(HNM) - Ở tuổi tóc bạc lưng còng, lẽ ra họ đã an nhàn bên gia đình, vui vầy cùng con cháu. Thế nhưng, “chất lính” vẫn “chảy” trong tâm thức của các cựu chiến binh (CCB). Đó là lý do mà hôm nay họ tiếp tục có mặt trên những “trận tuyến” mới, dùng trí tuệ và bản lĩnh đã được tôi luyện trong chiến trường vẽ nên
“Cuộc chiến” chống đói nghèo
Đánh giặc ngoại xâm đã khó, chống lại giặc nghèo càng khó khăn hơn khi mà hầu hết các CCB bước ra từ cuộc chiến chỉ có đôi bàn tay trắng, thậm chí nhiều người mang trong mình thương tật, vết tích và nỗi ám ảnh chiến tranh. Nhưng với suy nghĩ rất giản dị, ra đi từ đâu sẽ bắt đầu từ đó, nhiều CCB đã chọn cách quay về quê hương để gây dựng cuộc sống và nhiều người trong số họ đã thành công.
Trang trại ấp trứng gia cầm của CCB Đỗ Đình Ngô (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Ảnh: Thái Hiền |
Phó Chủ tịch Hội CCB xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Tít nhớ lại: Năm 2004, xã chủ trương dồn điền đổi thửa, anh em CCB chúng tôi hết sức lo lắng: Liệu mình làm được gì với những mảnh ruộng chiêm trũng khi sức trẻ đã gửi lại chiến trường? Nhưng rồi, được Ban chỉ huy quân sự và Hội CCB huyện động viên, không khuất phục trước khó khăn, thử thách, những người lính ấy một lần nữa lại cùng nhau quyết tâm, quyết chí… ra đồng lập nghiệp. Những lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản được địa phương mở liên tiếp, những buổi họp bàn tìm hướng đi, cách làm của CCB ngày càng nhiều, Trung Tú ngày đó như bước vào một trận đánh mới. Được xã tạo thuận lợi để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nên các CCB có đà để tiến lên.
Và rồi, đất không phụ công người bởi chỉ 4 năm sau mô hình "làng lính đa canh" của các CCB xã Trung Tú đã trở thành một “hiện tượng” của cả tỉnh Hà Tây (cũ) lúc bấy giờ. 30 gia đình CCB tham gia gây dựng "làng lính đa canh" đã thực sự thành công, mỗi năm lợi nhuận từ việc làm trang trại, nuôi trồng thủy sản lên tới gần 200 triệu đồng. Một vùng đất chiêm trũng năm nào đầy cỏ năn, cỏ lác nhờ bàn tay của các gia đình CCB đã biến thành những trang trại quy mô. CCB Chu Văn Cốc, chủ một trang trại gần 4ha cho biết: Ngày đầu nghe anh em rủ lập "làng lính", tôi cũng lo. Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ và được mọi người động viên, tôi đã quyết tâm nhận 4 mẫu ruộng để làm trang trại lúa, cá, vịt và tận dụng đất trống để trồng các loại cây ăn quả. Anh em cùng hỗ trợ nhau nên chúng tôi đã thành công. Trang trại của gia đình tôi cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Từ 30 hộ đầu tiên ra đồng lập nghiệp, nay mô hình này đã được nhân rộng ra 8/8 thôn với hơn 100 hộ tham gia. "Làng lính đa canh" của Trung Tú hôm nay đã thu hút không chỉ CCB mà còn có sự góp mặt của các cựu quân nhân.
Trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo hôm nay, nhiều CCB đã tựa vào nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức làm ăn và cả nguồn vốn với mong muốn cùng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những việc làm thiết thực đó đã đưa phong trào “CCB phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu hợp pháp” của CCB Thủ đô có bước phát triển mạnh. Một trong số những người tiêu biểu như thế là CCB Đỗ Đình Ngô. Lập nghiệp bằng tay trắng với nhiều người đã khó, với CCB Đỗ Đình Ngô dường như càng nan giải hơn bởi sau 8 năm chiến đấu và phục vụ quân ngũ, ông để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, sức khỏe cũng đã giảm sút. Thế nhưng ông không hề nao núng. “Nhớ lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi quyết tâm bắt đầu cuộc chiến mới và xác định sẽ gian nan không kém cuộc chiến tôi vừa trải qua” - ông Ngô nói. Chọn nghề mới, nghề ấp trứng gà, CCB Đỗ Đình Ngô vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đến nay, sau hơn 30 năm làm nghề ấp trứng, từ quy mô nhỏ bé, xưởng ấp trứng của ông hiện đã phát triển thành Công ty Giống gia cầm Thắng Lợi, mỗi năm ấp vài triệu quả trứng, thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Công ty của CCB Đỗ Đình Ngô còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động là con em CCB với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, ông trích từ 30 đến 40 triệu đồng cho các hoạt động tình nghĩa. Năm 2011, CCB Đỗ Đình Ngô được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì những thành tích trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, giai đoạn 2007-2011”.
Vì cuộc sống bình yên
Ở vào tuổi “xưa nay hiếm” và dù mang trong người nhiều bệnh hiểm nghèo nhưng CCB Lê Xuân Cường, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân luôn là tấm gương sáng, điển hình tiên tiến của Hội CCB quận Thanh Xuân trong công tác hội và tham gia phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn. Với vai trò là Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện của phường Khương Mai, ông không chỉ duy trì sinh hoạt, giao ban giữa các thành viên trong đội mà mỗi khi phát hiện người nghiện mới, ông đều trực tiếp đến tận nhà động viên đối tượng đi cai nghiện. Không ít lần bị gia đình và người nghiện từ chối nhưng CCB Lê Xuân Cường vẫn không nản. Ông cho biết: Tôi làm việc này một cách tự nguyện, xuất phát từ trách nhiệm và tình thương nên thái độ không hợp tác của đối tượng và gia đình họ, tôi không lấy làm phiền lòng hay tự ái”. Sự tâm huyết và nhiệt tình của CCB Lê Xuân Cường đã khiến nhiều gia đình hợp tác với ông, động viên con em mình đi cai nghiện. 5 năm qua, ông đã động viên được 5 đối tượng nghiện ma túy của phường Khương Mai cai nghiện thành công, đồng thời kiềm chế được số lượng người nghiện mới phát sinh.
Là thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội của TP Hà Nội, nhiều năm qua, các cấp hội CCB đã có những hoạt động tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Theo thống kê của Hội CCB thành phố, hội viên Hội CCB đã tham gia tại 577 đội hoạt động xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn và tại 436 CLB phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, 2.149 tổ tự quản, 435 tổ nắm tin để thông báo tình hình trật tự an ninh tại khối xóm. CCB Nguyễn Đức Trợ, Tổ trưởng Tổ dân phố 12, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Làm công tác ở phường như bận con mọn, hết việc nọ lại sang việc kia mà hầu như anh em chúng tôi đều kiêm nhiệm nhiều việc”. Hơn 10 năm đảm nhiệm các công việc tại địa phương, CCB Nguyễn Đức Trợ đã rút ra được kinh nghiệm rằng, giải quyết công việc tại cơ sở đòi hỏi không chỉ cứng rắn mà nhiều khi rất cần mềm dẻo, linh hoạt. Với bản lĩnh, trí tuệ đã được tôi luyện qua môi trường quân đội, các CCB đều vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Không phải khó khăn đã thôi thử thách những người CCB, nhưng thử thách ấy đã không thể làm nản lòng những người lính đã từng đối mặt với kẻ thù. Mặt khác, sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự động viên, hưởng ứng của bà con nhân dân chính là động lực, nguồn động viên to lớn để một lần nữa họ ngẩng cao đầu hát vang khúc quân hành “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh…”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.