(HNM) - “Sống chung” với chấn thương vai nhưng các bài thi của vận động viên Đinh Phương Thành, chàng trai người Hà Nội tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) thực sự quá hoàn hảo, không chút sai sót. Và kỳ tích đã đến, vận động viên Đinh Phương Thành đoạt 2 Huy chương vàng cá nhân nội dung xà đơn và xà kép môn thể dục dụng cụ, sau khi góp công cùng đồng đội giành tấm Huy chương vàng nội dung đồng đội nam.
Khoảnh khắc “vượt ngưỡng”
Có thể nói, những tấm Huy chương vàng mà vận động viên Đinh Phương Thành giành được là kỳ tích, bởi các nội dung của nam ở môn thể dục dụng cụ SEA Games 31 có sự góp mặt của Carlos Yulo - vận động viên người Philippines từng vô địch thế giới, được ăn, tập, thi đấu chuyên nghiệp từ nhỏ đến lớn, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia người Nhật Bản. Như huấn luyện viên đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam Trương Minh Sang phân tích: “Với các kỳ SEA Games trước đây, Việt Nam rất mạnh ở nội dung xà kép. Song, ở SEA Games 31, sự cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều, bởi vận động viên Philippines từng giành Huy chương bạc nội dung xà kép ở Giải vô địch thế giới vừa qua. Ban huấn luyện đã trấn an các vận động viên là chúng ta không quá quan tâm đến đối thủ là ai, chỉ tập trung đến bài thi của mình, làm thật tốt từng động tác một là được. Ở ngày thi chung kết, Thành đã phát huy được hết khả năng, bản lĩnh của mình, bình tĩnh thực hiện từng động tác một, qua đó đã vượt qua được vận động viên người Philippines”.
Còn huấn luyện viên đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam Đỗ Thùy Giang chia sẻ: “Thực sự vỡ òa cảm xúc trước bản lĩnh thi đấu của Đinh Phương Thành. Bản thân tôi đã có thời gian quan sát sự bền bỉ nỗ lực tập luyện của Thành với huấn luyện viên. Mặc dù, 2 năm vừa qua, vận động viên người Philippines đã có những bước tiến vượt bậc và khẳng định thành tích ở Giải vô địch thế giới với 2 nội dung xà kép và xà đơn - vốn là thế mạnh của Đinh Phương Thành, nhưng chúng tôi luôn động viên Thành tiếp tục khẳng định mình. Và điều tuyệt vời cuối cùng cũng đã đến”.
Với huấn luyện viên trưởng đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam Trương Tuấn Hiền, chiến công của Đinh Phương Thành tại SEA Games 31 thực sự là thành tích “vượt ngưỡng”. Người thầy đã gắn bó cùng hành trình tập luyện và trưởng thành của Đinh Phương Thành nhấn mạnh: “Đối thủ quá mạnh, thực sự nếu Thành giành được 1 Huy chương vàng cá nhân đã là rất xuất sắc. Thế nhưng, với “tinh thần thép” và bản lĩnh vững vàng, Đinh Phương Thành đã thi đấu “vượt ngưỡng”, góp tới 3 Huy chương vàng (2 cá nhân, 1 đồng đội) vào thành tích chung 4 Huy chương vàng của cả đội”.
20 năm khổ luyện, 8 năm “sống chung” cùng chấn thương
Thể dục dụng cụ là môn thể thao Olympic lâu đời, muốn thành công phải có sự kiên trì khổ luyện. Chàng trai người Hà Nội - Đinh Phương Thành năm nay 26 tuổi, nhưng đã có tới 20 năm bền bỉ luyện tập môn này. Tuổi thơ của Đinh Phương Thành gắn liền với những tháng ngày tập huấn dài hạn tại Trung Quốc.
Ít ai biết rằng, suốt 8 năm qua, vận động viên Đinh Phương Thành đã phải chấp nhận “sống chung” với chấn thương vai như “bệnh mãn tính”. Mỗi khi thời tiết thay đổi, hoặc tập luyện cường độ cao, chấn thương này lại tái phát. Huấn luyện viên Đỗ Thùy Giang cho biết: “Thời gian đầu, việc tập luyện của Thành gặp rất nhiều khó khăn và đau đớn, dẫn đến những suy nghĩ muốn dừng việc thi đấu đỉnh cao. Tuy nhiên, thầy Trương Tuấn Hiền đã động viên và thuyết phục Thành tiếp tục gắn bó cùng đội”.
8 năm “sống chung” cùng chấn thương vai cũng là quãng thời gian Đinh Phương Thành vượt lên mọi khó khăn, liên tiếp lập công cho thể thao Việt Nam với việc giành Huy chương đồng tại ASIAD năm 2014, đoạt 8 Huy chương vàng tại các kỳ SEA Games năm 2015, 2017, 2019 và gần nhất là 3 Huy chương vàng tại SEA Games 31 (cá nhân và đồng đội). Nhận xét về học trò, huấn luyện viên Đỗ Thùy Giang tự hào đánh giá: “Đinh Phương Thành là người rất hiểu chuyện, nói ít làm nhiều, có tinh thần trách nhiệm cao và sống rất tình cảm với gia đình, bạn bè. Thành là vận động viên có phẩm chất làm nên việc lớn. Dù tuổi Thành không còn trẻ đối với bộ môn thể dục dụng cụ, nhưng việc vượt qua vòng loại Olympic năm 2024 vẫn hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, để các vận động viên giỏi tiếp tục cống hiến, thì phải có một cơ chế và chế độ đãi ngộ đặc biệt, tuyệt đối tránh sự cào bằng. Có như vậy mới khuyến khích những nhân tố đặc biệt nhận nhiệm vụ lớn”.
Không muốn nói về mình, về nghị lực vượt lên nỗi đau vì chấn thương, hay về những khó khăn của gia đình, vận động viên Đinh Phương Thành chia sẻ: “Tôi muốn đi trọn con đường đã chọn, một phần vì tình cảm với các thầy, cô, đặc biệt là thầy Trương Tuấn Hiền đã bao năm là một “người cha tinh thần” chỉ dẫn cho tôi; phần khác, vì tình yêu đối với môn thể dục dụng cụ. Tôi mong trong bối cảnh xã hội phát triển, mọi người sẽ ngày càng thấy vẻ đẹp của môn thể thao này trong việc rèn thể lực, tăng cường sự khỏe khoắn về cả thể chất và tinh thần”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.