Những tồn tại, hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã làm “nóng” phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 18-3.
Phiên họp này do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung.
96,8% doanh thu thông qua kênh ngân hàng
Theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 82 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ... Các công ty đóng góp cho nền kinh tế khoảng gần 700 nghìn tỷ đồng. Doanh thu bảo hiểm trong năm 2023 giảm 8% so với năm 2022, trong đó, bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 13%, bảo hiểm phi nhân thọ giảm gần 3%. Qua thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023 cho thấy, 96,8% doanh thu bảo hiểm nhân thọ thông qua kênh ngân hàng.
Nêu nguyên nhân của tình trạng này tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho biết, kết quả thanh tra đợt 1 với 4 doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng của Bộ Tài chính công bố tháng 7-2023, cho thấy trong tổng số doanh thu bảo hiểm bán qua ngân hàng thương mại chỉ tính đến ngày 31-12-2021 là khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, có công ty 70% khách hàng mua bảo hiểm hủy sau đợt đóng phí lần đầu. “Có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả thiệt hại lớn cho số đông khách hàng đã hủy ngang hợp đồng”, đại biểu Phạm Văn Thịnh đặt vấn đề.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) nêu thực trạng thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm. Còn đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay tình trạng người mua bảo hiểm được chào mời với chiết khấu cao, có tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo khách hàng quá mức.
Cùng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) băn khoăn về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã quy định rõ nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội còn cho rằng, giải quyết bồi thường thiệt hại tài sản hay tổn thất, thương tật về người và tài sản cho bên thứ ba theo hạn mức, trách nhiệm đã được cam kết còn gặp nhiều khó khăn, mức chi bảo hiểm thấp. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị nên chăng cần thanh tra toàn diện và diện rộng đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ để quản lý được tốt hơn trong thời gian tới.
Chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tập trung trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đối với bảo hiểm nhân thọ, giải trình những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục trong phạm vi phụ trách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cả nước có 19 công ty bảo hiểm và chỉ có 2 công ty bảo hiểm trong nước và 17 công ty bảo hiểm liên doanh và nước ngoài. Trong quá trình thực hiện, vai trò thanh tra, kiểm tra còn thiếu về định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra để bảo đảm đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm. "Chúng tôi sẽ phối hợp với Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, bởi khi thanh tra hoạt động của các ngân hàng thương mại thì chỉ Ngân hàng Nhà nước mới có thẩm quyền, còn chúng tôi chỉ có thẩm quyền trong thanh tra việc bán bảo hiểm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Ngoài thanh tra theo kế hoạch để chấn chỉnh những sơ hở, vi phạm, Bộ Tài chính sẽ thanh tra đột xuất dựa trên đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người tham gia bảo hiểm… để giải quyết quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm; thể hiện sự công bằng, minh bạch trên thị trường bảo hiểm.
Về mặt quản lý, Bộ trưởng cho biết, pháp luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm. Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý.
“Khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm hợp đồng gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia có quyền đòi lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại chậm hoặc cố tình co kéo, gây ra tranh chấp, hiện có hai kênh giải quyết, đó là Cục Quản lý bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ có trách nhiệm giải quyết trong phạm vi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; nếu có dấu hiệu lừa đảo hình sự sẽ chuyển bộ phận điều tra hình sự. Về phía Bộ Tài chính, đã chỉ đạo các công ty bảo hiểm thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc; công ty bảo hiểm cố tình kéo dài, không trả bảo hiểm thì Cục Quản lý bảo hiểm sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình):
Bảo hiểm nhân thọ còn nhiều bất cập
Tôi đánh giá cao việc lựa chọn lĩnh vực chất vấn lần này. Bởi những nội dung chất vấn là những vấn đề được dư luận, đại biểu quan tâm, đúng với nguyện vọng mà đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đề xuất.
Có thể thấy, những vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính như công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nói riêng còn nhiều tồn tại trong thời gian qua. Đặc biệt, thị trường bảo hiểm nhân thọ đa dạng với các hoạt động phức tạp và cạnh tranh không lành mạnh...
Thông qua phiên chất vấn đã phản ánh những bất cập, những tồn tại, hạn chế của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, đóng góp tiếng nói trong việc truyền tải mong mỏi của cử tri tới Bộ Tài chính. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thông tin cụ thể về định hướng, đề xuất giải pháp, biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại của lĩnh vực này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội):
Đưa thị trường bảo hiểm về đúng chức năng
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV cũng như khi xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm về vấn đề bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính được quan tâm nhất vẫn là bảo hiểm nhân thọ. Điều đó cho thấy, đại biểu Quốc hội đã có các biện pháp yêu cầu cơ quan quản lý hành động và tiếp tục quyết liệt theo dõi những vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân. Thị trường bảo hiểm là thị trường hết sức có tiềm năng trong cơ cấu thị trường tài chính, nếu không quyết liệt chấn chỉnh ngay sai phạm, trục lợi thì sẽ làm “hỏng” thị trường kinh doanh bảo hiểm.
Việc các đại biểu Quốc hội quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm sẽ là động lực cho các cơ quan quản lý và những tổ chức hành nghề phải có sự thay đổi để đưa thị trường bảo hiểm về đúng chức năng, hoạt động lành mạnh.
Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang):
Siết lại quá trình đào tạo tư vấn viên
Hoạt động bán bảo hiểm còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Các dịch vụ đi kèm chưa tương xứng, trong khi nhiều khách hàng đã là “nạn nhân” của bảo hiểm nhân thọ, nhất là quá trình tư vấn và mua bảo hiểm với hợp đồng không rõ ràng về quyền lợi của khách hàng...
Qua theo dõi, có nhiều loại bảo hiểm nhưng chất lượng phục vụ thì chưa được kiểm chứng. Mặt khác, nhiều đơn, thư khiếu kiện của khách hàng liên quan đến bảo hiểm nhưng việc xử lý các vi phạm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ thời gian qua được Bộ Tài chính đánh giá như thế nào thì cần phải xác minh cụ thể.
Tôi cho rằng, cần siết lại quá trình đào tạo tư vấn viên, bắt buộc phải sát hạch cả trình độ và đạo đức nghề nghiệp được cho là những bước đầu tiên và quan trọng nhất, giúp thị trường bảo hiểm nhân thọ hoạt động lành mạnh. Khách hàng cần được tư vấn đầy đủ về các điều khoản, quyền lợi khách hàng được hưởng phải bảo đảm đúng như được tư vấn ban đầu.
Hữu Mai ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.