Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chật vật chống… “bão”

Ngọc Hải - Kiều Oanh| 07/09/2012 07:33

(HNM) - Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có gần 700.000 doanh nghiệp (DN) được thành lập, nhưng chỉ có hơn 400.000 DN đang hoạt động, tức là chỉ chiếm 70%.


Riêng trong 8 tháng đầu năm 2012, số DN gặp khó khăn giải thể, tạm ngừng hoạt động là trên 35.000 DN, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011, số DN thành lập mới giảm 12,7%. DN gặp nhiều khó khăn, đời sống người lao động theo đó trở nên chật vật hơn. Trong khi đó, các giải pháp, các gói hỗ trợ DN của Chính phủ xem ra tác động chưa đủ mạnh đến "sức khỏe" DN cũng như đời sống của người lao động.


Cảnh chờ đợi của công nhân khu công nghiệp trước cột rút tiền tự động.

Lao động thiếu việc làm

Đã 5h chiều mà nắng tháng 8 vẫn nóng rát. Từng tốp công nhân rời khỏi cổng Nhà máy Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh). Một số người tranh thủ mua mấy bộ quần áo, giày dép loại rẻ được bày bán ngay tại cổng. Thấy đám công nhân túa ra, bà chủ cũng tranh thủ rao hàng: "Áo 25, quần 40 mua đi, mua đi"...

Tìm vào khu xóm trọ ngoắt nghéo giữa thôn Bầu (xã Kim Chung), chúng tôi gặp Thủy, quê ở Thanh Chương, Nghệ An đang tòng teng trên tay mớ rau ngót, mấy quả cà muối và túi cua đã xay sẵn. Thủy bẽn lẽn bảo: "Hôm nay công ty trả lương nên em mới dám ăn sang đấy anh ạ!". Ra Hà Nội làm đã được hai năm nhưng hiếm khi Thủy về thăm gia đình, thường mỗi năm chỉ về vào dịp Tết âm lịch, còn hằng tháng chỉ gọi điện hỏi thăm và gửi về chút ít tiền lương tiết kiệm được về cho bố mẹ. Bố mẹ thỉnh thoảng lại gửi cho ít gạo, mấy con cá khô. "Tiếng là đi làm có lương nhưng bố mẹ em vẫn phải tiếp tế anh ạ". Mà cũng đúng thôi, trong thời buổi khó khăn, với mức lương nhỉnh hơn 3 triệu đồng/tháng, phải khéo co kéo lắm mới đủ chi tiêu. Giờ thì cả Khu công nghiệp Thăng Long này, công ty nào trả lương cao, phụ cấp cao cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Cũng bởi ít việc làm thêm nên nhiều công ty phải cắt giảm lao động. Mặc dù vậy những công nhân ở đây vẫn phải bám công ty, bám việc làm. Nghe Thủy nói, tôi lại nhớ lúc đứng trước bảng tin tuyển dụng ở cổng khu công nghiệp, cả cái bảng tin rộng đến mấy chục mét vuông trống hơ trống hoác, chỉ có khoảng chục thông tin tuyển dụng, chả bù trước đây chả mấy khi còn chỗ trống. Hầu hết các nhà tuyển dụng cũng chỉ đưa ra mức lương trên dưới 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả các khoản trợ cấp đi lại, làm thêm… cũng chỉ nhỉnh hơn 3 triệu đồng/tháng cho lao động phổ thông. Nguyễn Thị Mai, ở Hòa Bình, thở dài: "Em có đứa bạn cùng quê cứ nhờ tìm hộ việc gì đó để xuống làm nhưng tình hình này khó được quá anh ạ. Hôm trước định nộp hồ sơ cho nó vào Canon nhưng công ty này lại thông báo tạm dừng tuyển công nhân nữ".

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, hiện trong số 33 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố có gần 124.000 lao động đang làm việc. Mức lương trung bình khoảng 2,8 triệu đồng/tháng. Tình trạng lao động thiếu việc làm và thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng khá nhanh. Ông Trần Văn Thực, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết, hiện nay toàn thành phố có khoảng 180.000 lao động thiếu việc làm. LĐLĐ thành phố đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, như phối hợp, chỉ đạo công đoàn cấp dưới, LĐLĐ các quận, huyện tổ chức sàn giao dịch việc làm, góp phần giới thiệu việc làm cho 76.000 lao động; tăng cường hoạt động đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động để bảo đảm đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, để người lao động có được công việc bền vững với mức thu nhập bảo đảm, các DN cần phải có chính sách lương, thưởng ổn định. Song, trong thời buổi khó khăn như hiện nay thì việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động cũng không hề đơn giản.

Loay hoay với "bài toán khó"

Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành chia sẻ, năm ngoái mỗi phiên giao dịch việc làm có chỉ tiêu tuyển dụng khoảng 2.000 người. Năm nay, số DN tham gia các phiên giao dịch đã giảm đáng kể, trung bình mỗi phiên chỉ có 1.000 chỉ tiêu, tập trung chủ yếu vào khối ngành thương mại dịch vụ, không như trước đây chỉ tiêu tuyển dụng chủ yếu tập trung vào khối sản xuất (da giày, dệt may, chế biến…). Hơn nữa, các DN hiện đang có xu hướng cân nhắc, chọn những lao động có tay nghề và trình độ. "Trong những tháng hè sẽ có một lượng lớn học sinh, sinh viên ra trường cần việc làm. Do đó, tình trạng lao động thất nghiệp có xu hướng tăng". Ông Thành dẫn chứng, nếu như trước tháng 6-2012, số người đăng ký thất nghiệp hằng tháng chỉ khoảng 600-800 người. Thế nhưng những tháng gần đây, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp đột biến tăng lên khoảng 2.000 người. Cá biệt như tháng 7 vừa qua, số người đăng ký thất nghiệp đạt con số kỷ lục: 2.589 người.

Giải quyết việc làm - tăng lương, ổn định cuộc sống cho công nhân lao động ở thời điểm này có thể nói là một bài toán khó giải của các cơ quan chức năng và cả doanh nghiệp. Nhìn nhận vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, số lượng DN phá sản đang tiếp tục gia tăng, đây là vấn đề lớn của đất nước, không những của DN và của cả nền kinh tế. Chị Hương, chủ một cửa hàng tạp hóa ở làng công nhân thuộc xã Kim Chung than thở, doanh thu những năm trước mỗi ngày cả chục triệu đồng, thế mà sang năm nay chỉ 3-4 triệu. Lượng công nhân có vẻ vắng hơn, sức mua cũng giảm hơn. Chị Hương nói: "Anh nhìn xem, giờ tan tầm mà đi về thưa thớt, đứa nào cũng chỉ mớ rau, túi cà thì còn buôn với bán cái gì!".

Rời làng công nhân trong sự ngột ngạt, chật chội của những dãy xóm trọ, chúng tôi chợt đắng lòng với câu nói của Thủy lúc ban chiều: "Mỗi tháng em chỉ ăn hết chừng 450 nghìn đồng thôi anh ạ, tất nhiên gạo, muối bố mẹ gửi cho rồi". Nếu tính một cách rành rọt thì tiền ăn mỗi ngày của họ chỉ có 15 nghìn đồng, không thể đủ calo để tái tạo sức lao động sau một ngày quần quật với công việc. Bên lề đường, nơi thảm cỏ sát khu công nghiệp, một đám thanh niên đang ngồi quây quanh mẹt hoa quả, nước uống đủ loại. Trong ánh nến lờ mờ, những gương mặt gày gò như càng thêm hốc hác, đăm chiêu hơn...
(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chật vật chống… “bão”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.