(HNM) - Hôm nay (10-10), cuộc trưng bày 80 đầu sách trong dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến (Tủ sách) tại Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ tạm kết thúc, bắt đầu cho một chặng tiếp sức mới nhằm hoàn thiện hơn bộ
Khơi mở một dòng chảy lớn
Độc giả thăm và đọc sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” tại Thư viện Quốc gia.
Ảnh: Bá Hoạt
Chưa hề có tiền lệ, Tủ sách về Thăng Long - Hà Nội đã đặt những bước đầu tiên khá vững vàng suốt 3 năm trăn trở trên từng trang sách. "Đặc thù", "phức tạp", "lần đầu tiên"... là những điều trở đi trở lại trong những nhận xét của các nhà khoa học, giới chuyên môn về dự án đa năng và công phu này. 80 đầu sách trong số 94 đầu sách của dự án kịp ra mắt chững chạc vào dịp Đại lễ đã hé lộ một con đường rộng, khơi mở một dòng chảy lớn về điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản những công trình liên quan đến Thăng Long - Hà Nội.
Nếu tính cặn kẽ hơn thì dự án này đã manh nha từ cách đây 10 năm khi Hà Nội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng vì là việc chưa từng làm, nên nhà quản lý cũng như nhà chuyên môn phải tìm kiếm từng bước đi. Và những chuyển động đầu tiên của bánh xe dự án chỉ mới bắt đầu từ 30-8-2006 với Quyết định 3834/QĐ của UBND TP Hà Nội giao NXB Hà Nội làm chủ đầu tư.
Cho đến nay, dự án này đã khẳng định một điểm cốt lõi là "Lần đầu tiên trong thời kỳ đổi mới, thành phố huy động được khá đông các nhà khoa học, văn nghệ sĩ hội tụ quanh dự án Tủ sách. Nếu không có tinh thần vinh dự được cống hiến xen lẫn trách nhiệm công dân và tình yêu với Thăng Long - Hà Nội đến cháy bỏng thì bộ sách khó có thể hoàn thành" (PGS.TS Phạm Xuân Hằng).
Bên cạnh nỗi khó nhọc của 94 đầu sách đã có hình hài cụ thể, đã và đang ra mắt công chúng hôm nay, còn có rất nhiều nỗi khó nhọc khác đã không kịp có tên trên giá sách dịp này. Dự một cuộc phản biện của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn chuyên môn với tác giả dù là người ngoài cuộc cũng thấm hết cái hành trình gian khổ của một cuốn sách. Hàng trăm trang viết đã dựng nên từ sự chắt lọc của cả nghìn trang tư liệu, qua sự trải nghiệm, suy ngẫm nhưng công trình vẫn "đổ". Không phải vì tác giả không có tâm, không có trình độ mà là vì vấn đề quá mới mẻ, khối tư liệu mỏng, nhiều giai đoạn là khoảng trắng... Người viết và các chuyên gia đã bỏ không ít công tìm kiếm, bồi đắp, song vì độ "chín" của công trình mà đành... lỡ hẹn.
Từ những đầu sách đã xuất bản lại khơi mở ra hàng loạt công trình khác có thể nghiên cứu, công bố cho Hà Nội. Từ hàng nghìn trang tư liệu tiếng nước ngoài chưa lên tiếng, hàng vạn trang tư liệu khác trong nước chưa có điều kiện thành ấn phẩm công bố rộng rãi... Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến biết mình còn quá nhiều việc phải làm.
Chặng mới của hành trình tiếp sức
Thành phố Hà Nội đã đồng ý về chủ trương và giao NXB Hà Nội xây dựng kế hoạch cho giai đoạn II của dự án Tủ sách. Trong những ngày tưng bừng Đại lễ, những đầu sách còn lại thuộc Tủ sách giai đoạn I vẫn tiếp tục hoàn thiện. Và cũng ngay từ khi dự án chưa công bố, nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa... đã nghĩ đến việc sẽ tiếp tục chặng đường mới của Tủ sách.
Trong đó, bổ sung các mảng quan trọng còn trống của dự án là công việc đã nhìn thấy rõ. TS.Nguyễn Viết Chức chỉ ra "Sau khi Hà Nội mở rộng, cả một vùng văn hóa giàu truyền thống ở Hà Tây, một vùng ven đô Mê Linh độc đáo, 4 xã vùng bán sơn địa thuộc tỉnh Hòa Bình - văn hóa Mường giàu bản sắc... chưa được đề cập nhiều". Hay "còn rất vắng bóng các ấn phẩm về vùng nông thôn ngoại thành và ven nội thành, tức là vùng thuộc các trấn bao quanh Thăng Long xưa, vùng đất là "nền" và bổ sung cho văn hóa Thăng Long" (PGS.TS Bùi Xuân Đính). Thống kê về môn loại tác phẩm trong Tủ sách, PGS.Trần Nghĩa thấy "sử chiếm gần một nửa, văn và địa còn ít quá". Nhiều ý kiến khác cũng nêu ra còn kho sách Hán - Nôm với số lượng lớn, chủng loại đa dạng nhưng Tủ sách chưa khai thác được mấy; sách dành cho giới trẻ, cho độc giả phổ thông cũng chưa nhiều; còn thiếu hẳn các ấn phẩm ở dạng địa chí (tài liệu điều tra tổng hợp chuyên sâu). Đến nay, Hà Nội mới có hai cuốn địa chí cấp tỉnh là "Địa chí văn hóa Thăng Long - Hà Nội" và "Địa chí Hà Tây", tuy nhiên theo PGS.TS Bùi Xuân Đính thì hai cuốn này vẫn cần bổ sung cho xứng với di sản văn hóa đồ sộ của Hà Nội mở rộng.
Tìm kiếm, biên soạn, xuất bản ra ấn phẩm rồi, nhưng nhiều người cũng đặt câu hỏi về việc phổ biến khối ấn phẩm giá trị này. Đúng như TS. Nguyễn Viết Chức nói, theo quy luật cảm thụ sách, có cuốn có thể đọc một mạch, nhưng nhiều cuốn chỉ hấp dẫn sau nhiều lần đọc. Quảng bá, biết tạo ra thế "độc đáo" cho cuốn sách trên nền chất lượng ấn phẩm như việc NXB Trẻ - đánh số 1010 đến 2010 với cuốn "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" của Nguyễn Vinh Phúc là một gợi ý hay. PGS.TS Phạm Xuân Hằng còn đề nghị cần có kế hoạch xây dựng một "Kho tư liệu ảo" (công nghệ số) để quần chúng hóa nội dung những tư liệu ngàn năm văn hiến mà dự án sưu tầm được.
Thay lời kết, xin được dẫn ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ "Việc tiếp tục điều tra, sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản những tư liệu và công trình về Thăng Long - Hà Nội là bổ ích và cần thiết. Gia tài văn hóa Thủ đô sẽ giàu có thêm, nên việc hoạch định chính sách xây dựng, phát triển và hội nhập đô thị sẽ có thêm kinh nghiệm, luận cứ, tránh được sơ suất và sai lầm".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.