng kiến hai thời kỳ siêu tăng trưởng kinh tế. Thời kỳ đầu tiên kéo dài từ năm 1870 đến năm 1913 - thời điểm bắt đầu Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Thời kỳ thứ hai diễn ra sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và kéo dài tới cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Thời kỳ siêu tăng trưởng hiện tại bắt đầu từ đầu thế kỷ 21 và có thể sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2030. Giai đoạn này sẽ mở ra tiềm năng phát triển của những thị trường mới nổi, đặc biệt là những quốc gia đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, các nước trong khu vực Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latinh. Hàng trăm triệu người sẽ tham gia vào lực lượng lao động toàn cầu, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tăng trưởng đầu tư và cải tiến công nghệ. So với hai thời kỳ siêu tăng trưởng trước đây diễn ra tại các nước phương Tây với dân số tương đối nhỏ, thời kỳ siêu tăng trưởng hiện tại đang diễn ra tại các nước có số dân chiếm tới 85% dân số thế giới.

Tác động của thời kỳ siêu tăng trưởng tới thị trường tài chính thế giới

Báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered kết luận các thị trường tài chính thế giới trên thế giới vẫn chưa nhận thức được đầy đủ cả qui mô và những sự thay đổi sâu sắc sẽ diễn ra. Giai đoạn này mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với những nhà đầu tư dài hạn, thời kỳ siêu tăng trưởng là cơ hội tốt để rót vốn vào thị trường chứng khoán, đầu tư vào những công ty làm ăn tốt nhờ sự tăng trưởng mạnh ở những thị trường mới nổi, quá trình đô thị hóa nhanh và sự gia tăng của các tầng lớp trung lưu Việc đầu tư vào cổ phiếu, kinh doanh hàng hóa và bất động sản được dự đoán sẽ sinh lời hơn đầu tư vào các lĩnh vực đem lại tiền lãi cố định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Á đang dẫn dắt kinh tế thế giới trong thời kỳ siêu tăng trưởng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.