(HNM) - Cuộc sống không may mắn như những người khác, Trần Tất Viên, chàng trai Văn khoa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) vượt lên hoàn cảnh để khẳng định mình và truyền cảm hứng sống đẹp, sống có ích cho những người xung quanh.
Chàng trai Trần Tất Viên giờ đây đã tự tin khẳng định chính mình. |
Chiến thắng những thiệt thòi từ thuở ấu thơ, cậu trở thành người khuyết tật duy nhất trong 10 tấm gương thanh niên điển hình tiên tiến trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016, do Thành đoàn Hà Nội tổng kết, vinh danh.
Tuổi thơ nhiều thiệt thòi
Thuở mới lọt lòng, cậu bé Trần Tất Viên cũng mạnh khỏe như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, không lâu sau, gia đình phát hiện cậu bị liệt nửa người bên trái. Ngay khi biết chuyện, bố đã rời bỏ hai mẹ con Viên, một mình mẹ cậu vật lộn mưu sinh. Cuộc sống gia đình càng chồng chất khó khăn. Để nuôi sống hai mẹ con, mẹ Viên phải làm việc quần quật, bất kể nắng mưa. Viên dù thân thể khiếm khuyết nhưng cũng ra đồng bắt ốc, mò cua như những bạn khỏe mạnh cùng trang lứa.
Khi đi học, với đôi chân khập khiễng, yếu ớt, cậu thường bị bạn bè trêu chọc, cười cợt. Viên vốn đã tự ti với cơ thể mình, càng sống khép kín, ít nói và lầm lũi hơn. Viên ước mình có thể chạy trốn thực tại, chạy trốn những năm tháng tuổi thơ đầy nước mắt. Không có bạn bè để chia sẻ, tâm sự, Trần Tất Viên chỉ biết làm bạn với văn học. Những trang văn kể cho cậu nghe về cuộc sống tươi đẹp, về những tấm gương nghị lực, giúp cậu có động lực bước tiếp. Cũng từ đây, cậu bắt đầu nuôi mộng văn chương.
Năm học lớp 10, Viên được xem một phóng sự về Câu lạc bộ Hoa Đá của sinh viên Đại học KHXH&NV. Câu lạc bộ gồm nhiều anh chị có chung hoàn cảnh như Viên, nhưng họ đều vui vẻ, lạc quan. "Mình ước được sống trong môi trường đó, được vui vẻ và tự tin như vậy. Xem xong, mình lại càng có thêm quyết tâm để thi đỗ vào Đại học KHXH&NV", Viên nhớ lại.
Bà Vũ Thị Loan kể về cậu con trai của mình: "Con tôi tật nguyền, nhưng nó là đứa "tàn nhưng không phế", rất chăm chỉ học tập và thương yêu mẹ hết lòng". Đúng như lời mẹ Viên kể, ngay khi xác định được con đường nên đi, Viên miệt mài bài vở. Vừa học, Viên vừa phụ giúp mẹ làm việc. Cậu bắt đầu kết nối với bên ngoài nhiều hơn. Từ những cánh thư, Viên quen biết với các anh chị có chung hoàn cảnh, được mọi người giúp đỡ. Một tháng trước ngày thi đại học, Viên rời quê thị trấn Bình Mỹ, Lục Bình, Hà Nam, lên Hà Nội ôn thi. Dưới ánh đèn bàn, Viên thức trắng đêm say sưa học tập. Hình ảnh năng động, vui tươi của một sinh viên nhảy múa trong lòng chàng trai trẻ.
Kỳ thi kết thúc, giấy báo trúng tuyển vào Khoa Văn Đại học KHXH&NV đến với Viên. Sung sướng, hạnh phúc, tự hào xen lẫn với những nỗi lo cơm áo, mẹ Viên tiễn con lên đường ra Hà Nội học tập. Không phụ sự kỳ vọng của mẹ và những người luôn đồng hành, giúp đỡ, Viên vẫn luôn là một người con ngoan, một sinh viên ưu tú.
Động lực thôi thúc
Từ một người rụt rè, tự ti, giờ đây, Trần Tất Viên đã trở thành một sinh viên năm thứ ba đầy tự tin. Cậu là một tấm gương sáng của bạn bè, các em sinh viên khóa dưới. Cô Hoàng Cầm Giang, Chủ nhiệm bộ môn Nghệ thuật, giảng viên Đại học KHXH&NV nói về cậu sinh viên của mình: "Viên là người truyền cảm hứng cho những giáo viên như tôi. Nghị lực, sự quyết tâm, đặc biệt là sự kiên nhẫn của Viên khiến tôi cũng cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ".
Năm học 2015-2016, Viên đoạt giải Khuyến khích khi tham gia "Báo cáo khoa học sinh viên", Khoa Văn học với đề tài "Chuyển thể như là tái sáng tác, trường hợp phim “Mùa ổi” và phim “Của rơi”. Trong năm 2014-2015, Trần Tất Viên nhận Giấy khen của Đoàn Trường Đại học KHXH&NV vì có đóng góp tích cực trong các hoạt động tình nguyện và phong trào đoàn hội sinh viên năm học 2014-2015.
Không chỉ chăm chỉ học tập, ngay khi bước chân vào cánh cổng trường đại học, điều đầu tiên Viên làm là đăng ký tham gia vào CLB Hoa Đá. Sau 3 năm tham gia, Viên đã có những đóng góp thiết thực cho hoạt động của CLB. Cậu giúp các thành viên mới của CLB gắn kết với các tình nguyện viên, động viên các em vượt qua mặc cảm, tự tin để vươn lên khẳng định mình. Trong những chương trình, hoạt động của trường như "Hương tháng 3", Viên cùng các thành viên khác đại diện cho CLB tham gia thi nấu ăn chúc mừng các bạn nữ. Trong các buổi tình nguyện về các địa phương, cậu cũng là một trong những người nhiệt tình dẫn dắt các thành viên mới. Viên cũng là người lên ý tưởng, viết kịch bản cho hầu hết chương trình của CLB. Sau 3 năm sinh hoạt, hiện Viên là Phó Chủ tịch CLB Hoa Đá.
Chia sẻ về CLB Hoa Đá, Viên nói: "Hoa Đá là nơi tôi gắn bó với rất nhiều kỷ niệm trong đời sinh viên của mình. Tình cảm mà tôi dành cho CLB cứ lớn dần theo năm tháng, tôi đã học được nhiều từ sự vươn lên, ý chí khát khao vượt qua mọi khó khăn của các anh, chị đi trước. Tôi luôn nỗ lực và đóng góp sức mình bằng tất cả sự đam mê và nhiệt huyết cho CLB. Tôi cảm thấy vui và tự hào vì trở thành cầu nối giữa các bạn, các em sinh viên khuyết tật, các tình nguyện viên và được mọi người yêu quý, tin tưởng".
Nhắc đến Viên, Đinh Thị Lan, thành viên CLB Hoa Đá, sinh viên Đại học KHXH&NV vui vẻ cho biết: "Anh Viên là một người cởi mở, dễ gần và thân thiện. Em vào sinh hoạt CLB cũng được một năm rồi, anh là người em tâm sự nhiều nhất. Anh cũng chia sẻ cho em nhiều cuốn sách hay, nhiều bài học bổ ích, tư duy tích cực và các kinh nghiệm học tập. Tiếp xúc và lắng nghe anh, em thấy mình cần cố gắng để học tập và rèn luyện tốt hơn".
Từ một cây non yếu ớt, Trần Tất Viên giờ đã trưởng thành cứng cáp. Cậu là động lực thôi thúc những người trẻ vượt qua khó khăn, nghị lực vươn lên, không chỉ khẳng định mình mà còn truyền cảm hứng sống vui, sống có ích cho người khác, đặc biệt là những người có hoàn cảnh kém may mắn.
Được vinh danh là một trong 10 tấm gương thanh niên điển hình tiên tiến về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016, Viên cho biết cậu vui và tự hào nhưng cũng thấy nhiều áp lực. Trần Tất Viên tâm sự: "Tôi biết mình sẽ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực hơn nữa. Trước mắt, tôi muốn hoàn thành tốt công việc học ở trường, để năm sau tốt nghiệp đại học với thành tích tốt nhất có thể. Sau đó tôi muốn được làm việc nhiều hơn nữa với văn chương, điện ảnh để trở thành nhà biên kịch như ước mơ từ ngày bé".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.