(HNMO) - Trong 20 giờ đồng hồ qua, có lẽ không ở địa phương nào như Hà Nội, người dân đã có một ngày thật nhiều cảm xúc.
Buổi sáng, chúng ta đón nhận thông tin từ cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó kiến nghị đưa Hà Nội vào nhóm địa phương có “nguy cơ cao”, tiếp tục duy trì cách ly xã hội thêm một tuần. Tâm lý sẵn sàng cho giai đoạn cách ly thứ ba đã được lên giây cót…
Đến buổi chiều, niềm vui bỗng ùa về khi tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định xếp Hà Nội về nhóm “có nguy cơ”, dẫu không phải trên phạm vi toàn thành phố (thôn Hạ Lôi - xã Mê Linh - huyện Mê Linh và thôn Đông Cứu - xã Dũng Tiến - huyện Thường Tín thuộc nhóm nguy cơ cao vì có các ca bệnh và việc thực hiện cách ly vẫn chưa hết thời hạn), nhưng chính thức được thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg kể từ 0h ngày 23-4.
Một quyết định vô cùng thận trọng, nhưng là sự động viên thật lớn với toàn hệ thống chính trị và nhân dân Hà Nội. Có lẽ, kể từ ngày 6-3 - khi ca bệnh số 17 đầu tiên xuất hiện trên địa bàn đến giờ, người Hà Nội mới có một chút nhẹ nhõm.
Nhưng đi liền với đó, khi đón nhận tin vui nới lỏng việc thực hiện cách ly xã hội, trong lòng mỗi người dân Hà Nội có lẽ ít nhiều đều có một chút nao nao, một chút tâm tư trước thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 bị can khác do liên quan đến vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại trung tâm này và một số đơn vị liên quan.
Đây là sai phạm của một số cá nhân; không phải vì vụ việc mà có thể quy chụp hay phủ nhận những nỗ lực chung của toàn ngành Y tế Thủ đô trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19; và vụ việc cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô. Dẫu vậy, việc vị giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội, đơn vị tiên phong nơi tuyến đầu chống dịch không giữ được mình cũng khiến cho những ai yêu Hà Nội trăn trở, day dứt. Những lợi ích, lòng tham cá nhân đã vượt lên trên trách nhiệm và cả tình cảm thiêng liêng với đất nước, với nhân dân... đã khiến cho bức tranh về công cuộc phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế Hà Nội nói riêng, của Thủ đô nói chung có một chấm đen, dù nhỏ, nhưng nhức nhối.
Quan điểm không dung thứ cho những hành vi sai phạm, dù nhỏ, được thể hiện trong nhiều chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Tại Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 3-4-2020, về “Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu xử lý nghiêm việc đầu cơ tăng giá vật tư y tế, và lương thực, thực phẩm. Với những hành vi như nâng giá khẩu trang, dung dịch sát khuẩn..., ngay từ những ngày đầu dịch, các ngành chức năng của thành phố đã ra quân, xử lý một cách nghiêm khắc. Trong hội nghị "Đối thoại với doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội" diễn ra chiều 16-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã khẳng định: "Không cho phép bất kỳ một tiêu cực nào trong bộ máy vận hành cơ chế chính sách... Nếu cán bộ nào vi phạm sẽ xử phạt nghiêm và xem đó là yếu tố tăng nặng".
Tiếp đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội vào ngày 17-4, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo khi chính thức đề cập lần đầu về vụ việc tại CDC Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo đã thường xuyên đốc thúc, giám sát trong việc mua sắm thiết bị y tế để đảm bảo chất lượng, số lượng. Công an thành phố, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở cung cấp vật tư y tế tăng giá. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng này vẫn diễn ra và không loại trừ có những sai sót của CDC Hà Nội, của các đơn vị trong việc mua sắm trang thiết bị y tế.
"Quan điểm của Thành ủy Hà Nội và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố là những trường hợp vi phạm thì phải được điều tra, xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che. Nếu vi phạm, phải xử lý để làm gương cho những người khác" - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định lại, đồng thời nhấn mạnh, nếu trong dịch bệnh mà có những hành vi sai trái thì phải xét tình tiết tăng nặng.
Thế nên giờ đây, khi những cá nhân liên quan đến tiêu cực bị bắt giữ, dù đó là ai thì đã vi phạm đều bị xử lý nghiêm, đồng thời, cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều cá nhân khác, khi cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 còn chưa có điểm dừng.
Và giữa một câu chuyện buồn, có một điều thật đáng vui, đáng tự hào, khi người dân Hà Nội vẫn giữ nguyên sự ủng hộ hết mình, tin tưởng mạnh mẽ vào sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố. Đọc bình luận của rất nhiều người dân trên các trang mạng xã hội, ta sẽ thấy sự công tâm trong nhìn nhận, đánh giá sự việc này: “Nhanh, mạnh và dứt khoát quá!”, “Tuyệt vời, ủng hộ những hành động quyết liệt này của Hà Nội”, “Các bác cứ làm mạnh tay thế này dân chúng em ủng hộ. Cả nước chung tay chống dịch mà mấy anh chị này lại lợi dụng để trục lợi cá nhân”…
Thế nên, nếu ai đó tâm tư rằng, giữa lúc Hà Nội đang căng mình chống dịch, vụ việc này được đưa ra liệu có làm ảnh hưởng đến niềm tin, đến quyết tâm của nhân dân Hà Nội cho chặng đường chống Covid-19 mới hay không, thì giờ đã có thể an lòng.
Sáng nay, một nhịp sống vừa lạ, vừa quen thổi về Hà Nội sau 22 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội. Phố phường dần đông những vòng xe, quán hàng ăn rục rịch mở cửa... Sai phạm của người đứng đầu CDC Hà Nội có thể như một hạt sạn, làm cay mắt ta sớm nay khi nghĩ đến hình ảnh của thành phố thân yêu bị tổn thương chỉ vì một số ít cá nhân, nhưng những kinh nghiệm, bài học trong giai đoạn cao điểm khống chế dịch vừa qua chắc chắn sẽ là động lực, là bàn đạp để chúng ta cẩn trọng hơn, nhưng cũng sẽ quyết đoán và mạnh mẽ hơn trong chặng đường mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.