(HNM) - Đằng sau niềm vui đỗ đạt ấy là nhiều nước mắt, nỗ lực và phía trước cũng còn rất nhiều lo lắng, trăn trở của một cậu bé mồ côi giàu nghị lực.
Bùi Chí Hướng và Đào Thu Hường - hai thủ khoa của lớp 12A1, Trường THPT Cổ Loa. |
Gắng học để cha mẹ ngậm cười
Ngay từ đầu làng Tiên Hội, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, hỏi thăm vào nhà Bùi Chí Hướng - thủ khoa Học viện Bưu chính - Viễn thông, chúng tôi nhận được những lời chỉ dẫn tận tình từ chị bán hàng nước đến anh thanh niên vác cuốc đi làm đồng về. Trong giọng nói vui vẻ pha lẫn sự khâm phục của họ, tôi hiểu cậu bé Hướng đã trở thành niềm tự hào của cả dân làng Tiên Hội. Căn nhà Hướng đang sống khá khang trang. Chúng tôi gặp bà nội em và ông chú ruột sống bên cạnh. Bà đã 80 tuổi nhưng còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn. Bà kể, cả bố mẹ Hướng đều làm nghề nông nhưng luôn cố gắng nuôi bốn chị em Hướng học hành đến nơi đến chốn. Hướng là con út, ba chị gái đã trưởng thành, có công việc ổn định, lấy chồng và đi làm ăn xa. Từ khi mẹ rồi bố Hướng lần lượt qua đời, căn nhà rộng chỉ lủi thủi hai bà cháu chăm sóc lẫn nhau. Bà nhớ thời điểm Hướng học cuối năm lớp 9, khi căn nhà còn xây dở dang chưa xong thì mẹ cậu phát hiện mắc bệnh ung thư tụy. Có lẽ cũng vì vừa xây nhà, vừa cày cấy vất vả, sức lực bị vắt kiệt, lại không có điều kiện bồi dưỡng, thuốc men đầy đủ nên chỉ vài tháng sau, mẹ Hướng qua đời. Gạt nước mắt, bà bảo: "Trước khi nhắm mắt, mẹ nó còn dặn bố nó cố làm xong được cái nhà cho khang trang, cố bảo ban các con học hành chăm chỉ. Tội nghiệp nhất là thằng Hướng. Nó là con út, sống tình cảm, gần gũi mẹ nhất. Khi mẹ qua đời, nó suy sụp hẳn, đã ít nói càng ít nói hơn. Thời điểm này, Hướng chuẩn bị thi vào cấp ba, tôi và các chị nó cố gắng động viên cháu thi cho tốt. Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi ngoai thì hơn năm sau, căn bệnh ung thư phổi quái ác lại cướp mất bố nó. Lá vàng đưa tiễn lá xanh, tôi biết mình đau một thì cháu mình đau mười. Nhà rộng giờ vắng người, bữa cơm nào cũng chỉ có bà với cháu. Nó đi học thì tôi ở nhà một mình, nấu cơm chờ cháu về. Nhưng Hướng là đứa biết nghĩ, nó sợ bà buồn nên không bao giờ khóc trước mặt bà, chỉ cắm cúi học. Nhiều đêm, tôi thấy cháu lén khóc thầm, thương lắm mà chả biết làm sao…". Hướng thương bà lắm, ngoài giờ học là giúp bà chả thiếu việc gì, từ rửa bát, nấu cơm, giặt quần áo cho cả hai bà cháu. Bà chỉ tiếc là mình không biết chữ, lại chẳng hiểu gì về việc học của cháu, nên dù biết cháu nhiều lúc buồn bã, đơn độc nhưng cũng chẳng trò chuyện, bảo ban cháu được nhiều, chỉ biết dặn cháu chịu khó học thành tài cho cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn bố mẹ.
Ông chú Bùi Công Thức ở cạnh nhà Hướng thì không giấu nổi niềm tự hào: "Từ nhỏ, Hướng đã là đứa ngoan ngoãn, hiền lành và học giỏi có tiếng. Con nhà nông lúc mùa vụ còn phải đỡ đần bố mẹ nhưng cháu tôi năm nào cũng là học sinh giỏi. Từ khi mẹ mất, rồi bố qua đời, nó ít nói hẳn và chẳng bao giờ thấy cười nhưng chăm chỉ học hơn, nhất là năm học cuối ôn thi đại học. Có nhiều đêm, tôi đã ngủ được một giấc, nhìn sang nhà vẫn thấy phòng cháu sáng đèn. Nó đỗ đạt thế này thì bố mẹ cháu cũng được ngậm cười nơi chín suối".
Hỏi thêm, chúng tôi được biết từ ngày bố mẹ mất, tiền sinh hoạt hằng ngày của Hướng và bà chủ yếu dựa vào tiền chế độ hằng tháng của bà là mẹ liệt sĩ và tiền chu cấp từ ba chị gái, tằn tiện lắm mới đủ cho Hướng đi học. Giờ thì chị gái cả của Hướng cũng khó khăn lắm vì anh rể mới mất, để lại cho chị nuôi hai con nhỏ, đồng lương giáo viên cấp hai của chị eo hẹp nên cũng không giúp được nhiều. Nhắc đến cháu rể, giọng bà nội chùng xuống: "May là chị cả của Hướng lấy chồng làng, nhà neo người, cháu rể cũng hay qua lại giúp đỡ. Hôm Hướng thi tốt nghiệp, anh rể đưa em đi thi và hẹn hôm nào thi đại học anh sẽ sang đưa em đi. Nhưng trước khi Hướng thi Học viện Bưu chính - Viễn thông chỉ mấy hôm, anh bị cảm rồi đột ngột qua đời. Hướng nó cũng buồn, lại tủi thân vì bố mẹ không còn, trông cậy vào anh thì anh cũng đã đi xa. Nó thương anh, thương chị, thương cháu nên càng quyết tâm thi thật tốt".
Một lớp có 5 thủ khoa, á khoa
Chúng tôi đến Trường THPT Cổ Loa tìm gặp Hướng. Ngôi trường nhỏ đơn sơ với những hàng cây xà cừ cổ thụ che mát rợp sân trường. Anh bảo vệ chỉ cho tôi Hướng đang ngồi trò chuyện cùng một nhóm bạn. Tân thủ khoa nhỏ bé, hiền lành, dù vui vẻ cười đùa với các bạn nhưng ánh mắt vẫn hằn nét ưu tư, buồn bã. Không muốn nói nhiều đến hoàn cảnh đặc biệt của mình, Hướng và các bạn chia sẻ với chúng tôi những giây phút vui vẻ, cả những thành tích "quậy phá" của tuổi học trò, những clip nhảy múa tập thể vui nhộn, những giờ học thêm đói bụng được thầy mua bánh khoai cho ăn… Thầy Trần Quý Nam - giáo viên môn vật lý, người gắn bó với tập thể lớp 12A1 đã hai năm qua, cho biết: "Lớp 12A1 chủ yếu là các bạn con nhà nông, gia cảnh không lấy gì làm khá giả nhưng các em đều học hành nghiêm túc, dù hiếu động nhưng học ra học mà chơi ra chơi và đặc biệt 49 thành viên sống với nhau rất gắn bó. Đợt tuyển sinh đại học vừa qua, lớp đã có nhiều bạn đạt thành tích cao. Ngoài Hướng là thủ khoa Học viện Bưu chính - Viễn thông còn có bạn Đào Thu Hường - thủ khoa Học viện Tài chính, bạn Nguyễn Dương Dũng - thủ khoa Đại học Kinh tế quốc dân, bạn Nguyễn Thị Thu Hà - á khoa Đại học Ngoại thương, bạn Lại Quý Hưng - á khoa Đại học Giao thông - Vận tải, bạn Hoàng Gia Minh được tuyển thẳng vào Đại học Công nghệ vì đã đoạt giải nhì cuộc thi tin học quốc gia. Tính đến thời điểm này, đã có hơn 40 bạn của lớp 12A1 đỗ đại học, trong đó số bạn đạt điểm trên 27 khoảng 15-16 em. Đây đúng là một năm "bội thu" của lớp cũng như của toàn trường". Nói riêng về Hướng, thầy Nam chia sẻ: "Trong lớp, Hướng ngồi bàn cuối cùng với bạn Nguyễn Dương Dũng, thuộc nhóm "hay hỏi" nhất lớp, có bài gì khó các bạn cũng chụm vào bàn luận, không giải được hoặc có cách giải mới đều mang hỏi thầy. Hướng học đều các môn, tính hiền lành, tích cực trong các hoạt động tập thể nên được bạn bè yêu quý. Tôi dạy cả ba chị gái của Hướng và giờ đến Hướng nên hiểu gia cảnh của em. Nhà trường cũng rất quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như Hướng, ngoài việc miễn giảm học phí, việc học chuyên đề các giáo viên cũng miễn mọi khoản đóng góp cho Hướng. Bạn bè cũng thường xuyên động viên, an ủi để em vượt qua được những thời điểm khó khăn nhất".
Trò chuyện với thầy cô và những người bạn vui vẻ của lớp 12A1 Trường THPT Cổ Loa, chúng tôi hiểu, ngoài sự chăm sóc tận tình của bà nội, của ba chị gái và họ hàng làng xóm, cậu bé mồ côi Bùi Chí Hướng đã nhận được nhiều sự quan tâm của thầy cô và bạn bè để có nghị lực vượt qua những nỗi đau thương mất mát lớn nhất đời người, đạt được thành tích cao trong kỳ thi đại học vừa qua. Chia tay chúng tôi, Hướng chỉ nói giản dị: "Khi còn sống, bố mẹ thường nhắc nhở em cố gắng học để thoát khỏi nghèo khó và để bố mẹ được tự hào. Giờ bố mẹ mất, em chỉ còn bà nội. Khi đi học em chỉ lo bà ở nhà một mình, tuổi già vắng người chăm sóc. Thời gian tới em chỉ mong học thật giỏi, tìm được việc gì đó làm thêm để đủ nuôi sống mình, đỡ đần bà và các chị. Bố mẹ đã đặt tên cho em là Chí Hướng, em mong mình tìm được hướng đi đúng để trở thành người có ích, không phụ lòng bố mẹ".
Chúc cho những ước mong của chàng trai giàu nghị lực Bùi Chí Hướng thành hiện thực và cũng mong rằng em sẽ nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng xã hội, những nhà hảo tâm để thời gian tới, hành trang vào đại học của Hướng không còn là gánh nặng quá lớn với bà nội và ba chị gái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.