(HNM) - Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, Vietnam Airlines, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Du lịch Hà Nội vừa ký thỏa thuận hợp tác nhằm thu hút khách đi du lịch bằng tàu hỏa từ miền Nam ra miền Bắc rồi quay về bằng máy bay hoặc ngược lại
Theo thỏa thuận trên, các bên sẽ liên kết hợp tác để triển khai chương trình kích cầu du lịch bằng đường sắt và đường hàng không. Mức giá ưu đãi sẽ do đường sắt và hàng không đưa ra tùy từng thời điểm. Cụ thể, đường sắt sẽ chuẩn bị các điều kiện về tiện nghi trên tàu như số ghế trên toa, số giường nằm trong một khoang, wifi, nhà vệ sinh sạch sẽ và ăn uống bảo đảm... tùy theo yêu cầu của khách. Đơn vị đường sắt và hàng không cũng sẽ giảm giá vé kết hợp với các dịch vụ giảm giá khác của công ty lữ hành thuộc hai Hiệp hội trên để có tour du lịch tàu hỏa cạnh tranh với các phương tiện khác.
Du lịch đường sắt hứa hẹn sẽ mang đến sức hút riêng tới du khách. |
Đánh giá về sản phẩm này, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Phòng Tiếp thị & Truyền thông Công ty Du lịch Fiditour cho rằng, đây là một ý tưởng rất hay bởi với địa hình đa dạng của Việt Nam, tour sẽ xuyên qua các vùng từ đồng bằng, trung du đến miền núi, giúp du khách trải nghiệm các không gian văn hóa đặc trưng giữa các vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải khiến khách hàng cảm nhận được nét độc đáo và sự tiện ích, cạnh tranh của sản phẩm so với các tour nội địa di chuyển bằng đường ô tô hoặc đường bay khác.
Thực tế cho thấy du lịch đường sắt vẫn còn rất nhiều bất cập. Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist cho rằng, đường sắt hạn chế về số chuyến, việc giảm giá vé cho công ty lữ hành lại ít, chỉ từ 10 đến 20% trong khi hàng không giảm đến 50%. Ước tính, nếu cùng một điểm đến thì giá tàu chỉ thấp hơn máy bay khoảng 200.000 đồng và cao hơn ô tô rất nhiều. Bên cạnh đó, việc mua vé vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi các công ty lữ hành ký hợp đồng mua vé nhưng không biết giá mà phải chờ tới cận ngày mới biết nên rất bị động. Dịch vụ hậu cần của Ngành Đường sắt cũng chưa ổn. Điển hình là tour đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội, tàu thường đến Ga Hà Nội vào khoảng 4-5h sáng. Do không có chỗ cho du khách ăn uống, nghỉ ngơi nên lữ hành phải thuê khách sạn cho du khách nghỉ chờ đến sáng, khiến giá tour đội lên cao.
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc lữ hành Hanoitourist thì cho rằng, hạ tầng đường sắt hiện không an toàn vì khổ đường sắt không được quốc tế hóa. Khổ của Việt Nam là 1m trong khi quốc tế là 1m35. "Khi đường sắt bé thì con tàu bé và bé như vậy thì rất khó để trang bị nội thất. Các toa tàu chưa thực sự đẹp, trừ một vài tuyến được đầu tư như Hà Nội - Sa Pa, Sài Gòn - Nha Trang...", ông Lưu Đức Kế nói.
Cần sự đầu tư bài bản
Theo ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour, sở dĩ du lịch đường sắt chưa bứt phá được vì việc đầu tư đường sắt vẫn manh nha, thiếu quy hoạch đồng bộ, lâu dài. Mọi đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao mới chỉ dừng lại ở khu vực đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vẫn trong giai đoạn thi công. "Không chỉ góp phần làm tăng trưởng lượt khách du lịch, việc nâng cấp hệ thống đường sắt còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc dân và đặc biệt là giải pháp cho phát triển mạng lưới phương tiện vận chuyển không gây tác động mạnh đến môi trường. Vì vậy, nhiều nước đã và đang đầu tư mạnh vào đường sắt tốc độ cao" - ông Lê Công Năng cho biết.
Cùng chung quan điểm trên, ông Lưu Đức Kế cho rằng, muốn khắc phục những nhược điểm của du lịch đường sắt thì không phải Ngành Du lịch, Ngành Đường sắt có thể tự làm được. Điều mà Ngành Đường sắt có thể làm được ngay để thu hút khách du lịch là đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ trên các chuyến tàu, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, giờ chạy đúng quy định, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại hơn, điều chỉnh giá vé phù hợp, đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu văn minh, thân thiện, hiểu biết, có trình độ ngoại ngữ…
Được biết, năm 2015, Công ty TNHH Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đã hợp tác với Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh để phát triển tuyến du lịch từ TP Hồ Chí Minh ra miền Trung. Ngành Đường sắt giảm 35% giá vé để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm tour khuyến mãi. Từ đó đến nay, đã có khoảng 50.000 lượt khách mua tour đường sắt khuyến mãi để đi du lịch miền Trung. Như vậy, chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng, rút kinh nghiệm từ tuyến du lịch TP Hồ Chí Minh ra miền Trung và sự phối hợp của hàng không, sản phẩm du lịch xuyên Bắc Nam ra mắt cuối năm nay sẽ cải thiện và thu hút được nhiều du khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.