Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng sát hạch lái xe: Kiểm soát chặt, chống gian lận, tiêu cực

Tuấn Lương| 02/06/2023 06:11

(HNM) - Nhằm bảo đảm học viên học đúng, học đủ, sát hạch thực chất, các cơ sở đào tạo lái xe không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhất là tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý, giám sát công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã xử lý nghiêm những hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe...

Thực hành lái xe trong sa hình tại Trung tâm Đào tạo nghề - Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 (quận Long Biên). Ảnh: Tuấn Lương

Vi phạm còn nhiều

Theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải, cả nước hiện có 358 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 381 cơ sở đào tạo lái xe ô tô; 152 trung tâm sát hạch lái xe ô tô tại 57 tỉnh, thành phố, trong đó, 70% trung tâm do tư nhân đầu tư, quản lý…

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ Giao thông - Vận tải đã tăng cường kiểm tra công tác tuyển sinh và quy trình học của học viên tại các cơ sở đào tạo để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm. Mới đây, Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức 3 đoàn kiểm tra việc đào tạo, sát hạch lái xe tại 40/63 tỉnh, thành phố. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác này bộc lộ không ít bất cập, thậm chí là có dấu hiệu sai phạm.

Là thành viên tham gia đoàn công tác, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) Lương Duyên Thống cho biết, tại một số địa phương còn có hiện tượng đào tạo vượt số lượng; có nơi chưa thực hiện kiểm tra, giám sát thực hành lái xe, chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc mang tính hình thức; việc sát hạch có nơi thực hiện chưa nghiêm… Đơn cử như tại tỉnh Nghệ An, qua kiểm tra 9 trung tâm, có 4 trung tâm có phương tiện vắng. Tại tỉnh Thanh Hóa phát hiện 2 học viên của Trường Cao đẳng nghề Kinh tế công nghệ Vicet bị nhầm ảnh từ hai khóa học khác nhau; phát hiện 1 viên chức thuộc Sở Giao thông - Vận tải không nghiêm túc trong việc giám sát kỳ sát hạch.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận, đoàn kiểm tra phát hiện một số cơ sở đào tạo để cho học viên chưa học đủ nội dung và chương trình vẫn được tham gia kiểm tra cấp chứng chỉ và tham dự kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Tại tỉnh Cà Mau và Long An, đoàn kiểm tra nhận thấy công tác quản lý giáo viên, quản lý xe tập lái chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng thay đổi giáo viên, xe tập lái không đúng kế hoạch, tiến độ đào tạo...

Theo quy định, thiết bị DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) phải có trên xe nhằm báo cáo thời gian và số ki lô mét thực hành lái xe trên đường, dữ liệu học thực hành lái xe ban đêm, lái xe với xe số tự động… Tuy nhiên, đã xuất hiện hành vi gian lận, chỉnh sửa dữ liệu, học viên không học đủ thời gian, quãng đường vẫn được chấp nhận tham gia sát hạch lái xe.

Giờ học lý thuyết tại Trung tâm Đào tạo nghề vận tải đường bộ - Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 5 (tỉnh Nghệ An).

Kiểm soát chặt bằng ứng dụng công nghệ

Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, dữ liệu giám sát sát hạch lái xe của các trung tâm sát hạch lái xe trên toàn quốc đã được kết nối về Cục để chia sẻ đến cơ quan có thẩm quyền. Với việc đổi mới, áp dụng thiết bị, công nghệ tự động tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe và tổ chức giám sát kỳ sát hạch, chất lượng sát hạch lái xe hiện được đánh giá là nâng cao rõ rệt, tiêu cực được hạn chế tới mức thấp.

Cũng theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được phân cấp cho các sở giao thông - vận tải. Vì thế, những hạn chế trong công tác quản lý được phát hiện trong đợt kiểm tra vừa qua đều được lập biên bản và yêu cầu có biện pháp xử lý, chấn chỉnh. Tuy nhiên, với vai trò quản lý của mình, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đưa ra những giải pháp để khắc phục những sai phạm. Cụ thể là nghiên cứu sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tế và phòng, chống những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thực hiện công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; yêu cầu sở giao thông - vận tải các địa phương tăng cường quản lý, giám sát. Trong đó chú trọng đến tuyển sinh và quy trình học của học viên. Các trung tâm sát hạch lái xe cũng phải cấp tài khoản và phương thức truy cập, kết nối với hệ thống camera được lắp đặt tại điểm sát hạch để sở giao thông - vận tải tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm trong quá trình sát hạch.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, trong hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe, vi phạm nhiều nhất nằm ở khâu sát hạch, bởi đây là khâu cuối cùng quyết định học viên có được cấp giấy phép lái xe hay không. Do đó, đây là khâu phải kiểm soát chặt chẽ nhất bằng việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải có giải pháp xử lý nghiêm những hành vi gian lận, tiêu cực với chế tài đủ sức răn đe khiến các đối tượng liên quan không dám và không có cơ hội vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng sát hạch lái xe: Kiểm soát chặt, chống gian lận, tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.