Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cha đẻ” Táo Quân bật mí chuyện “thâm cung bí sử” của chương trình

Theo Hà Tùng Long/Dân trí| 21/01/2016 20:16

Cứ mỗi dịp xuân về Tết đến, Táo Quân lại là chương trình truyền hình được đông đảo khán giả yêu thích và chờ đợi nhất. Tuy nhiên, bấy lâu nay vẫn còn ít người biết “cha đẻ” của chương trình này là ai và những câu chuyện “thâm cung bí sử” phía sau như thế nào.

Táo Quân ra đời như thế nào?

Táo Quân (tiền thân là Gặp nhau cuối năm) tính đến nay đã có 13 năm gắn bó với màn ảnh VTV trong những đêm 30 Tết. Và hai người có công nhiều nhất, một người được cho là “cha đẻ”, một người được cho là “linh hồn” của chương trình này không ai khác chính là NSND Khải Hưng và NSƯT Đỗ Thanh Hải. NSND Khải Hưng nguyên là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhiều năm nay dù đã về hưu nhưng ông chưa bao giờ ngơi việc vì phải quán xuyến rất nhiều công việc tại công ty riêng. Thậm chí, ông thú nhận rằng, từ ngày về hưu đến giờ ông còn bận hơn thời gian còn đang công tác ở VFC. Với vị đạo diễn tên tuổi này thì bận rộn cũng chính là một niềm hạnh phúc bởi ông được làm công việc mình yêu thích nên chẳng bao giờ ông cảm thấy chán.

NSND Khải Hưng (đứng) chính là "cha đẻ" của Gặp nhau cuối tuần và Gặp nhau cuối năm. Ảnh: NVCC.


Bên ly trà nóng chiều cuối đông, NSND Khải Hưng kể rằng, thời còn công tác ở VFC, trong một lần đi qua đoạn đường Lê Duẩn - Cửa Nam (Hà Nội) ông vô tình nhìn thấy tấm băng rôn giới thiệu chương trình “Gặp nhau để cười” với sự tham gia của nhiều diễn viên hai miền Nam - Bắc. Tự nhiên, ông nảy ra ý tưởng làm nên một chương trình hài mang tính dài hơi để mang đến tiếng cười cho khán giả truyền hình vào mỗi dịp cuối tuần. Vậy là sau nhiều đêm trăn trở cuối cùng ông quyết định trình đề án “Gặp nhau cuối tuần” lên lãnh đạo VTV và được thông quá khá nhanh. Thật bất ngờ là chỉ sau vài số phát sóng, “Gặp nhau cuối tuần” nhận được hiệu ứng tích cực từ phía khán giả. Cứ đến cuối tuần, khán giả truyền hình lại ngồi trước màn hình để chờ đợi được xem chương trình nhiều tiếng cười này.

Trong thời điểm “Gặp nhau cuối tuần” đang ở đỉnh cao thì các thành viên trong ê-kíp nghĩ tới chuyện nên có một cái gì đó tổng kết lại vào dịp cuối năm để phục vụ khán giả.

“Thực ra, phải nói rằng, “Táo Quân” không phải xuất phát từ VFC mà là từ Đài Truyền hình TPHCM. Khi VFC bắt tay vào làm “Gặp nhau cuối năm” theo kiểu “Táo Quân” thì Đài Truyền hình TPHCM đã phát sóng chương trình này được 5 năm rồi. Tuy nhiên, thời đó họ làm đơn thuần theo kiểu kể câu chuyện của hai ông một bà lên chầu trời và báo cáo thực trạng trong làng ngoài phố. Vì thế, khi bắt tay vào làm “Gặp nhau cuối năm” theo kiểu “Táo Quân” như bây giờ có công rất lớn của anh Đỗ Thanh Hải, bấy giờ là Tổ trưởng tổ sản xuất “Gặp nhau cuối tuần”.

Thời đó, anh Đỗ Thanh Hải đưa ra nhiều ý tưởng về chương trình. Trong ê-kíp ai cũng đồng ý thực hiện “Gặp nhau cuối năm” không nhất thiết phải dựa theo câu chuyện hai ông một bà như truyền thuyết mà phải đưa ra cái gì đó thật đặc biệt để có thể diễn lâu dài và các diễn viên có thể tung hứng với nhau nhiều nhất để tạo nên tiếng cười đắt giá nhất năm.

Dù từng có ý định không làm tiếp chương trình Táo Quân nữa nhưng nhiều năm qua đạo diễn Đỗ Thanh Hải vẫn hết mình với chương trình này. Ảnh: TL.


Sau nhiều lần họp bàn cuối cùng cũng nghĩ ra được Nam Tào - Bắc Đẩu, cái này trong truyền thuyết về “Táo Quân” không có. Sau khi nghĩ ra các nhân vật thì bắt tay vào chọn diễn viên để đóng vai. Trước khi giao cho anh Quốc Khánh cố định với vai Ngọc Hoàng như bây giờ vai diễn này từng được diễn bởi anh Quốc Trượng. Nhưng thấy anh Quốc Khánh diễn ra màu nhất nên để nguyên vị trí đó cho anh Quốc Khánh nhiều năm qua.

Vai Bắc Đẩu ban đầu cũng không phải nửa ông nửa bà như bây giờ mà vì thấy nên biến hóa vai diễn này đi để có được nhiều tiếng cười và sự tươi mới hơn nên anh Công Lý đề xuất ý tưởng xây dựng nhân vật theo hướng đó. Không ngờ nhân vật đã tạo được một ấn tượng tốt và “sống” cho đến tận bây giờ. Tôi đảm bảo bây giờ mà xây dựng lại vai “cô” Đẩu thành “chú” Đẩu chắc chắn nhiều người sẽ phản đối kịch liệt”, “cha đẻ” của Táo Quân chia sẻ.

Chiều 30 Tết vẫn phải ngồi cắt, sửa

Theo NSND Khải Hưng thì những năm đầu thực hiện “Gặp nhau cuối năm”, chương trình luôn bám sát tiêu chí là tổng kết lại những vấn đề, sự kiện, hiện tượng, nhân vật… nóng trong năm dưới gốc độ trào lộng, hài hước, phê phán… nhưng rồi lại được hóa giải bằng tiếng cười. Nó đúng như kiểu PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nói đó là “giã từ quá khứ bằng tiếng cười vui vẻ”.

Việc chương trình đưa vào kịch bản những vấn đề được xem là “nhạy cảm” không hẳn không có những tác động từ bên ngoài nhưng vì quan điểm của ông là không né tránh bất kỳ điều gì nên đội ngũ sáng tạo vẫn được thoải mái phóng tác. Nhờ thế mà nhiều sự việc đưa vào chương trình khiến cho khán giả giải tỏa được sự bức bối, thậm chí có người cảm thấy hả hê vì các Táo đã nói hộ lòng mình… đó là lý do khiến chương trình ngày càng được yêu thích. Không chỉ có khán giả trong nước mà ngay cả Kiều bào xa tổ quốc cũng rất háo hức được xem chương trình này.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải với bộ ba Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu (Quốc Khánh, Xuân Bắc và Công Lý). Ảnh: TL.


“Thú thật là không hẳn việc đưa vấn đề nhạy cảm vào kịch bản là “yên thân” đâu mà cũng có này có nọ đấy. Nhưng vì tôi quyết định phải bám chặt tôn chỉ, mục đích ban đầu nên đội làm kịch bản mới thoải mái sáng tạo. Nhiều khi kịch bản viết xong đưa lên chẳng ai duyệt cả nên tôi phải đứng ra duyệt. Chỉ đến sản phẩm cuối cùng thì các cấp lãnh đạo mới ngồi duyệt.

Có những năm, tôi phải lâm vào tình thế rất gay go. Chiều 30 Tết rồi, một mình tôi cùng với Tổng Giám đốc của Đài ngồi xem với nhau. Xem xong, Tổng Giám đốc bắt cắt chỗ này, sửa chỗ nọ, sửa chỗ kia thì mọi người đã về hết rồi. Tôi lại phải gọi điện thoại cho anh kỹ thuật đến để hai anh em cùng ngồi sửa với nhau. Anh Đỗ Thanh Hải là người trực tiếp làm chương trình này thấy cắt chỗ này, chỗ kia thì anh ấy chán nhưng anh Hải rất hiểu tôi là người tạo điều kiện hết mức để anh ấy được sáng tạo tối đa với chương trình nên chẳng bao giờ trách tôi cả”, NSND Khải Hưng chia sẻ.

Đạo diễn Khải Hưng cho rằng, những câu chuyện, sự việc, hiện tượng được đưa vào “Gặp nhau cuối năm” hay “Táo Quân” sau này là câu chuyện muôn thuở. Và cứ đến mùa VFC chuẩn bị bắt tay vào làm “Gặp nhau cuối năm” là có không ít “ông anh”, “bà chị” lại gọi điện dò hỏi xem năm nay liệu có nói gì đến ngành của họ không.

Ê-kíp Táo Quân nhiều năm qua vẫn gắn bó với nhau như một gia đình. Ảnh: VFC.


“Nhận được những cuộc điện thoại như thế chúng tôi đều trả lời rằng, nếu có đưa vấn đề này nọ vào kịch bản thì cũng chỉ mang tính chất xây dựng để tốt hơn chứ chúng tôi không phải tòa án, cảnh sát, công an… nên chẳng phán quyết hay nghị án gì cả. Những chuyện chúng tôi đề cập đến là những chuyện đã xảy ra mà cả xã hội đã biết đến mười mươi rồi”, đạo diễn Khải Hưng cho biết thêm.

“Cha đẻ” của “Táo Quân” cũng bật mí rằng, càng về sau này làm chương trình càng áp lực hơn bởi ê-kíp phải chịu sức ép từ nhiều phía. Đã có lúc đạo diễn Đỗ Thanh Hải tâm sự với ông rất chán và không muốn làm tiếp nhưng rồi vì tình yêu khán giả dành cho chương trình mà cả ê-kíp lại vượt qua mọi thứ.

Tương tự như ông trước đây, sau cái buổi chiều 30 Tết vẫn phải ngồi cùng kỹ thuật để cắt sửa chương trình, ông đã tuyết bố chắc nịch sẽ không bao giờ làm “Gặp nhau cuối năm” nữa nhưng rồi cũng phải bước qua “lời nguyền” đó. Tất cả âu cũng vì tình yêu của khán giả đã tiếp thêm sức mạnh cho cả ê-kíp thức đêm thức hôm, không quản vất vả, khó khăn… để làm ra một chương trình chất lượng nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cha đẻ” Táo Quân bật mí chuyện “thâm cung bí sử” của chương trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.