(HNM) - Nhằm hạn chế ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm ở một số tuyến đường, phố nội đô, đồng thời giúp người đi bộ an toàn khi đi qua đường, những năm qua Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt đi bộ, hầm bộ hành.
Việc không sử dụng cầu đi bộ khi qua đường vẫn diễn ra ở trước cổng Học viện Ngân hàng. Ảnh: Thái Hiền |
Có cũng như không!
Theo quan sát của phóng viên, nhiều cầu vượt, hầm bộ hành được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp. Điển hình phải kể đến cầu vượt bộ hành gần ngã tư Giảng Võ - Cát Linh - Hào Nam - Giang Văn Minh. Có mặt tại đây vào giờ cao điểm sáng 24-12, trong vòng 30 phút, phóng viên không thấy một bóng người qua lại. Do ít được sử dụng và tác động của nắng, mưa, mặt cầu, cầu thang lên xuống nhiều chỗ đã gỉ sét. Ông Nguyễn Đình Phúc, sống gần cầu này cho biết: "Nhiều người, nhất là người cao tuổi cũng muốn đi lên cầu cho an toàn, nhưng vị trí đặt chưa hợp lý. Ngay gần cầu đã có vạch kẻ đường cho người đi bộ và khu vực này hay mất vệ sinh môi trường nên người dân ít qua lại".
Trong khi đó, cầu vượt bộ hành gần Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cũng thưa thớt người đi do đặt xa điểm lên xuống xe buýt khoảng 250m. Vào giờ cao điểm buổi sáng, chốc chốc lại thấy một tốp người từ các điểm xe buýt hai bên đường cắt ngang dòng phương tiện đông đúc đang lưu thông để qua đường. Cầu vượt bộ hành đặt gần Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc), cầu vượt bộ hành ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Lương Định Của... cũng thường xuyên vắng hoe dù hằng ngày lượng học sinh, sinh viên, người dân đi qua đường này rất đông. Tương tự, một số cầu vượt bộ hành Vạn Phúc 2, Dương Nội, Văn Khê, cầu La Khê... dọc tuyến đường xe buýt nhanh BRT cũng trong cảnh đìu hiu.
Cùng cảnh với cầu vượt bộ hành, nhiều hầm bộ hành được xây dựng dọc tuyến đường mới như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng... cũng ít người sử dụng. Thậm chí, tại hầm bộ hành gần chợ Cầu Diễn, mặc dù được xây dựng sạch sẽ, đồng bộ hệ thống chiếu sáng... nhưng nhiều người vẫn thờ ơ. Ông Trần Văn Long, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm cho biết, người đi lại dưới hầm ít là do thời điểm mới hoàn thành, vào buổi tối, nơi này trở thành nơi tụ tập của các đối tượng nghiện hút, đánh bạc. Sợ mất an toàn nên nhiều người đi bộ không đi qua hầm, mà tụ lại thành nhóm để sang đường, khiến giao thông ở đây trở nên lộn xộn.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo Sở Giao thông - Vận tải, trên địa bàn Hà Nội hiện có 46 cầu vượt đi bộ được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2009 đến nay và 31 hầm bộ hành. Hiện nay các cầu vượt, hầm bộ hành đang được khai thác sử dụng, duy tu thường xuyên. Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), mặc dù các cầu vượt, hầm bộ hành đều được trang bị đầy đủ hệ thống thông khí, chiếu sáng, an ninh, được duy tu thường xuyên, có nhân viên vệ sinh và hướng dẫn, trợ giúp người khuyết tật, tuy vậy người dân vẫn thờ ơ với việc sử dụng khi tham gia giao thông.
Cột đèn, tủ điện đặt trước cửa hầm dành cho người đi bộ tại đường Nguyễn Xiển gây cản trở và mất cảnh quan đô thị. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Nguyễn Đức Toàn cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do ý thức tùy tiện khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân. Nhiều người vẫn có thói quen chọn đoạn đường ngắn nhất, vị trí thuận lợi nhất để đi dù gần đó có cầu vượt, hầm bộ hành. Trong khi đó, chế tài xử phạt người đi bộ không đúng nơi quy định đã có nhưng không đủ sức răn đe. Cụ thể, theo Điều 9 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức xử phạt đối với người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ chỉ là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không đi đúng phần đường quy định, vượt dải phân cách...
Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với cầu vượt, hầm bộ hành, thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Sở cũng đưa nội dung giáo dục về an toàn giao thông vào các bậc học phổ thông để từng bước tạo ý thức, văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Sở đề nghị với cơ quan chức năng nâng chế tài xử phạt, đồng thời mạnh tay xử lý người đi bộ không đúng nơi quy định.
“Về lâu dài, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cầu vượt, hầm bộ hành bảo đảm phù hợp, thuận tiện cho người tham gia giao thông. Đồng thời, Sở nghiên cứu, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, cưỡng chế người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt, hầm bộ hành, như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng người đi bộ cố tình băng qua đường, gây mất an toàn giao thông...” - ông Toàn chia sẻ.
Hy vọng với các giải pháp nêu trên, các cầu vượt, hầm bộ hành đã được đầu tư trên địa bàn Hà Nội sớm phát huy tác dụng, bảo đảm an toàn cho người đi bộ, tránh lãng phí như thời gian qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.