(HNM) - Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải trải qua "cuộc sát hạch" khắc nghiệt nhất trong nhiều năm trở lại đây khi nỗ lực "giải cứu" khủng hoảng nợ của Hy Lạp gặp phải trở ngại lớn.
Nguyên nhân là do Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone - đe dọa phong tỏa gói cứu trợ phối hợp giữa EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trị giá 45 tỷ euro, bất chấp Athens đã chính thức đề nghị "kích hoạt" khoản vay này. Lập trường cứng rắn của Berlin có thể khiến Hội nghị thượng đỉnh 15 nước đối tác của Hy Lạp trong Eurozone dự kiến tổ chức vào ngày 10-5 tới rơi vào bế tắc.
Trong bối cảnh các đảng phái của Đức đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử khu vực (vào tháng 5 tới), việc không dễ tìm kiếm sự nhất trí của Thủ tướng Angela Merkel cho một khoản chi đang vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận trong nước là đương nhiên. Bên cạnh đó, Đức luôn là quốc gia gương mẫu nhất EU về quản lý ngân sách. Theo nhiều chính khách Đức, nếu cứu Hy Lạp sẽ tạo ra những tiền lệ đáng sợ và gây bất công cho các thành viên EU khác. Berlin lập luận rằng, Đức luôn có thặng dư ngân sách do "tiêu xài đúng mực" thậm chí còn rất tiết kiệm, trong khi đó, Hy Lạp có cả núi nợ công do "vung tay quá trán" dù kiếm được chẳng là bao. Cho nên, người dân cũng như lãnh đạo nước Đức không thể "xì tiền" để cứu Hy Lạp mà nước này phải tự cứu lấy mình. Với người Đức, để cứu lấy Hy Lạp thì phải tấn công vào gốc rễ của vấn đề; không thể chi trả nợ hộ nước này.
Cái lắc đầu lạnh lùng của Berlin đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều nước thành viên khác, trong đó có Pháp - một trong những trụ cột của EU. Điều này làm trầm trọng hơn sự chia rẽ đang ngày càng sâu sắc trong nội bộ "gia đình" 27 thành viên trong lúc lẽ ra phải đoàn kết lại để đương đầu với hàng loạt khó khăn về kinh tế và ngoại giao. Ngoài ra, những vết rạn trong nội bộ EU còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới tham vọng mở rộng Eurozone cũng như tham vọng đối ngoại của cộng đồng này trên trường quốc tế. Không chỉ vậy, những mâu thuẫn trên có thể gia tăng áp lực với thị trường tiền tệ và trái phiếu toàn cầu, đe dọa vô hiệu hóa nỗ lực của Mỹ nhằm cùng EU giải quyết thâm hụt ngân sách của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như thiết lập những quy tắc toàn cầu mới về quản lý thị trường tài chính sau cuộc khủng hoảng vừa qua.
Thêm một lần nữa mối nghi ngờ về sự phồn thịnh của một châu Âu nhất thể hóa lại dâng cao. Có ý kiến còn cho rằng, cuộc khủng hoảng Hy Lạp cùng những rạn nứt mới trong nội bộ là cơ hội để các thành viên Eurozone trở lại với tình trạng "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Xét ở khía cạnh này thì Anh đã có đủ bằng chứng để chứng minh vì sao họ không muốn "dính dáng" tới đồng euro mà vẫn sử dụng đồng bảng của riêng mình. Những ý kiến trên xem ra có lý trước những con số gây kinh hoàng của Hy Lạp trong thời điểm này.
Hiện tại, nợ công của "xứ sở Thần thoại" đã lên mức 300 tỷ euro, tương đương 125% GDP. Từ nay đến cuối tháng 5-2010, Athens phải bỏ ra 11 tỷ euro để thanh toán nợ đáo hạn và trả lãi các khoản vay khác. Dự báo năm nay Hy Lạp cần hơn 50 tỷ euro chỉ để trả nợ và lãi vay. Thế nhưng, ngân khố nước này chỉ còn 13 tỷ euro đủ để bù thâm hụt cán cân thanh toán trong tháng 4-2010. Tuy nhiên, việc Hy Lạp có vượt qua được cơn khốn khó hay không đã không còn là vấn đề của riêng Athens. Không cứu Hy Lạp ngay thì Bồ Đào Nha, Italia và Tây Ban Nha cũng sẽ rơi vào khủng hoảng. Nếu vậy, chắc chắn mọi ngân hàng của châu Âu khó có thể qua nổi cơn ác mộng về vốn. Do đó, cứu Hy Lạp tức là cứu EU chứ không đơn thuần chỉ là cứu một mắt xích yếu với đồng euro làm bản tệ.
Sự ra đời và mở rộng của EU là một trong những thành tựu lớn nhất của châu Âu. Nhưng giờ đây, sự bất đồng trong nội bộ EU và việc các nước trong liên minh không thể thống nhất được cách giải quyết những thách thức kinh tế và xã hội đang là nguy cơ khiến vị thế của EU bị xói mòn. Việc các nhà lãnh đạo EU có tìm được tiếng nói chung để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp hay không sẽ tiếp tục là chủ đề "nóng" của thế giới trong tuần tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.