Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặn đấu giá “ảo” bằng luật

Hà Phong| 01/07/2016 06:25

(HNM) - Nhằm xã hội hóa và phát triển hoạt động bán đấu giá tài sản như một dịch vụ chuyên nghiệp trong nền kinh tế thị trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4-3-2010 về bán đấu giá tài sản (Nghị định 17). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những kẽ hở, đòi hỏi phải có những điều chỉnh, bổ sung nhằm siết chặt quy định về vấn đề này.

"Bỏ của" vì đặt cọc thấp?

Vụ việc gây lùm xùm trong dư luận thời gian gần đây, nhất là "hậu" phiên đấu giá do Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt tổ chức tại Hà Nội. Căn cứ kết quả phiên đấu giá ngày 28-5-2016, sau 29 lần chỉ “nâng lên”, không “hạ xuống”, cuối cùng ông Vũ Mạnh Hùng (người đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá cặp chóe Tứ Linh với mức giá 6,050 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 6-6-2016, Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt đã nhận được thông tin phản hồi chính thức từ ông Vũ Mạnh Hùng (đại diện cho ông Đỗ Anh Dũng) về việc từ chối việc mua sản phẩm đấu giá. Căn cứ theo Nghị định 17, Công ty giải quyết theo hướng: Khách hàng Vũ Mạnh Hùng (đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng) không được hoàn trả số tiền đã đặt cọc là 50 triệu đồng. Sau đó, Công ty đã liên hệ với Tập đoàn Hải Phát và ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hải Phát - người trả giá liền kề đã đồng ý mua lại với giá là 6 tỷ đồng.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh chỉ mất số tiền đã đặt cọc là 50 triệu đồng sau khi từ chối mua cặp chóe Tứ Linh dù đã đấu giá thành công.



Việc ra giá mua sản phẩm với giá trị cao, nhưng tiền đặt cọc thấp được xem là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng từ chối trả tiền mua sản phẩm đã đấu giá thành công. Cuối năm 2004, trong chương trình đấu giá từ thiện chiếc sim điện thoại 8 số 8 - 0988888888, một doanh nhân đã trả 1,1 tỷ đồng mua để ủng hộ cho Quỹ Vì người nghèo. Đây được coi là vụ đấu giá sim di động tiền tỷ đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, doanh nhân này đã không trả số tiền đấu giá như đã cam kết. Cũng vì thế, chiếc sim 8 số 8 đáng lẽ đã có chủ nhân theo dự kiến mà vẫn bị “treo” trong kho số của Viettel, vài năm sau mới có chủ.

Trên đây là hai vụ việc có giá trị lớn được dư luận biết đến, còn thực tế, tình trạng trúng đấu giá nhưng sẵn sàng bỏ tiền đặt cọc, không mua sản phẩm, còn diễn ra khá phổ biến trong lĩnh vực đất đai, được một số nhà đầu tư coi đây là một phương pháp "làm giá" nhằm tạo mặt bằng giá mới.

Nâng tiền đặt cọc khi đấu giá

Trước thực trạng trên, trong một số phiên thảo luận tại Quốc hội về việc xây dựng dự thảo Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu cho rằng cần ngăn ngừa tình trạng đấu giá "ảo", lợi dụng chương trình đấu giá để quảng bá thương hiệu bằng luật, bắt đầu từ việc nâng tiền đặt cọc. Khoản tiền đặt trước nên được nộp vào tài khoản riêng của doanh nghiệp đấu giá mở tại tổ chức tín dụng hoặc các bên có thể thỏa thuận thay thế nộp tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. Điều này sẽ góp phần minh bạch hóa và tăng cường quản lý đối với khoản tiền đặt trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt Đỗ Thị Hồng Hạnh ủng hộ quan điểm bổ sung quy định trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản (dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới), để bảo đảm các điều khoản đấu giá chặt chẽ và minh bạch hơn. Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh chia sẻ, trước khi tổ chức buổi đấu giá, công ty rất lo ngại về vấn đề đặt cọc. Bởi theo Nghị định 17, nếu đơn vị trúng đấu giá “bỏ của” thì chỉ mất tiền đặt cọc tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm tài sản bán đấu giá, ngoài ra không có ràng buộc pháp lý nào khác.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, theo Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp, Điều 28 của Nghị định 17 cho phép thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá do từng tổ chức bán đấu giá quyết định dẫn đến tình trạng tùy tiện, ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng khi đăng ký mua tài sản bán đấu giá. Nhiều phiên đấu giá đã khoanh vùng, hạn chế và chọn lọc đối tượng tham gia, hạn chế thông tin về phiên đấu giá như không thông báo hoặc có thông báo nhưng không niêm yết hay niêm yết không đúng nơi có tài sản bán đấu giá, gây khó khăn cho người đến mua hồ sơ đấu giá. Khi đó, phiên đấu giá thực chất chỉ là "màn kịch" của những người tham gia đã được chọn lọc.

Vì vậy, dự thảo Luật Đấu giá tài sản không chỉ nâng mức tiền đặt cọc khi đấu giá tài sản nhằm nâng cao chất lượng cuộc đấu giá, hạn chế tình trạng đối tượng tham gia đấu giá “ảo”, gây khó khăn cho cuộc đấu giá mà còn cần có những quy định mới khắc phục những tồn tại đang đặt ra, để đấu giá ở Việt Nam chặt chẽ và minh bạch hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chặn đấu giá “ảo” bằng luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.