(HNM) - Phản ánh đến Đường dây nóng Báo Hànộimới, người dân ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, nhiều năm qua các hộ dân luôn phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm từ mương Thụy Khuê.
Rác lấp nhiều đoạn mương, ảnh hưởng đến dòng chảy. |
Tìm đến tuyến mương thoát nước Thụy Khuê, phóng viên được tận mắt chứng kiến nước dưới lòng mương đen kịt, đặc quánh. Nhiều đoạn rác tích tụ thành mảng, ảnh hưởng đến dòng chảy. Tại đoạn mương cạnh chợ Tam Đa, phóng viên bắt gặp không ít người dân sau khi mua hàng đã vô tư vứt túi ni lông, rau úa,... xuống mương.
Cũng tại khu vực này, mặc dù có nhân viên của Công ty Thoát nước Hà Nội vớt rác, khơi thông dòng chảy nhưng không xuể vì rác quá nhiều. Dọc hai bên bờ mương, tua tủa các ống nhựa thoát nước từ nhà dân xả trực tiếp xuống lòng mương. Thậm chí, tại một số đoạn, nhiều hộ dân đã cơi nới nhà và công trình phụ lấn chiếm lòng mương, thu hẹp dòng chảy.
Tiếp xúc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hằng (tổ dân phố 11, phường Thụy Khuê) cho biết: “Chúng tôi ở đây đã nhiều năm, hằng ngày phải ngửi mùi hôi thối từ mương bốc lên. Ruồi muỗi bay vào cả nhà, nhất là vào mùa hè. Càng ngày mức ô nhiễm càng nặng, nhiều hôm ngồi trong nhà đóng kín cửa mà tôi vẫn phải đeo khẩu trang vì mùi hôi thối xộc vào mũi. Những hôm mưa to, nước bẩn dềnh lên mặt đường, kéo theo nhiều rác thải tràn cả vào nhà dân. Ngay đến nhà văn hóa của phường nằm kế bên con mương cũng phải kê đồ đạc lên cao để đề phòng nước tràn vào. Các hộ dân sống quanh mương chẳng còn cách nào khác là hằng ngày phải đóng chặt cửa để tránh mùi hôi thối. Đã có không ít người đã bị mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc không chịu nổi cảnh ô nhiễm phải chuyển nơi khác sinh sống…”.
Được biết, mương thoát nước Thụy Khuê dài khoảng 3km (kéo dài từ dốc La Pho đến cống Đõ, quận Tây Hồ, Hà Nội) là một nhánh của sông Tô Lịch và là đường thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ. Cuối năm 2012, dự án “Cải thiện môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” đã được khởi công do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Tây Hồ. Đến nay, do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là khó khăn về giải phóng mặt bằng nên dự án vẫn chưa thể tiếp tục thi công.
Lãnh đạo UBND phường Thụy Khuê cho biết, đã nhiều năm nay hàng trăm hộ dân ở đoạn mương Thụy Khuê phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường. Nước dưới mương chủ yếu là nước thải sinh hoạt và rác do người dân trực tiếp xả xuống. Theo phê duyệt, dự án được cống hóa, có quy mô mặt cắt ngang đường rộng từ 9m đến 11m, hai làn xe cơ giới, được xây dựng đồng bộ với hệ thống chiếu sáng, thoát nước và tuyến kỹ thuật, sẽ hoàn thành sau 17 tháng thi công. Thế nhưng đến nay việc thi công vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Thiết nghĩ, việc dự án chậm tiến độ quá lâu không những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân mà còn khiến vệ sinh môi trường khu vực cũng bị “vạ lây”. Người dân cho rằng, phải chăng năng lực thi công cũng như việc thẩm định dự án của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan không bảo đảm nên hàng trăm hộ dân vẫn phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường kéo dài suốt thời gian qua?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.