Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây xanh chết khô trên Đại lộ Thăng Long: Đơn vị nào chịu trách nhiệm?

Dạ Khánh| 24/02/2023 12:56

(HNMO) - Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều người tham gia giao thông tại đường gom Đại lộ Thăng Long (đoạn tiếp giáp giữa địa bàn quận Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức) phản ánh về tình trạng có nhiều cây xanh bị chết khô, bong tróc vỏ tại khu vực, gây lo ngại về tình trạng mất an toàn. Đơn vị nào chịu trách nhiệm về tình trạng này?

Nhiều cây xanh chết khô tại Đại lộ Thăng Long.

Theo ghi nhận của phóng viên, bên cạnh những dãy cây xanh phát triển tốt, thì có khoảng 1km đường gom đang tồn tại tình trạng nhiều cây xanh bị chết khô. Các cây bị chết khô này có đường kính khoảng 30 - 40 cm, cao khoảng 4 - 5m.

Chị Đỗ Huệ Chi (chung cư Gemek Tower, Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, huyện Hoài Đức) bày tỏ: Hàng cây xanh, trong đó có những cây chết khô này được trồng sát mép đường, nếu mưa bão, giông lốc có thể bị quật đổ, gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông qua.

Trả lời phóng viên Báo Hànộimới về đơn vị chịu trách nhiệm việc quản lý, duy tu cây xanh tại Đại lộ Thăng Long, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Anh Tuấn cho biết, theo Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố (Sở Xây dựng là đại diện) chịu trách nhiệm quản lý, duy trì, chăm sóc, cắt tỉa, trồng bổ sung, thay thế cây xanh bóng mát, cây cảnh, thảm cỏ trên các tuyến đường đô thị từ cấp khu vực trở lên, đường cao tốc, trong đó có Đại lộ Thăng Long. Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội là đơn vị trúng thầu thực hiện duy trì, chăm sóc. Về chủng loại, Sở Xây dựng cho biết, hệ thống cây xanh được trồng tại đây là cây lát hoa.

Tuy nhiên, để phục vụ thi công tuyến ống cống cấp nước sạch sông Đà, theo giấy phép được Sở Xây dựng cấp, từ ngày 14-10-2021, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội đã bàn giao hệ thống cây xanh này cho Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), gồm 222 cây lát hoa, trong đó có 215 cây sinh trưởng và phát triển bình thường (qua kiểm tra tại hiện trường và biên bản bàn giao) để Viwasupco thực hiện dịch chuyển về trồng tại vườn ươm của chủ đầu tư và 7 cây lát hoa bị nghiêng, mục gốc cần thực hiện chặt hạ.

Biên bản bàn giao cũng nêu rõ Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà có trách nhiệm giám sát đơn vị thực hiện dịch chuyển, chặt cây xanh và trồng, chăm sóc cây xanh sau khi dịch chuyển đúng quy trình kỹ thuật và tuyệt đối an toàn, bảo đảm vệ sinh khu vực; thực hiện bảo hành cây trồng hoàn trả theo quy định sau đó bàn giao lại cho Sở Xây dựng quản lý, duy trì.

Phó Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà mới trồng hoàn trả hàng cây này và chưa bàn giao lại thành phố để quản lý, duy trì, chăm sóc. “Theo đúng quy định, Viwasupco vẫn đang chịu trách nhiệm quản lý, duy trì, bảo hành đối với những cây mới trồng hoàn trả này. Sở Xây dựng bàn giao cho Viwasupco bao nhiêu cây (sống) thì sẽ tiếp nhận lại bấy nhiêu”- ông Trần Anh Tuấn nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cây xanh chết khô trên Đại lộ Thăng Long: Đơn vị nào chịu trách nhiệm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.