(HNM) - Hà Nội hiện có khoảng 2.000 cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Trong đó, nhiều cây cổ thụ đã được vinh danh là cây di sản, được gìn giữ, bảo tồn, tạo không gian xanh cho Thủ đô.
Miếu làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) nằm lọt giữa quần thể cây xanh nên được hưởng không khí trong lành, mát rượi. Tại đó có cây đa đại thụ, mà theo các cụ cao niên trong làng thì cây đa này không chỉ tượng trưng cho ý chí bất khuất của người dân nơi đây mà còn là nơi hội tụ linh khí của làng. Vào những năm kháng chiến chống Pháp, gốc đa là hộp thư bí mật, nơi cất giấu nhiều tài liệu bí mật của Đảng. Năm 1941, miếu làng Vạn Phúc là địa điểm hội họp của Đoàn Thanh niên cứu quốc xã. Ngày nay, đình, miếu là nơi linh thiêng, hằng năm vẫn thường tổ chức các lễ trọng của làng Vạn Phúc...
Cây đa di sản trước cổng làng Vạn Phúc (quận Hà Đông). |
Trước cửa đình làng Vạn Phúc cũng có cây bàng được trồng cách đây hàng trăm năm. Cụ Đỗ Quang Vĩnh, người dân làng Vạn Phúc cho biết: Cây bàng này gắn bó với nhiều thế hệ dân làng. Đình làng Vạn Phúc (nơi có cây bàng), trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra cuộc đấu tranh của nhân dân chống sưu thuế; nơi trung ương mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng...
Theo Bí thư Đảng ủy phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự, cây cổ thụ như những chứng nhân lịch sử, lưu giữ niềm tự hào về truyền thống cách mạng, văn hóa của làng Vạn Phúc. Năm 2013, theo đề nghị của địa phương, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận 6 cây tại đình, chùa, miếu làng Vạn Phúc, gồm: Cây duối, cây rụt, cây đa, cây nhãn, cây bàng là cây di sản Việt Nam.
Theo khảo sát của ông Lê Huy Cường, Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), trước khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có khoảng 715 cây cổ thụ, chủ yếu trong nội đô. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có khoảng 2.000 cây cổ thụ, phân bố ở khắp các địa phương. Đây là di sản thiên nhiên vô cùng quý giá, là nguồn gen thực vật, có sức chống chịu, thích nghi với những biến cố của thời gian và gắn bó với người dân địa phương nói riêng, người Hà Nội nói chung qua bao thế hệ.
Gìn giữ, phát huy giá trị đó, nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động chăm sóc, bảo vệ cây cổ thụ. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cây di sản cho biết, phường Bưởi (quận Tây Hồ) là địa phương tiên phong đồng hành cùng Hội trong việc xếp hạng, gắn bia "Cây di sản" cho cụm 9 cây muỗm có tuổi đời trên 900 năm tại đền Voi Phục, phố Thụy Khuê. Sau phường Bưởi, 10 phường khác của quận Tây Hồ cũng đã lựa chọn, đăng ký và gắn bia “Cây di sản” cho nhiều cây cổ thụ khác. Đến nay, Hà Nội có 17/30 quận, huyện, thị xã có cây di sản. Trong đó, một số cây có giá trị cao, tuổi đời rất lớn, từ 900 đến 1.000 năm như: Cây đa xóm Rùa, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì), cây trôi thôn Giữa Quýt, xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức), cây đa ở làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông)...
Đặc biệt, sau khi được công nhận cây di sản, người dân địa phương hiểu hơn về giá trị của cây xanh; việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây cổ thụ được chính quyền các địa phương và người dân quan tâm hơn. Đơn cử, tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông), cụm 6 cây di sản đã được chính quyền và nhân dân chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt. Tương tự, 90 cây cổ thụ trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Đền Và (thị xã Sơn Tây) sau khi được cấp bằng công nhận quần thể cây di sản, chính quyền địa phương đã gắn biển và phân công người chăm sóc, bảo vệ.
Để tạo không gian xanh, trong lành cho thành phố, hiện nay, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có chương trình trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020. Đây là chủ trương đúng, được nhân dân Thủ đô đồng tình hưởng ứng. Qua đó, người dân Thủ đô không chỉ góp công, góp sức trồng thêm cây xanh mà còn nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ cây xanh đang có. Cũng từ đó, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh bày tỏ mong muốn có một dự án về cây di sản trên địa bàn thành phố để phân loại, đánh giá tổng thể những loại cây quý và có giải pháp bảo vệ, gìn giữ, vì đây là báu vật của tự nhiên dành cho Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.