(HNM) - Phát triển chăn nuôi trang trại, bảo đảm an toàn thực phẩm, dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang là hướng đi bền vững của Hà Nội.
Trang trại chăn nuôi xa khu dân cư của HTX Chăn nuôi Ngũ Châu, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt |
Vẫn gặp khó khăn
Để nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, TP Hà Nội khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung trang trại. Thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ, đến nay toàn thành phố có 3.941 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; 101 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao. Trong đó có nhiều mô hình trang trại chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao như trang trại Minh Phú của Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Mỹ Hà ở thôn Chân Chim (xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức). Anh Nguyễn Văn Hanh, chủ trang trại này cho hay, với quy mô hơn 1ha gồm 5 chuồng nuôi, hợp tác xã đã đầu tư chăn nuôi khép kín cùng hệ thống con giống chất lượng cao nhập từ các nước tiên tiến. Bình quân mỗi năm, trang trại Minh Phú xuất chuồng 4.000 con lợn thương phẩm, 1.000 con lợn nái hậu bị cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Hay mô hình chăn nuôi trang trại của ông Tạ Đình Căn ở thông Duyên Trang (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên), với diện tích 5ha, gồm 6 khu chuồng trại, nuôi 4.000 con lợn siêu nạc theo quy trình khép kín, bảo đảm kỹ thuật. Nhờ áp dụng quy trình bài bản, phương pháp chăn nuôi hiện đại, trang trại chăn nuôi của ông Căn cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, song việc phát triển chăn nuôi trang trại trên địa bàn thành phố vẫn gặp khó khăn do sản xuất quy mô vẫn nhỏ lẻ nên đầu ra sản phẩm chưa thật sự ổn định... Theo ông Khổng Văn Hưng, chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp với quy mô hơn 3.000 con lợn và hàng nghìn con gia cầm tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn): Rào cản lớn nhất để mở rộng, phát triển trang trại chăn nuôi hiện nay là vấn đề tích tụ ruộng đất và việc đẩy mạnh liên kết các bên cùng có lợi của chủ các trang trại để chủ động đầu ra sản phẩm; sản xuất, gắn với giết mổ, chế biến sâu.
Một khó khăn nữa mà nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố đang gặp phải là khâu đánh giá tác động, bảo vệ môi trường vẫn chưa có giải pháp hiệu quả. Hiện mới chỉ có khoảng 20% số trang trại quy mô có đánh giá tác động bảo vệ môi trường.
Hướng đến phát triển bền vững
Từ thực tế phát triển chăn nuôi trang trại của địa phương, ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho rằng, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại phải thay đổi phương thức sản xuất. Theo đó, bản thân chủ trang trại phải tăng cường liên doanh, liên kết với doanh nghiệp tạo nên các vùng nguyên liệu ổn định, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do chi phí đầu tư cho một trang trại chăn nuôi quy mô, ứng dụng công nghệ cao hiện nay phải từ 2 tỷ đồng trở lên, do đó người chăn nuôi mong được tiếp cận nhiều hơn nữa nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng.
Cùng quan điểm, ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) đề nghị tiếp tục tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, tập trung chuyển đổi để phát triển sản xuất. Theo ông Tiên, hiện nay nhiều trang trại trên địa bàn huyện Chương Mỹ đang chuyển sang nuôi gia công cho doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt bằng để xây dựng các khu giết mổ công nghiệp, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi. "Công ty cổ phần Tiên Viên đang chăn nuôi 50.000 con gà đẻ trứng và gà thương phẩm chất lượng cao, ngoài ra còn liên kết với gần 20 trang trại trên địa bàn huyện Chương Mỹ phát triển chăn nuôi. Để sản phẩm chăn nuôi của doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài, bắt buộc phải có hệ thống giết mổ, chế biến, đóng gói sản phẩm đạt chuẩn. Nhưng hiện nay, Công ty cổ phần Tiên Viên vẫn gặp khó khăn về mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất" - ông Tiên cho biết thêm.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Văn Thanh, Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ ở huyện Ứng Hòa cho rằng: "Ngành Nông nghiệp Hà Nội nên xem xét nghiên cứu, tham mưu về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải vật nuôi đối với các trang trại lớn quy mô cả chục nghìn con lợn thương phẩm. Giải pháp này không chỉ giúp tháo gỡ về bài toán chất thải vật nuôi, mà còn định hướng thay thế dần việc sử dụng phân bón hóa học hiện nay...".
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, hình thức chăn nuôi trang trại trên địa bàn thành phố ngày càng chiếm ưu thế. Hà Nội đặt mục tiêu từ 5 đến 7 năm nữa, chăn nuôi trang trại chiếm 70% tổng đàn vật nuôi. Từ những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ trang trại chăn nuôi, trước mắt, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi; gắn phát triển chăn nuôi với khâu giết mổ, chế biến công nghiệp, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Trên cơ sở quy hoạch, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho các trang trại có mặt bằng sản xuất và hỗ trợ tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng. Về lâu dài, sẽ tập trung hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp gắn với công nghệ hiện đại, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, tiến tới xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.