Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấm dứt tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”

Sơn Thái| 06/01/2020 06:41

(HNM) - Phát biểu trong các hội nghị gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần phê bình và yêu cầu phải kiên quyết chấm dứt tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhận diện và đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực này là việc làm cấp bách hiện nay.

Nhận diện những người làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã nhận thấy nguy cơ lớn và hệ lụy tiêu cực của căn bệnh trầm kha của đội ngũ cán bộ, đảng viên là cơ hội chủ nghĩa, thiếu nhiệt tình cách mạng mà biểu hiện rõ nhất là tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”. Vì vậy, năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc ở mục IV “Vấn đề cán bộ”, Người cảnh báo: “Có người lúc phong trào cách mạng cao, họ vào Đảng, họ làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào hơi khó khăn thì đâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí hóa phản cách mạng, làm mật thám. Muốn làm mật thám được việc, thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt”(1). Vì vậy, Người yêu cầu: “Phải đào tạo một mớ cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”(2).

Những người làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” - họ là ai? Không ai khác, họ là những cán bộ, đảng viên đang giữ chức vụ hoặc đang được quy hoạch vào một chức vụ nhất định. Không khó để nhận diện tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Đó là những người bất chấp lợi ích của Đảng, của nhân dân, họ tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc, cốt để “vinh thân phì gia”. Họ kéo bè kết cánh, móc ngoặc trên dưới, trong ngoài, để tìm mọi cách chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy tuổi... khi bị phát hiện thì tiếp tục chạy tội.

Họ luôn có thái độ làm việc cầm chừng vì họ cho rằng, làm nhiều thì sai nhiều, nên nhất quyết chỉ chọn việc dễ, đùn đẩy việc khó và chỉ chăm chăm xem mình “ngồi ở vị trí nào”, xem nhân sự khóa tới ra sao mà ít quan tâm đến những nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất ở cơ quan, đơn vị và địa phương mình. Họ nhất quyết theo “phương châm”: “Thứ nhất ngồi lỳ, thứ nhì đồng ý” hay “gió chiều nào theo chiều ấy” để tạo cảm giác “an toàn” cho mình; trong sinh hoạt và làm việc họ thực hiện “dĩ hòa vi quý” hoặc có thái độ “đạo đức bốn mặt” (“Đạo đức bốn mặt”: Trước mặt nói rất tốt, rất hay về người này, người khác nhưng lại nói xấu người nọ, chê bai người kia sau lưng; trước cấp trên thì xum xoe, nịnh bợ, luồn cúi; trước nhân dân thì thờ ơ, vô cảm, “sống chết mặc bay”).

Họ là những người cứ đến cuối năm, mùa bỏ phiếu, kỳ đại hội hoặc là họ tốt đột xuất (xum xoe, nịnh bợ cấp trên, ân cần và quan tâm đối với cấp dưới; trong khi hằng ngày, họ dối trên, lừa dưới…) hoặc là vướng vào bệnh đột xuất - bệnh bè phái: Theo họ, làm gì cũng phải “có hội có thuyền”, “có quê có quán”; vì vậy, trước kỳ bỏ phiếu, với chiêu “quê phải gắn với quán”, thế là họ kéo nhau ra “quán” để “chén chú, chén anh”, “chén tạc, chén thù” tạo “cánh hẩu”, sau đó dùng sức mạnh của lá phiếu với mục đích “hạ bệ” ai đó, hay “tôn vinh” người nọ, người kia theo chủ ý của mình.

Họ là những người tự đánh bóng tên tuổi mình, tập thể mình phụ trách một cách thái quá: Khoe thành tích tập thể và cá nhân, bằng cấp, mối quan hệ rộng; mặt khác, họ khéo léo thực hiện phương châm “đẹp thì phô ra, xấu xa thì đậy lại”…

Hệ lụy và cách trị

Thực chất của tư tưởng làm việc cầm chừng, che chắn, giữ an toàn của đội ngũ cán bộ, đảng viên là họ nhiều hoặc ít đã vướng vào 5/9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” chỉ ra. Chính vì vậy, hậu quả là: Chẳng những họ dần từ bỏ trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, không còn là “công bộc” của dân, trở thành những “ông quan” cách mạng đục khoét tiền bạc, của cải của nước, của dân, gây mất đoàn kết nội bộ; mà hình ảnh và hành động của họ làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm suy yếu sức mạnh của Đảng. Hơn nữa, khi các nhà quản lý và kinh tế cảnh báo Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì tư tưởng và lề lối làm việc đó sẽ là tác nhân xấu làm đẩy nhanh nước ta vào cái bẫy đó khiến Việt Nam tụt hậu xa hơn về kinh tế.

Trong bối cảnh toàn Đảng đang chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, để loại bỏ tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” cần phải thực hiện các giải pháp:

Một là, tiếp tục nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, trước mắt là phải “khéo lãnh đạo” công tác cán bộ theo lời dạy của Người: “Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Cố nhiên việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không. Năng lực của một người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”(3).

Hai là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Quy định số 205-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Ba là, kiên quyết tiến hành thanh lọc được những đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng ra khỏi bộ máy theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Muốn thế, nhất thiết phải giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, bám sát các nhiệm vụ, công việc của từng vị trí việc làm, lấy đó làm thước đo đánh giá thái độ công tác, chất lượng công việc.

Bốn là, toàn Đảng phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”(4). Người yêu cầu rất cao về thái độ phê bình của đảng viên: “Có một số ít người thì phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi. Đối với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”(5) như Bác Hồ đã dạy.


(1) (2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.318; tr.320; tr.320;
(4) (5) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, tr.311; tr.521

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấm dứt tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.