Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấu trúc đô thị là sự kết nối mạng đa cực, đa trung tâm

Gia Khánh| 05/03/2010 07:18

Ngày 4-3, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đồ án quy hoạch, Thủ đô Hà Nội sẽ là đô thị hạt nhân, đa chức năng. Cấu trúc đô thị Hà Nội được xây dựng dựa trên các yếu tố phát triển bền vững; là sự kết nối mạng đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc, gồm đô thị hạt nhân và 5 đô thị vệ tinh.


Đô thị hạt nhân với dân số khoảng 4-4,5 triệu người, được mở rộng từ đô thị lõi lịch sử về phía Tây đến tuyến đường Vành đai 4, về phía Bắc sông Hồng - khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm. Trong đó thành phố lõi lịch sử được kiểm soát, bảo tồn nghiêm ngặt với dân số tối đa là 800.000 người, khống chế kiểm soát mật độ và tầng cao xây dựng.

Chuỗi đô thị nằm dọc đường Vành đai 4 Đan Phượng - Hoài Đức - Hà Đông - Thường Tín sẽ xây dựng với mật độ cao, ưu tiên về cảnh quan cây xanh mặt nước. Chuỗi đô thị này sẽ ôm lấy đô thị lõi lịch sử, có vùng đệm ngăn cách bởi hành lang xanh dọc sông Nhuệ và tiếp nhận nhiều đồ án từ hơn 750 dự án đang rà soát, cập nhật. Trong khi đó, khu vực Gia Lâm, Long Biên phát triển dịch vụ chất lượng cao như thương mại, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán... Đông Anh phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn di tích. Mê Linh là khu đô thị dịch vụ và công nghiệp sạch, đa ngành, kỹ thuật cao kết nối với sân bay Nội Bài...

Năm đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn có dân số từ 21 đến 75 vạn người/đô thị. Trong đó Hòa Lạc là đô thị khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến nhất của Việt Nam. Ở phía Nam, đô thị vệ tinh Phú Xuyên - Phú Minh sẽ phát triển công nghiệp, kho tàng, các dịch vụ trung chuyển... Đặc biệt, đồ án thiết lập hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ nhằm phân tách kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh. Hành lang xanh chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng như hệ thống sông hồ, vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn, bảo vệ vùng nông thôn, làng xóm, các di tích văn hóa và kiểm soát lũ lụt.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đồ án ít chú ý đến lệch tâm của đô thị lõi. "Ảnh hưởng của đô thị phải lan tỏa khu vực xung quanh, nhưng đồ án mới nói đến phía Tây, Nam mà không nói nhiều đến phía Bắc, phía Đông. Đô thị không chỉ phát triển theo các quyết định hành chính, mà theo quy luật thị trường. Chính vì thế, phải coi trọng cả vai trò của Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên trong phát triển chung của Hà Nội. Ngoài ra, nên phân kỳ đầu tư, hạn chế việc dự án mọc lên ồ ạt, biến khắp nơi thành công trường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấu trúc đô thị là sự kết nối mạng đa cực, đa trung tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.