Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây xanh âm thầm bị "bức tử"

Bài, ảnh: Dạ Khánh| 31/08/2013 07:39

(HNM) - Hà Nội được coi là một trong những thành phố xanh của Châu Á cũng như thế giới. Không ít những cây đại thụ gắn bó với cả đời người như là những chứng nhân của lịch sử Thủ đô...

Hai cây xà cừ tại phố Phó Đức Chính đang rũ lá.



Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, trên địa bàn nội thành hiện có khoảng 45.000 cây xanh với trên 20 loài cây. Đây là hệ thống cây bóng mát được thành phố đưa vào danh sách bảo tồn và là tài sản của Nhà nước. Trong đó, nhiều tuyến phố có chủng loại cây ổn định, thậm chí đã đi vào thi ca như: Quang Trung, Nguyễn Du với cây hoa sữa; Phan Đình Phùng, Trần Phú với sấu; Lý Thường Kiệt với phượng; Lò Đúc với sao, Thợ Nhuộm với bằng lăng… Đặc biệt, có khá nhiều cây cổ thụ với tuổi thọ trên 50 năm như xà cừ, sấu, đa, tập trung nhiều ở khu vực đường Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng hay các tuyến phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng như Tràng Thi, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu… Thế nhưng vì lợi ích cá nhân một số người đã đang tâm chặt, đốt, đóng đinh, đun than, đào gốc, bịt xi măng, đổ nước sôi, hóa chất… âm thầm "bức tử" cây xanh dẫn đến tình cảnh cây rũ lá, chết khô. Tình trạng cây xanh trên địa bàn Hà Nội bị xâm hại, bức tử diễn ra khá thường xuyên và ở mọi thời điểm trong năm.

Theo những con số thống kê gần đây, trung bình có khoảng 60 vụ xâm hại cây xanh mỗi năm. Từ đầu năm 2013, đến nay đã có 33 vụ việc được phát hiện. Một số vụ xâm hại cây xanh điển hình được "chỉ mặt điểm tên" như: Ngày 29-1-2013 phát hiện cây xà cừ đường kính 1,5m, cao 18m trước số nhà 15 Lý Nam Đế bị đổ hóa chất và bê tông bịt gốc cây. Trước đó (ngày 12-6-2012) cây xà cừ trên cũng đã được lập biên bản vi phạm một lần nhưng chưa tìm được thủ phạm. Mới đây (ngày 13-8-2013), cây muồng đường kính 40cm, cao 14m trước số nhà 17C Hàm Long bị đào hố, chặt rễ. Hay tại hè trước số nhà 67 Phó Đức Chính hiện có 2 cây xà cừ (một cây cao 14m, đường kính 65cm và một cây cao 12m, đường kính 55cm) đang trong tình cảnh "sống dở, chết dở" do bị đốt gốc, đóng đinh vào thân cây.

Có thể nhận thấy, ngoài các cây gỗ quý bị chặt trộm như sưa đỏ, thì có nhiều nguyên nhân khiến cây xanh bị xâm hại: Các đơn vị thi công hệ thống cống ngầm vô tình làm bật gốc, do xe ô tô đâm đổ, do người dân thiếu ý thức biến các gốc cây thành nhà vệ sinh công cộng và còn do cả... "tội" cây án ngữ mặt tiền. Để tiện việc kinh doanh, mặt tiền thông thoáng, người ta đã gián tiếp hoặc trực tiếp triệt hạ cây xanh trước vỉa hè. Trong đó, tình trạng đổ bê tông bịt gốc cây khiến cây bị bóp nghẹt diễn ra phổ biến nhất. Điều đáng nói là, hầu hết các cây xanh bị xâm hại, khiến người dân bức xúc không phải là những cây nhỏ, mà là cây có đường kính lớn, tuổi đời 30-60 năm, mà để có được đã mất biết bao thời gian trồng, chăm sóc, sinh trưởng.

Trước thực trạng xâm hại cây xanh trong những năm qua, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội bày tỏ: "Công ty chỉ là đơn vị nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm sóc cây xanh trên địa bàn nên khi phát hiện tình trạng cây bị xâm hại thì phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản chứ chúng tôi không có thẩm quyền xử lý".

Trong khi đó, theo Quyết định 19/2010/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định về quản lý hệ thống cây xanh, đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn TP Hà Nội: Việc chặt tỉa cành, di dời… đều phải có giấy phép của Sở Xây dựng. Thanh tra Xây dựng, UBND, công an cấp huyện, phường mới có chức năng xử phạt hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh với mức xử phạt cao nhất là 15 triệu đồng. Tuy nhiên, số vụ xử phạt các hành vi xâm hại cây xanh trên thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cái "bó tay" cơ quan quản lý ở chỗ phải bắt được quả tang đối tượng vi phạm, lập biên bản, đối tượng ký vào biên bản mới xử phạt được. Trong khi đó, việc xâm hại cây xanh thường diễn ra âm thầm, bất kể ngày đêm với nhiều cách thức... Hiện nay, trên một số tuyến phố có nhiều cây chết khô do bị "thảm sát", dù đã dành thời gian "trưng bày" gốc cây chết khô thế nhưng việc điều tra dường như vẫn chưa có kết quả. Đơn cử như trường hợp cây sấu chết khô ở ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ khi tại hiện trường, cây chết đã được cưa cành, bỏ ngọn và để lại thân khô cao chừng 7m.

Rõ ràng, nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục, chung tay bảo vệ cây xanh; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm thì có lẽ hành vi "bức tử" cây xanh vẫn là vấn nạn nhức nhối.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cây xanh âm thầm bị "bức tử"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.