(HNM) - Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho thế hệ tương lai là nội dung quan trọng không kém việc chăm sóc sức khỏe thể chất, song thực tế lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Các em học sinh luôn cần sự quan tâm, chia sẻ của nhà trường và gia đình. Ảnh: Nhật Nam |
Những con số báo động
Vụ việc học sinh lớp 6 ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) tự tử vì hận bạn bè; nam học sinh lớp 10 ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) tìm đến cái chết vì áp lực học tập; nữ sinh ở Hà Nội bị trầm cảm nặng vì “nghiện” mạng xã hội phải vào Bệnh viện Tâm thần trung ương I điều trị,… gây chấn động dư luận trong thời gian gần đây, là những vụ việc điển hình liên quan đến sức khỏe tinh thần ở giới trẻ. Trên thực tế, các vấn đề về sức khỏe tinh thần của trẻ em, thanh, thiếu niên diễn biến vô cùng phức tạp, có xu hướng gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, số người từ 11 đến 24 tuổi ở nước ta đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần (lo âu, trầm cảm, cô đơn, giảm sự tập trung…) chiếm tới 8 - 29%. Tỷ lệ này có sự khác nhau giữa các nhóm tuổi, vùng miền, hoàn cảnh sống, nhưng tương đối giống nhau về biểu hiện và nguyên nhân. Theo UNICEF, ở cấp độ cá nhân, những người trẻ cô lập về cảm xúc, thiếu tự tin về hình thể, sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử, mạng xã hội, thất bại trong tình cảm,… dễ gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Trong gia đình, bố, mẹ ít quan tâm, chia sẻ với con, ép buộc, áp đặt con phải thực hiện những điều con không thích hoặc đặt quá nhiều kỳ vọng vào con đã đẩy con trẻ đến những suy nghĩ tiêu cực, bế tắc, thậm chí có hành động dại dột. Ở trường học, áp lực trong học tập, trở ngại, mâu thuẫn trong các mối quan hệ… cũng ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của giới trẻ. “Những người gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần có nguy cơ bị bệnh tâm thần cao hơn, dễ tự tử hơn nhóm đối tượng khác”, ông Friday Nwaigwe, đại diện UNICEF tại Việt Nam cho hay.
Nghiên cứu về vấn đề tự tử ở trẻ vị thành niên trong những năm gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, tỷ lệ trẻ vị thành niên tự tử ở Việt Nam tuy thấp hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng có xu hướng gia tăng. Tự tử là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong thanh, thiếu niên, chỉ đứng sau tai nạn giao thông.
Đáng lo hơn, số trẻ em mắc chứng tự kỷ được phát hiện ngày càng nhiều. Ước tính, trẻ em Việt Nam rối loạn phổ tự kỷ dao động từ 0,5 đến 1%. Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho kết quả, hiện nay, cả nước có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ, tập trung chủ yếu ở trẻ em. “Nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, chứng tự kỷ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, tương lai của trẻ em, gia đình và xã hội", ông Trần Văn Công, Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác phát triển, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định.
Liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Không thể phủ nhận, trẻ em và thanh, thiếu niên Việt Nam đã và đang được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, tạo điều kiện để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, nước ta còn thiếu mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, nhân viên tư vấn, tham vấn tâm lý xã hội. Hiện, cả nước mới có hơn 400 cơ sở cung ứng các dịch vụ xã hội, tập trung chủ yếu ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngành Y tế, Giáo dục đang triển khai thí điểm các dịch vụ trợ giúp tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần thông qua mạng lưới bệnh viện, trường học, nhưng độ bao phủ còn thấp.
Góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho giới trẻ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công tác xã hội; nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với nghề đặc thù này. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đang xây dựng Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” để triển khai rộng rãi. Ngành Giáo dục hướng tới mục tiêu đa số trường học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông có phòng tham vấn tâm lý học đường…
Ngoài các giải pháp chính sách, nhiều chuyên gia kiến nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm nhân rộng những mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần tại gia đình, cộng đồng. “Bố, mẹ và người thân là đối tượng đầu tiên có thể phát hiện những điều bất thường ở con trẻ. Nếu được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, mỗi người thân trong gia đình sẽ là một “bác sĩ” điều trị, một “chuyên gia” tâm lý hỗ trợ cho trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần”, bà Vũ Thị Thu Hiền, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục Hừng Đông khẳng định.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trung tâm Tư vấn và giáo dục hòa nhập Gia An khuyên, đối với gia đình, người lớn nên dành thời gian nhiều hơn cho con, cháu; lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của con, cháu với thái độ tôn trọng. Về phía nhà trường, nên trang bị cho học sinh kỹ năng ứng xử, xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh…
Như vậy, công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho giới trẻ cần sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; cần triển khai đồng bộ giữa giải pháp phòng ngừa, điều trị và hội nhập, trong đó giải pháp phòng ngừa là quan trọng nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.