(HNM) - Hôm nay, thứ hai đầu tiên của tháng 8, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố chính thức thực hiện Thông tri của Thành ủy Hà Nội về việc hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ Tổ quốc và sinh hoạt dưới cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần...
Và cũng từ ngày hôm nay, âm hưởng "Tiến quân ca" hùng tráng sẽ đều đặn vang lên trên thành phố lắng hồn núi sông ngàn năm, mở đầu cho một tuần làm việc tràn đầy xung lực với tinh thần mới, khí thế mới.
Quốc ca là bài ca vĩ đại, là biểu tượng của mỗi quốc gia, gắn với lịch sử đặc biệt, vận mệnh thiêng liêng và ý chí, khát vọng của mỗi dân tộc. Chào cờ và hát Quốc ca là một nghi lễ thiêng liêng, nghi thức quan trọng thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước, với nhân dân. Do vậy, ở nhiều nước trên thế giới, việc hát Quốc ca được coi là nghĩa vụ, quyền lợi của công dân, được quy định hết sức nghiêm túc và theo thời gian đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi người dân và trong toàn xã hội.
"Đoàn quân Việt Nam đi/ chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...". Tiếng hát "Tiến quân ca" đã vang lên trên Quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày khai sinh đất nước Việt Nam của chúng ta. "Tiến quân ca" mang theo ước vọng của cả dân tộc đi qua các cuộc trường chinh vệ quốc để non sông ca khúc khải hoàn. Máu của những người con nước Việt đã tô thắm màu cờ đỏ sao vàng, để mỗi người dân được hát vang bài hát vĩ đại của dân tộc Việt Nam trên quê hương hòa bình, thống nhất. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã hát Quốc ca với nhiệt huyết từ mỗi trái tim cho dân tộc và đất nước, cho quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, vì chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc giáo dục ý thức công dân, về lễ thức trong xã hội, trong đó có việc thực hiện nghi thức chào cờ và hát Quốc ca, nên việc thực hiện ở nhiều nơi, nhiều lúc có phần tùy tiện. Việc sử dụng các băng ghi âm sẵn cả nhạc, cả lời cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "hát nhép", không hát Quốc ca trong nghi lễ. Thậm chí, nhiều học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước không thuộc lời "Tiến quân ca". Thế nên, việc Thành ủy Hà Nội ra Thông tri về việc hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ Tổ quốc và sinh hoạt dưới cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần là hết sức cần thiết.
Quốc ca Việt Nam là niềm tự hào của người dân Việt Nam, khi tiếng hát "Tiến quân ca" cất lên từ trái tim mỗi người Việt Nam cũng là lúc niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước trào dâng mạnh mẽ. Và như vậy, mỗi lần hát Quốc ca là một lần người Việt Nam tự bồi đắp tinh thần yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc để nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước. Điều này thật sự cần thiết đối với mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt đối với sinh viên, học sinh để từ đó, nâng cao ý thức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân qua từng việc làm cụ thể ở từng vị trí công việc cụ thể. Nói cách khác, nguyện vọng của cả dân tộc chất chứa trong "Tiến quân ca" phải được chuyển thành hành động để "Nước non Việt Nam ta vững bền".
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy: Việc hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ Tổ quốc và sinh hoạt dưới cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để việc làm đó thật sự trở thành nguyện vọng của mỗi công dân Thủ đô, để tinh thần "Tiến quân ca" trở thành động lực cho mỗi việc làm, mỗi hành động thì việc thực hiện Thông tri của Thành ủy Hà Nội phải trở thành việc làm thường xuyên, phải được triển khai nghiêm túc trong mỗi cơ quan, đơn vị, trường học. Và đương nhiên phải kiểm tra, xử lý những đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc Thông tri này.
Cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi trang nghiêm chào cờ Tổ quốc, khi cất tiếng hát Quốc ca trong ngày đầu tuần sẽ tạo nên một khí thế mới để mỗi công dân Thủ đô hoàn thành trách nhiệm công việc của chính mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.