Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất xúc tác cho xây dựng nông thôn mới

Đào Huyền| 31/12/2010 08:29

(HNM) - Làng nghề được ví như


Tiềm năng lớn

Sản xuất hàng mây, tre đan mỹ nghệ tại Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


Theo Sở Công thương, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống, còn lại là các làng nghề mới hình thành với chục nhóm ngành nghề có hướng phát triển khả quan. Các làng nghề đã thu hút hơn 600 nghìn người lao động, chiếm 64,93% tổng số lao động tại chỗ, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt khoảng 13,1 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,5-2 lần so với làm ruộng và các ngành khác. Năm 2009, giá trị sản xuất của các làng nghề đạt 7.650,87 tỷ đồng, chiếm 26% giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh và 8,4% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố. Nhiều làng nghề có giá trị sản xuất cao đã cho doanh thu trên 200 tỷ đồng mỗi năm. Báo cáo tham luận tại hội thảo quốc tế "Mỗi làng một sản phẩm" vừa diễn ra tại Hà Nội, Sở Công thương khẳng định, tại những địa bàn có làng nghề phát triển, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch rõ rệt. Làng nghề phát triển đã giải quyết nhiều việc làm phi nông nghiệp cho lao động tại chỗ, thúc đẩy nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm nghề, đồng thời kéo theo sự phát triển của nhiều nghề khác. Đáng lưu ý là, đến nay, làng nghề đã góp phần tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại của Hà Nội lên 70-80%, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp xuống còn 20-30%.

Với số lượng làng nghề lớn, là tiềm năng để Thủ đô giải quyết lao động thất nghiệp tại nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho họ. Tại hội thảo quốc tế "Mỗi làng một sản phẩm", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng nhận định, mỗi làng ở nông thôn cần dựa vào thế mạnh của mình để hình thành và phát triển ít nhất một nghề, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, giúp giảm tình trạng di cư tự do ra thành phố và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn.

Hướng phát triển làng nghề bền vững

Mục tiêu của chương trình "Mỗi làng một sản phẩm" là thúc đẩy mỗi làng tự chọn và quyết định hình thành, phát triển một nghề. Nghề đó phải thu hút nhiều hộ và doanh nghiệp tham gia, đem lại nguồn thu nhập cơ bản, ổn định cho người làm nghề. Qua đó, mỗi xã quyết định phát triển ít nhất một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chương trình còn đặt ra mục tiêu, với những làng chưa có nghề hoặc nghề đã mai một sẽ kêu gọi các tổ chức, nhà đầu tư đưa ngành nghề mới vào xây dựng, hoặc khôi phục lại nghề cũ... Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng, chúng ta có rất nhiều thế mạnh như độ khéo léo của nghệ nhân, óc sáng tạo của người dân không thua kém các nước trên thế giới. Nguyên liệu để làm ra sản phẩm của làng nghề cũng không thiếu. Thực tế, có những làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, đã trải qua bao nhiêu thăng trầm mà đến nay vẫn giữ được.

Để Hà Nội có thể phát triển làng nghề theo phương thức mỗi làng một sản phẩm, cần tập trung vào công tác quy hoạch, đào tạo nguồn lực, hỗ trợ sản xuất… Để các làng nghề phát triển bền vững, Hà Nội cần sớm có quy hoạch phát triển nghề, làng nghề và quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó cần xây dựng kế hoạch sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường và phát triển làng nghề kết hợp du lịch. Đối với các làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ mất dần nghề do quá trình đô thị hóa cần hình thành quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng bộ giáo trình giảng dạy và tổ chức đào tạo nghề.

Để phát triển sản phẩm các làng nghề một cách bền vững, Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa và có cơ chế mở để giúp người dân có vốn. Hiện nay đã có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi cho làng nghề nhưng người nông dân tiếp cận nguồn vốn này không dễ. Nhiều địa phương chưa quan tâm đầy đủ cho chương trình này nên người dân chưa được tạo điều kiện về quỹ đất. Khắc phục được những nhược điểm này, chương trình "Mỗi làng một sản phẩm" sẽ mang lại hiệu quả không kém gì các nước trên thế giới" - Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định. Để làng nghề Thủ đô phát triển bền vững, các làng nghề cần tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình đạt tính toàn cầu một cách ổn định. Đây là trách nhiệm của từng hộ nông dân, chính quyền, tổ chức xã hội. Khi sản phẩm đã có thương hiệu, tiêu chí "Mỗi làng mỗi sản phẩm" sẽ là động lực lớn trong xây dựng NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất xúc tác cho xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.