Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Cây sáng kiến'' của ngành thoát nước

Dạ Khánh| 16/06/2020 06:26

(HNM) - Tận tâm với công việc, những năm qua, anh Phạm Thành Trung, công nhân Đội Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) đã không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và có nhiều sáng kiến trong quá trình làm việc. Với việc áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, anh Trung được xem là "cây sáng kiến" của ngành thoát nước Thủ đô.

Công nhân Phạm Thành Trung luôn say sưa tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn. Ảnh: Yên Khánh

Người công nhân yêu nghề

Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí và ngành điện Trường Cao đẳng Điện lực (nay là Đại học Điện lực), tháng 5-2013, anh Phạm Thành Trung (sinh năm 1982, quê xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) về “đầu quân” tại Xí nghiệp Thoát nước số 4, Công ty Thoát nước Hà Nội. Nhớ lại những ngày đầu tiếp cận với công việc, anh Trung cho biết: “Tôi không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng. Thế nhưng, trong quá trình làm việc, tôi càng thêm yêu quý cái nghề mà nhiều người vẫn ngần ngại vì vất vả, độc hại”.

Chia sẻ thêm về công việc đang thực hiện, anh Trung nói: "Nhiệm vụ của công nhân thoát nước là bảo đảm hiệu quả công tác tiêu thoát nước, chống úng ngập khi mưa bão; bảo đảm vệ sinh môi trường, khống chế mực nước trên các sông, hồ điều hòa... Công việc vất vả, bất kể nắng mưa, nhiều hôm người hôi rình vì phải dầm mình dưới lòng cống, nhưng chúng tôi luôn đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ lên hàng đầu".

Công việc thoát nước dù vất vả, nhưng anh Trung và đồng nghiệp luôn hiểu trách nhiệm của mình với cộng đồng, từ đó càng thêm yêu nghề, tập trung hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng úng ngập trên các tuyến phố, góp phần mang lại môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho người dân Thủ đô.

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Thoát nước Hà Nội Trương Hải Yến, anh Trung luôn nỗ lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trở thành nhân tố tích cực trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của đơn vị. Điều đáng quý là cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh Trung luôn say sưa tìm tòi, nghiên cứu, cho “ra lò” nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn.

Những sáng kiến hữu ích

Sáng kiến đầu tiên của Phạm Thành Trung phải kể đến là việc cải tiến làm quả găng co giãn khi thực hiện nhiệm vụ thông cống. “Bình thường, để thông cống thoát nước, công nhân sử dụng quả găng có dây chạc buộc 2 đầu, kéo đi kéo lại một đoạn cống (từ hố ga 1 sang hố ga 2). Tuy nhiên nhiều khi quả găng bị kẹt do vướng đường ống cấp nước cố định. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu làm quả găng co giãn (có trục giữa bằng lò xo) giúp co giãn, đàn hồi khi gặp chướng ngại vật, giảm sức lao động, thời gian nạo vét bùn trong lòng cống...”, anh Trung chia sẻ.

Một sáng kiến hữu ích khác của anh Trung và đồng nghiệp là cải tiến xe gom bùn cống ngang để vận chuyển bùn mương cống ngầm thay thế xe cải tiến. Xe kéo này không chỉ giúp bùn, nước không chảy ra đường, mà còn hỗ trợ tăng cường lực đẩy, giúp công nhân đỡ vất vả khi kéo đẩy xe bùn trên những đoạn đường gập ghềnh, có độ dốc lớn...

Đặc biệt, năm 2017, khi công ty thành lập Đội Quản lý duy trì hồ, anh Trung được điều động về làm công nhân tại Tổ Xử lý chất lượng nước của đội. Tại đây, “cây sáng kiến” Phạm Thành Trung tiếp tục phát huy sự sáng tạo giúp ích cho công việc. Nhận thấy việc vớt rác ở các hồ điều hòa gặp khó khăn, anh Trung nảy ra sáng kiến chế tạo thuyền vớt rác tự động (có băng tải tự động sử dụng động cơ phát điện hoặc năng lượng mặt trời). Với sáng kiến này, công nhân chỉ điều khiển thuyền, còn việc vớt rác do máy móc thực hiện nên tiết kiệm được thời gian và nhân lực.

Hay như sáng kiến điều khiển tắt/bật hệ thống máy sục khí trên các hồ chỉ bằng tin nhắn SMS vừa giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo an toàn tuyệt đối cho người lao động. Nói về việc hình thành sáng kiến này, anh Phạm Thành Trung cho biết: "Để tăng khả năng tự làm sạch và xử lý ô nhiễm hồ, Công ty Thoát nước Hà Nội đã lắp đặt máy sục khí trên 32 hồ (máy hoạt động theo thời gian cố định hằng ngày). Nhiều hồ ở xa, chúng tôi mất thời gian đi lại, khi trời mưa phải thực hiện thao tác tắt máy sục khí cũng rất nguy hiểm. Vì thế, việc gắn công tắc của máy sục khí với hệ thống điều hành từ xa sẽ giúp điều khiển máy sục khí tắt/bật chỉ với một tin nhắn SMS, rất tiện lợi".

Nói về “cây sáng kiến” Phạm Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty Thoát nước Hà Nội Trương Hải Yến khẳng định: "Những sáng kiến của anh Phạm Thành Trung đã giúp đội ngũ công nhân ngành thoát nước Thủ đô vừa tăng hiệu quả sản xuất, vừa đỡ công sức trong quá trình làm việc. Anh chị em công nhân ai cũng quý mến và trân trọng những đóng góp của anh".

Với những thành tích tiêu biểu đạt được, anh Phạm Thành Trung đã được trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp thành phố” năm 2017; “Người tốt, việc tốt” năm 2018; Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tặng danh hiệu “Công nhân giỏi” năm 2017-2018; Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội công nhận là “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2016, 2018...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Cây sáng kiến'' của ngành thoát nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.