Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chất keo” trong các trường học

Thống Nhất| 09/12/2010 07:21

(HNM)-


Nhưng làm thế nào để "chất keo" đó thực sự phát huy thế mạnh trong các nhà trường, nhất là ở các trường ngoài công lập (NCL)? Những điều ấy đã được đem ra bàn thảo trong hội nghị do Sở GD-ĐT vừa tổ chức để tìm hướng hoạt động cho tổ chức công đoàn thời gian tới…

Ít trường NCL có tổ chức công đoàn


T chc công đoàn ti trường hc hot đng có hiu qu s góp phn nâng cao cht lượng giáo dc. Ảnh: Linh Tâm


Theo thống kê của ngành GD-ĐT Hà Nội, chỉ tính riêng khối THPT và trung cấp chuyên nghiệp Hà Nội hiện nay có 114 trường NCL. Hầu hết các trường đều đã đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hoàn thiện bộ máy tổ chức để xây dựng nhà trường ổn định và phát triển. Tuy nhiên, số trường thành lập được tổ chức công đoàn (CĐ) còn ít. Tính đến hết năm học 2009-2010 mới có chỉ 30 đơn vị thành lập tổ chức CĐ cơ sở các trường NCL trực thuộc CĐ ngành giáo dục Hà Nội.

Nguyên nhân của thực trạng này, theo các vị hiệu trưởng, do đặc thù của trường NCL (giáo viên từ nhiều nguồn, nhiều độ tuổi, ít giáo viên cơ hữu…) nên việc thành lập tổ chức CĐ và vận động mọi người tham gia rất khó. Đại diện lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết mặc dù đã hoạt động từ nhiều năm nay nhưng nhà trường chưa thành lập được tổ chức CĐ. Theo ông, việc thành lập tổ chức CĐ ở nhiều trường NCL hiện nay rất khó, nhất là với những trường có quy mô nhỏ như Nguyễn Đình Chiểu - với khoảng hơn hai chục cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó đa phần đều là giáo viên lớn tuổi, đã nghỉ chế độ ở trường công lập.

Cô giáo Đặng Thúy Nhâm, Trường Trung cấp Bách nghệ Hà Nội bày tỏ sự trăn trở trong hoạt động CĐ với mong muốn tổ chức này thực sự có vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt của mỗi thành viên nhà trường, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, là chỗ dựa tin cậy cho người lao động. Theo cô, để xây dựng tập thể phát triển bền vững thì nhà trường phải có đội ngũ người lao động tận tụy, gắn bó. Muốn vậy, tiếng nói của tổ chức CĐ phải là tiếng nói đại diện cho người lao động, tổ chức CĐ phải thực sự làm cho mỗi người lao động thấy họ được bảo vệ một cách an toàn để có thể yên tâm công tác… Tuy nhiên, làm được điều này đối với trường công lập đã khó, với trường NCL còn khó hơn vạn lần.

Đâu là giải pháp?

Thầy giáo Nguyễn Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đông Đô cho rằng, để giải quyết được những khó khăn hiện nay, CĐ phải trở thành một tổ chức thực sự cần thiết đối với mỗi người lao động chứ không phải hữu danh vô thực. Kinh nghiệm của nhà trường là định hướng hoạt động CĐ phối hợp chặt chẽ với chính quyền để xây dựng đội ngũ giáo viên vững mạnh, bắt đầu từ khâu tuyển dụng đến việc giám sát thực hiện hợp đồng lao động của hai phía (người lao động và chính quyền); tham gia quản lý chuyên môn; chủ trì tổ chức các phong trào thi đua và cả giám sát việc trả lương cho người lao động theo hiệu quả công việc chứ không theo thâm niên công tác - điều mà các trường đều áp dụng từ nhiều năm nay. Quyết định này ban đầu đã gặp không ít khó khăn, động chạm đến nhiều vấn đề tế nhị, nhất là với những giáo viên đã cống hiến lâu năm trong nghề, song nhờ có sự can thiệp của CĐ, mọi thành viên đều đã đồng lòng thống nhất chủ trương, chung tay thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục. Đội ngũ giáo viên trẻ nhờ thế yên tâm công tác và phấn đấu hơn. Đây không chỉ là "chiêu" để giữ chân những giáo viên trẻ, giỏi, mà còn là nền tảng để xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh và mang tính ổn định.

Cũng là chăm lo cho phát triển đội ngũ, song lại có một cách làm khác ở Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm, mục tiêu hàng đầu của mỗi nhà trường là chất lượng GD-ĐT, điều này càng cần thiết đối với trường NCL, vì có chất lượng mới có thể thu hút HS. Để tạo nên chất lượng GD-ĐT, yếu tố đội ngũ có vai trò quan trọng. Không một hội đồng quản trị nào lại không muốn có một đội ngũ vững mạnh và bền lâu, để họ không chạy chỗ nọ, bỏ chỗ kia. Điều cần thiết là phải làm cho người lao động thấy được tổ chức CĐ mang lại lợi ích gì cho họ.

Lúc này, vai trò của tổ chức CĐ là làm sao để biết được người lao động có nhu cầu gì. Rõ ràng, đó phải là nhu cầu thiết thực với cuộc sống của bản thân người lao động. Vì vậy, theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, hoạt động của tổ chức CĐ trường NCL nên tập trung vào việc chăm lo, tạo điều kiện để mọi giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đó không chỉ là điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục của trường, mà còn là cách trang bị vững bền để người lao động tự bảo vệ mình bằng năng lực thực sự. Làm được như vậy thì chẳng cần hô hào hay khuyến khích nhiều, mỗi người lao động sẽ tự ý thức được việc có nên hay không tham gia vào tổ chức CĐ trong nhà trường, bất kể đó là trường công lập hay trường NCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chất keo” trong các trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.