(HNNN) - Trong tháng cuối năm, nhất là dịp sát Tết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng mạnh. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng cần đề phòng thủ đoạn gian lận thương mại, tránh mua phải hàng kém chất lượng do kẻ xấu trộn lẫn trong hàng hóa phục vụ Tết.
Nâng cao chất lượng hàng hóa dịp Tết
Ngày Tết thì không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò chả, bánh mứt kẹo, rượu bia... Do đó, dịp sát Tết là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Hàng hóa ngày càng phong phú nhưng vấn đề an toàn thực phẩm luôn là nỗi lo của các bà nội trợ.
Kẻ xấu thường lợi dụng thời điểm giáp Tết để buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý việc buôn bán hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.
Đối tượng của hoạt động thanh tra, kiểm tra trong dịp này chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, nhất là những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Quý Mão và các lễ hội.
Có kiểm tra mới thấy mức độ nguy hiểm từ việc buôn lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc. Chẳng hạn, ngày 1-12, qua kiểm soát trên quốc lộ 32 và đường tránh quốc lộ 32, lực lượng chức năng đã phát hiện một xe tải chứa nhiều thùng carton in chữ Trung Quốc có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Khi kiểm tra, lái xe khai nhận số hàng trên là mứt, kẹo phục vụ cho dịp Tết và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cũng trong ngày 1-12, Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm và Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra, phát hiện gần 1 tấn cánh gà và ức vịt đông lạnh không có hóa đơn chứng từ.
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: “Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ tới tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Thành phố đã có văn bản chỉ đạo thường xuyên triển khai công tác này, tập trung vào dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch, Tết Trung thu...”.
Các đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề an toàn thực phẩm tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; phạt hành chính và thông báo tên, địa chỉ liên quan tới cơ sở vi phạm qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài công tác kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm từ cấp thành phố đến quận, huyện, xã, phường.
Song song với đó, công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành về an toàn thực phẩm đối với người chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cũng luôn được cơ quan chức năng tổ chức một cách đồng bộ.
“Trong dịp Tết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã đưa ra tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm và đưa thông tin lên Cổng thông tin điện tử. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi lấy mẫu thực phẩm ngoài thị trường cũng như tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để phát hiện, xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và cảnh báo trong cộng đồng” - bà Lê Thị Hằng nhấn mạnh.
Lựa chọn thực phẩm kỹ càng
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mọi người cần tuân thủ nguyên tắc giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình có suy nghĩ “no ba ngày Tết” nên thường tích trữ thực phẩm trong dịp này.
Các bà nội trợ mang tâm lý lo không đủ thức ăn, có mỗi dịp Tết mà lo lắng không chu toàn nên ra sức mua sắm thực phẩm. Sợ rằng các cửa hàng đóng cửa nghỉ Tết nên không ít gia đình sẵn sàng chi số tiền lớn để mua thực phẩm dự trữ, để rồi bất lực nhìn đống thức ăn phải đổ bỏ sau những ngày Tết. Quá lãng phí!
Chị Thanh Vân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Thói quen tích trữ thực phẩm đủ ăn trong và sau Tết đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Tôi cũng vậy, cứ đến dịp cuối năm là mua trước các loại đồ khô, gia vị, bánh kẹo mứt Tết, rượu bia... Giáp Tết thì mua nhiều bánh chưng, làm sẵn một nồi canh măng, một nồi thịt đông, vài cây giò lụa, giò chả, gói sẵn nem... Kết quả năm nào cũng vậy, bánh chưng thừa nhiều, phải cho vào tủ lạnh rồi chiên lên ăn dần đến phát ngán. Những nồi thịt đông, canh măng... được hâm đi hâm lại. Năm nào đến mùng 7, mùng 8 tháng Giêng cũng phải đổ bỏ một số thức ăn thừa”.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, chia sẻ: “Thời bao cấp, do thiếu thốn nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết rất lớn. Các nhà thường chung nhau “đụng” lợn, cá... với khối lượng lớn. Nhưng ngày nay, do đời sống lên, thực phẩm đầy đủ quanh năm nên nhu cầu ăn uống ngày Tết cũng không quá nhiều. Nhiều siêu thị, cửa hàng... mở cửa xuyên Tết, vì vậy chúng ta nên mua vừa phải, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm”.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng đưa ra lời khuyên, muốn trữ được thực phẩm lâu thì cần chú ý chọn lựa thực phẩm kỹ càng. Người nội trợ phải chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Khi mua thực phẩm tươi sống thì cần chọn loại tươi, sạch, không có mùi ôi thiu; không ăn thực phẩm đã quá hạn sử dụng, ngay cả khi chúng không bị mốc và không có mùi.
Khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, cần giữ nhiệt độ dưới 5ºC để ngăn chặn vi trùng có hại phát triển và sinh sôi; tránh chất đầy tủ lạnh bởi nếu quá đầy, không khí không thể lưu thông tốt, ảnh hưởng đến nhiệt độ chung.
Những loại hàng đóng gói sẵn như thịt hộp, nem cuốn, bánh mứt kẹo... luôn được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng phải có kiến thức cơ bản để biết cách lựa chọn các mặt hàng đóng gói sẵn.
Người tiêu dùng chỉ mua thực phẩm đóng gói có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cần quan sát kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm; bao bì phải có đầy đủ thông tin theo quy định, như tên sản phẩm, thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, định lượng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin cảnh báo. Đối với sản phẩm nhập khẩu thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt.
Người tiêu dùng không lựa chọn, sử dụng thực phẩm khi có dấu hiệu hộp bị phồng, ôi thiu, mốc hỏng. Nếu chọn giỏ quà Tết gói sẵn trong đó có nhiều loại sản phẩm khác nhau, người tiêu dùng cần chú ý chất lượng sản phẩm bên trong, tốt nhất là kiểm tra kỹ hạn sử dụng của riêng từng loại sản phẩm, sau đó mới yêu cầu người bán xếp thành giỏ quà.
Đối với các sản phẩm mứt khô, cần chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế những sản phẩm có nhiều màu; chọn sản phẩm bao bì còn nguyên vẹn, được bày bán ở nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Cần quan sát kỹ bên ngoài sản phẩm, nếu phát hiện mứt bị mốc, có mùi hôi, chảy nước, mùi chua thì tuyệt đối không mua.
Thanh Phong
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.