(HNM) - Việc chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành phố trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sẽ được điều chỉnh theo hướng có sự tham gia của thanh tra sở GD-ĐT tỉnh, thành phố thứ ba; hạ điều kiện phúc khảo bài thi để mở rộng diện phúc khảo, tăng quyền lợi cho thí sinh (TS) - đó là hai vấn đề được bàn thảo khá nhiều tại hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010 vừa diễn ra cuối tuần qua. Những điều chỉnh ấy liệu có giúp các địa phương đỡ vất vả, tốn kém và thực sự bảo đảm công bằng, khách quan cho mọi TS như mục tiêu đề ra? Điều chỉnh chấm chéo: không giải quyết được tận gốc vấn đề
Sau khi nhận được đa số ý kiến phản đối của các sở GD-ĐT về dự kiến điều chỉnh trong việc chấm chéo ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010: mỗi sở GD-ĐT có bài thi cử một giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 15 bài thi tại các tổ chấm thi ở nơi chấm bài thi cho đơn vị mình, Bộ GD-ĐT đã quyết định việc chấm chéo bài thi của các đơn vị sẽ có sự tham gia của thanh tra sở GD-ĐT tỉnh, thành phố thứ ba. Ví dụ như Nghệ An chấm bài thi của Hà Nội thì tại các hội đồng chấm thi của Nghệ An sẽ có sự tham gia của thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số cán bộ quản lý giáo dục, việc làm này không thực sự cần thiết, bởi nếu chỉ thay lực lượng thanh tra của tỉnh chấm bài thi như mọi năm bằng thanh tra của tỉnh thứ ba thì về bản chất cũng không có gì khác, chưa kể lực lượng này khó có thể bao quát được mọi công việc của toàn hội đồng. Còn để chặt chẽ hơn, lực lượng này phải tham gia vào mọi khâu của quy trình chấm thi, từ thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm đến chấm lại một tỷ lệ bài thi nhất định xem việc vận dụng hướng dẫn chấm, đáp án có đúng không… thì cần một số lượng thanh tra không nhỏ. Bên cạnh đó còn phải lo nơi ăn, chốn ở, việc đi lại… cho thanh tra. Điều này dường như càng làm cho công tác chấm thi cồng kềnh, phức tạp và tốn kém. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT đang dự kiến tổ chức lại các đoàn thanh tra của Bộ theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả thay cho các đoàn thanh tra ủy quyền như mọi năm.
Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT năm học 2009. Ảnh: Viết Thành |
Thực tế, không phải ngẫu nhiên mà những điều chỉnh trong việc chấm chéo bài thi tự luận được địa phương quan tâm nhiều đến thế. Việc vận dụng hướng dẫn chấm thiếu linh hoạt, thậm chí có biểu hiện chấm chặt đã từng xảy ra ở một số hội đồng chấm thi môn ngữ văn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2009 đã khiến không ít địa phương tỏ ra nghi ngại. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy, có tới 53,2% số bài có điểm chênh lệch so với điểm chấm của các sở GD-ĐT. Độ lệch điểm này, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT là chủ yếu nằm trong phạm vi dung sai cho phép, song thực tế, dù chỉ chênh lệch 0,5 điểm nhưng cũng có thể khiến một HS trượt thành đỗ. Phương án được khá nhiều đại biểu đề xuất và cho rằng hợp lý nhất lúc này là thành lập hội đồng chấm thi theo khu vực (gồm khoảng từ 3-4 tỉnh, thành phố) hoặc thành lập hội đồng phách trong khu vực rồi giao bài về cho các địa phương chấm.
Mở rộng diện phúc khảo: dễ cho thí sinh, khó cho các sở
Để bảo đảm quyền lợi cho TS dự thi, ở kỳ thi năm 2010, thời hạn nộp đơn xin phúc khảo của TS sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày và cho phép các TS có điểm bài thi và điểm tổng kết năm học lớp 12 của môn thi đó chênh nhau 1,0 điểm (trước đây là 2,0 điểm) để mở rộng diện phúc khảo. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ hạ mức chuẩn chênh lệch để được điều chỉnh điểm sau phúc khảo theo hướng: điểm của bài thi các môn sẽ được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 0,5 điểm trở lên (thay vì 1,0 điểm như trước đây), trừ môn ngữ văn. Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, thay đổi này nhằm đẩy nhanh tiến độ phúc khảo bài thi, tạo điều kiện thuận lợi cho TS có đơn xin phúc khảo kịp làm thủ tục tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đồng thời giải quyết tốt hơn các sai lệch trong chấm thi, bảo đảm quyền lợi cho TS.
Rõ ràng, việc điều chỉnh điều kiện và hạ mức chuẩn chênh lệch để được điều chỉnh điểm sau phúc khảo như dự kiến của Bộ GD-ĐT sẽ làm tăng số lượng bài thi xin phúc khảo, trong khi đang thực hiện chấm chéo sẽ gây khó khăn cho các địa phương, không chỉ là việc phải huy động số lượng lớn giám khảo mà còn cả những công việc hậu cần như thanh toán tiền chấm. Sắp đến kỳ thi tốt nghiệp năm 2010 nhưng giám khảo chấm phúc khảo ở một số nơi vẫn chưa nhận được tiền bồi dưỡng chấm phúc khảo của kỳ thi năm 2009. Theo ý kiến của một số đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT, không có nhiều TS xin phúc khảo để làm thay đổi xếp loại tốt nghiệp mà chủ yếu là để đỗ tốt nghiệp. Vì thế, để đạt được mục tiêu giải quyết tốt hơn các sai lệch trong chấm thi như chủ trương của Bộ GD-ĐT, đồng thời để các địa phương bớt tốn công sức, tiền của, thời gian cho việc chấm phúc khảo, nên chăng, Bộ GD-ĐT quy định mỗi TS chỉ được xin phúc khảo một số lượng môn thi nhất định. Làm như vậy, khi có nguyện vọng phúc khảo, TS sẽ phải cân nhắc, lựa chọn một cách nghiêm túc những môn thi phù hợp để có thể thay đổi được điểm số chứ không phải cứ nộp đơn, nộp tiền để cầu may.
Có thể thấy những nỗ lực của ngành GD-ĐT trong việc tổ chức một kỳ thi nghiêm túc theo hướng tạo thuận lợi nhiều hơn cho TS. Tuy chưa thể có một phương án tổ chức thi, chấm thi, chấm phúc khảo hoàn hảo như mong muốn, nhưng những gì thực tế đặt ra cũng cần được xem xét một cách thấu đáo. Lắng nghe ý kiến cơ sở để ra quyết định hợp lý là để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của mỗi phương án tổ chức thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.