Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấn chỉnh kỷ cương quản lý trật tự xây dựng đô thị (*)

29/06/2012 06:40

LTS: Ngày 28-6-2012, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo kết luận Hội nghị giao ban quý II-2012 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các sở, ngành và quận, huyện, thị xã về "Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2012" được tổ chức vào ngày 26-6-2012. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn Thông báo.


Ngày 26-6-2012, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố tổ chức Hội nghị giao ban quý II-2012 với lãnh đạo các sở, ngành và quận, huyện, thị xã về “Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2012”. Dự hội nghị có các đồng chí Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các ban Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố.

Sau khi nghe Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo; tiếp thu các ý kiến phát biểu thảo luận, thay mặt Ban Thường vụ và các đồng chí chủ trì hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy kết luận:

Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội là nhiệm vụ rất quan trọng, bảo đảm để Thủ đô phát triển văn minh, hiện đại. Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV, thành phố đã xác định, đây là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và trách nhiệm của chính quyền các cấp; trong đó có những biện pháp xử lý kiên quyết những công trình vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu chủ đầu tư tự dỡ bỏ hoặc tổ chức cưỡng chế phần sai phạm đối với công trình cao tầng. Đến nhiệm kỳ khóa XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố xác định: “Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương quản lý trật tự xây dựng đô thị. Nâng cao chất lượng thiết kế đô thị, định hướng thiết kế và chuẩn hóa quy hoạch đô thị. Công khai minh bạch quy hoạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân biết và dễ dàng thực hiện. Đẩy mạnh công tác quản lý, chỉnh trang kiến trúc đô thị một số tuyến đường, trục đường, khu vực quan trọng, tạo diện mạo mới về mỹ quan và kiến trúc đô thị hiện đại”; công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị tiếp tục được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá giai đoạn 2010-2015.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tạo diện mạo mới về mỹ quan đô thị. Ảnh: Bá Hoạt

Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tuyên truyền, giáo dục; tăng cường phân cấp quản lý, quy định trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng đô thị cho chính quyền quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn; tăng cường xử lý các vi phạm... Bộ máy và cán bộ quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị được củng cố, kiện toàn. Công tác cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng công trình theo giấy phép được tăng cường. Các quy trình, thủ tục được niêm yết công khai và tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức và công dân. Việc kiểm tra các công trình đang thi công được tiến hành thường xuyên hơn. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng đô thị của nhân dân, của các chủ công trình được nâng lên một bước. Các cơ quan báo, đài của trung ương và thành phố đã tích cực vào cuộc, phản ánh kịp thời những vụ việc vi phạm và góp phần đôn đốc việc xử lý vi phạm. Nhờ những cố gắng trên, tình hình trật tự xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng công trình xây dựng được cấp phép hàng năm trên địa bàn thành phố tăng lên (năm 2006: 67%; năm 2007: 83%; từ năm 2008 đến nay đạt xấp xỉ 90%); 6 tháng đầu năm 2012, toàn thành phố đã cấp 4.454 giấy phép xây dựng, với tổng diện tích sàn gần 1,56 triệu mét vuông. Số vụ vi phạm về trật tự xây dựng có chiều hướng giảm; hạn chế đáng kể các trường hợp xây nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Nhiều công trình xây dựng vi phạm đã được kiểm tra, xử lý, nhất là một số công trình vi phạm nghiêm trọng. (Từ ngày 1-1-2010 đến nay, các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó: 1.036 trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất công; 558 trường hợp xây dựng cơi nới, lấn chiếm, xây dựng mới không phép; 106 trường hợp xây dựng sai với giấy phép xây dựng. Đã cưỡng chế phá dỡ 601 công trình).

Bên cạnh những cố gắng, kết quả đạt được, thời gian gần đây, do buông lỏng công tác quản lý, trên địa bàn thành phố liên tiếp xuất hiện nhiều công trình vi phạm nghiêm trọng; trong đó có không ít trường hợp các chủ đầu tư coi thường kỷ cương, pháp luật, cố tình vi phạm. Nhiều công trình sai phạm đều có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay, bao che cho các sai phạm, khiến dư luận rất bức xúc. Nhiều công trình xây dựng sai phép diễn ra ngay tại các quận trung tâm như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình… Điển hình như công trình xây dựng có nhiều sai phạm tại số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu, phường Hàng Bài (Hoàn Kiếm); hàng chục công trình xây dựng sai phép tại phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng); khu nhà ở liền kề Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông), công trình xây dựng không phép của Học viện Phật giáo tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn)... Tại nhiều huyện ngoại thành, hàng trăm công trình, nhà ở xây dựng không phép trên đất nông nghiệp… Trong 5 tháng đầu năm, một số quận nội thành vẫn còn số lượng đáng kể các công trình xây dựng chưa cấp phép. Tỷ lệ cấp giấy phép xây dựng ở các huyện ngoại thành còn thấp. Việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” chưa kiên quyết, chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ. Tình trạng khiếu kiện liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đô thị còn nhiều. Công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp xây dựng lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp; thậm chí lấn chiếm cả hành lang đê điều, sông, ao, hồ; đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường, như ở các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất, Phú Xuyên...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trước hết thuộc về trách nhiệm của các chủ đầu tư, đồng thời có trách nhiệm từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở, trước hết là của các cơ quan tham mưu, quản lý, các sở, ngành có liên quan: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên & Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch và Thanh tra thành phố, Văn phòng UBND thành phố... chưa tập trung chỉ đạo, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Chính quyền cấp quận, huyện, thị xã chưa đề cao trách nhiệm, còn quan liêu, giao phó cho chính quyền cấp phường, xã, thị trấn hoặc thiếu quyết liệt, thiếu sự giám sát kiểm tra và chưa kiên quyết, chủ động xử lý các vi phạm. Đối với cấp phường, xã, thị trấn, mặc dù được phân cấp quản lý, được tăng cường cán bộ thanh tra xây dựng, nhưng công tác quản lý, giám sát chủ đầu tư xây dựng công trình theo giấy phép và hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Một bộ phận cán bộ các cấp còn nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc có tiêu cực. Nhiều trường hợp sau khi phát hiện các sai phạm đã không kịp thời xử lý, thậm chí còn tìm cách hợp thức hoặc tiếp tay cho các sai phạm. Thủ tục cấp giấy phép xây dựng tuy đã được cải tiến, song vẫn còn rườm rà, chất lượng chuyên môn trong cấp phép xây dựng còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan công an, cơ quan cấp điện, nước trong quá trình xử lý công trình vi phạm chưa tốt.

Để thực hiện tốt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và quan trọng, nhằm bảo đảm xây dựng và quản lý đô thị phù hợp với quy hoạch chung. Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố. Phải coi việc chấp hành và thực hiện tốt các quy định về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng chính là giữ gìn kỷ cương, phép nước, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển Thủ đô theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại. Làm tốt điều đó cũng là nghĩa vụ và vì lợi ích của toàn dân, toàn xã hội.

2. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền các cấp và sự tham gia giám sát của nhân dân. Thường trực các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã và cá nhân các đồng chí lãnh đạo đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về việc để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho nhân dân trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép; tiếp tục tiến hành rà soát, nghiên cứu, bổ sung cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy để tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị; tăng cường phân cấp cho quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn cho các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Trước mắt cần tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; thực hiện đồng thời việc kiểm điểm, xử lý những cán bộ, công chức có liên quan đến các sai phạm, như: Sở Xây dựng - đặc biệt là bộ phận cấp phép và Thanh tra xây dựng; các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Hà Đông…; các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất, Phú Xuyên… và các phường, xã nơi xảy ra các vi phạm; các sở có trách nhiệm liên quan: Quy hoạch - Kiến trúc, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Văn phòng UBND thành phố… Đối với các công trình vi phạm nghiêm trọng, phải thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời các sai phạm, như: yêu cầu ngừng thi công; cưỡng chế xử lý các sai phạm; không được vận chuyển vật liệu xây dựng; ngừng cung cấp điện, nước; không được đưa công trình vào sử dụng, giao dịch khi chưa khắc phục xong hậu quả của các sai phạm... Đó là những biện pháp thành phố đã chỉ đạo xử lý rất có hiệu quả đối với các công trình xây dựng sai phép trong những năm 2006-2007. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý cán bộ; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tăng thẩm quyền, đầu tư cơ sở vật chất để các lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích, đi đôi với kiểm điểm, xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, buông lỏng quản lý, bao che, dung túng cho hành vi vi phạm trật tự xây dựng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm trong sạch đội ngũ công chức làm công tác quản lý đô thị.

3. Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành liên quan với quận, huyện, thị xã trong quản lý trật tự xây dựng đô thị gắn với công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Tập trung hoàn thành việc lập quy hoạch chung xây dựng các quận, huyện, thị xã, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch các điểm dân cư nông thôn. Công khai các quy hoạch và cắm mốc giới trên thực địa.

Trên cơ sở quy hoạch được công bố, cần tạo điều kiện và hướng dẫn cho nhân dân khi có nhu cầu xây dựng, cải tạo và sửa chữa nhà ở; đơn giản, công khai, minh bạch các thủ tục khi cấp phép xây dựng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đai, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất công.

4. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, tiến hành kiểm tra, kết luận vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan để xảy ra những vi phạm trật tự xây dựng; xử lý kỷ luật đảng viên theo thẩm quyền; chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới xử lý kỷ luật đảng theo phân cấp quản lý cán bộ. Phối hợp đôn đốc, xử lý các vi phạm nghiêm trọng về trật tự quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.

Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Sở Nội vụ thông qua việc đánh giá công tác lãnh đạo, quản lý xây dựng và xử lý các vụ việc vi phạm, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất việc điều động, bố trí thay thế cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

5. Hội đồng nhân dân thành phố, MTTQ thành phố các cấp đưa nội dung công tác giám sát việc thực hiện quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn vào chương trình công tác hằng năm. Khuyến khích MTTQ xây dựng cơ chế để MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp của thành phố tham gia giám sát công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn.

6. Ban Tuyên giáo Thành ủy tăng cường phối hợp, chỉ đạo các cơ quan báo chí của thành phố tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Thừa lệnh Ban Thường vụ Thành ủy, Văn phòng Thành ủy thông báo Kết luận Hội nghị để các cấp, ngành tổ chức thực hiện.

(*) Đầu đề do Hànộimới đặt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh kỷ cương quản lý trật tự xây dựng đô thị (*)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.