(HNM) - "Nguyễn Trọng Tạo - Thơ và trường ca" - tuyển tập thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa ấn hành gồm cả những tác phẩm đã xuất bản và những bài thơ chưa từng giới thiệu tới công chúng. Có lẽ ít nhà thơ đương thời nào lại có khối lượng tác phẩm nhiều, hay và được nhiều người yêu thích như vậy. Cuốn sách đã tạo nên chân dung thơ Nguyễn Trọng Tạo, một "nghệ sĩ đổi mới đích thực".
Rất nhiều nhà văn, nhà thơ chỉ sau khi qua đời mới được làm tuyển tập tác phẩm. Còn với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, như ông tiết lộ, tuyển tập này là đơn đặt hàng của Nhà nước cho các thư viện trung ương và địa phương. "Nguyễn Trọng Tạo - Thơ và trường ca" do chính ông tuyển chọn và biên tập, dày 556 trang, với gần 300 bài thơ và 2 trường ca. Phần phụ lục, với các bài nhận xét, nhận định của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thụy Kha, Phan Đăng Điệp, Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Mỹ Mary E.Groy, đã giúp độc giả tiếp cận, hiểu và yêu hơn thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. |
Phần thơ trong "Nguyễn Trọng Tạo - Thơ và trường ca" được chia nhỏ thành 9 phần, không sắp xếp theo thời gian sáng tác. "Đồng dao cho người lớn" là tiếng hát ngu ngơ của người ham chơi với "múa hát với ma đêm nay, ăn uống với ma đêm nay, ngủ với ma đêm nay/Ngày mai vĩnh viễn chia tay" (Đêm cộng cảm), với khúc Sonne không định trước "Mặt trời vầng trăng ngôi sao mắt ướt/Ngực núi phập phồng dòng sông duỗi chân vào bao la/Một bài ca xa thật xa tận miền quê ấu thơ/Ta đấy ư? Em của ta đấy ư?"… Trong phần "Nương thân", Nguyễn Trọng Tạo thể hiện quan điểm của mình về cuộc sống về phận người qua những lời thơ của "Tinh mơ", "Tình rơi", "Đừng gửi cho tôi trăng rằm"… Nguyễn Trọng Tạo "thơ" nhất với phần này, khi ông tự thú: "Thơ là cái bóng của tôi hay tôi là cái bóng của thơ, tôi nào có biết". Ngoài ra còn có nhiều phần khác như "Sóng thủy tinh", "Gửi người không quen", "Thế giới không còn trăng", "Thư trên máy chữ và tản mạn thời tôi sống", "Những bài thơ lẻ", "Em đàn bà", "Thời chiến và Hà Nội tôi yêu".
Trong tuyển tập này, độc giả yêu thơ sẽ được gặp lại 2 trường ca nổi tiếng. Trường ca "Con đường của những vì sao" từng được xuất bản và tái bản với tên "Trường ca Đồng Lộc", không chỉ cuốn hút bởi nội dung, ngôn từ mà còn là vì sự đan xen độc đáo giữa chất tự sự và trữ tình trong câu chuyện tình yêu thời chống Mỹ. "Trường ca người lính" chỉ được trích in ba phần, gồm "Tình ca số 1", "Tình ca số 2", "Tình ca số 3", kể lại câu chuyện người lính vào cuộc chiến mang theo tình yêu thầm kín, những cuộc trở về và tiếp tục ra chiến trường, cuối cùng trở về trong hòa bình.
Những ai chỉ biết tới Nguyễn Trọng Tạo như là tác giả của các ca khúc nổi tiếng như "Khúc hát sông quê", "Làng quan họ quê tôi"… hẳn sẽ rất ngạc nhiên với một Nguyễn Trọng Tạo thơ với khối tác phẩm đồ sộ như vậy. Người thi sĩ đa tài này còn là họa sĩ với hàng trăm bức tranh minh họa, bìa sách và tác phẩm mỹ thuật. Để người yêu thơ có được cuốn sách này, Nguyễn Trọng Tạo đã tự bỏ tiền túi ra in một số lượng nhỏ, bán tại Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và buổi ra mắt sách với sự tham gia của tác giả, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình Văn Giá, dịch giả Đoàn Tử Huyến và đông đảo văn nghệ sĩ khác của Hà Nội sẽ diễn ra ngày 13-11.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.