Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu Hàm Luông: Ứng dụng thành công nhiều giải pháp công nghệ mới

Tuyết Hạnh| 26/08/2016 06:26

(HNM) - Với công nghệ mới phức tạp, nhịp đúc hẫng cân bằng 150m lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, cầu Hàm Luông (Bến Tre) hiện là cây cầu đúc hẫng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam do đội ngũ cán bộ, kỹ sư trong nước tự thực hiện. Công trình này nằm trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học

Cầu Hàm Luông (Bến Tre) là cây cầu đúc hẫng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: Tâm Ngữ



- Ông có thể cho biết những điểm nổi bật trong công trình nghiên cứu được đề xuất tặng Giải thưởng Nhà nước về KH-CN lần này?

- Đây là một công trình có giá trị cao về mặt KH-CN vì đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới tiêu biểu. Trước tiên là về khẩu độ nhịp chính, kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng lần đầu tiên được áp dụng tại công trình cầu Phú Lương (Hải Dương), nhịp chính có khẩu độ 102m. Về sau kết cấu này được áp dụng tại nhiều dự án khác trên cả nước với khẩu độ nhịp chính lớn nhất tại thời điểm bấy giờ là 135m. Đối với dự án cầu Hàm Luông, khẩu độ nhịp chính là 150m, đã đạt kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam về khẩu độ dầm hộp thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng, từ đó khẳng định một lần nữa khả năng làm chủ về mặt thiết kế và công nghệ của tư vấn trong nước.

Tiếp theo là việc sử dụng cáp dự ứng lực ngoài. Các dự án trước đây, việc sử dụng cáp dự ứng lực ngoài có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật như cáp dự ứng lực trong nên sau một thời gian sử dụng đã phát sinh nhiều nhược điểm. Tại cầu Hàm Luông, lần đầu tiên ứng dụng công nghệ cáp dự ứng lực ngoài với 5 tầng bảo vệ nên đã khắc phục các hạn chế của thế hệ cáp trước đó, giúp làm giảm kích thước dầm cầu, tiết kiệm vật liệu thi công, tạo sơ đồ chịu lực phù hợp cho kết cấu nhịp, cho phép thay thế dễ dàng.

Công nghệ thi công bê tông khối lớn cũng là một giải pháp quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công của công trình. Ngoài ra, việc áp dụng vữa bơm với áp lực cao đã làm tăng đáng kể khả năng chịu lực cho cọc khoan nhồi đường kính 2m.

- Còn tác dụng và ảnh hưởng mà công trình đem tới cho xã hội và người dân thì sao, thưa ông?

- Những người thực hiện công trình này đã tính toán xây dựng cầu hợp lý, tiết kiệm, thuận lợi cho lưu thông. So với các phương án thiết kế cầu dạng kết cấu dây văng, dây võng, phương án thiết kế cầu đúc hẫng cân bằng tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Cây cầu này bảo đảm được chất lượng, cũng như mỹ quan, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực.

Trước đây, để đi qua phà Hàm Luông, thời gian mất từ 30 phút đến cả tiếng đồng hồ, nay chỉ mất vài phút chạy qua cầu là qua sông rồi, tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc cho nhân dân.

- Vậy triển vọng ứng dụng của công trình nghiên cứu này trong đời sống ra sao?


- Trên cơ sở áp dụng kinh nghiệm thiết kế và kiểm soát chất lượng trong quá trình thi công cầu Hàm Luông, một số công trình lớn đã được thi công xây dựng như cầu Cửa Đại ở tỉnh Quảng Nam, cầu Cổ Chiên nối Bến Tre và Trà Vinh. Những kinh nghiệm này tiếp tục được áp dụng cho công trình cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh với Sóc Trăng. Công nghệ do đội ngũ, kỹ sư của các đơn vị trong nước thực hiện, về cơ bản sử dụng nguyên vật liệu nội địa.

Kế thừa những thành tựu từ cầu Hàm Luông, hiện nay Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ công nhân và kỹ thuật chuyên thiết kế và thi công hệ thống cáp dự ứng lực ngoài cho các công trình cầu nói riêng cũng như các công trình có yêu cầu phải vượt khẩu độ lớn, trong đó có các công trình giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

- Ông có thể cho biết cảm nghĩ của mình khi là tác giả được đề nghị tặng giải thưởng cao quý về KH-CN trong năm nay?

- Sự thành công này là kết quả của quá trình cố gắng và nỗ lực trong công tác quản lý, thiết kế, giám sát, thi công của các đơn vị tham gia dự án, như Ban Quản lý dự án, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, Nhà thầu thi công xây dựng. Từ đó khẳng định một lần nữa khả năng làm chủ về mặt thiết kế và công nghệ của các đơn vị trong nước.

Tôi rất vui mừng, tự hào cùng các tác giả khác tham gia vào công trình này. Đây là cây cầu có nhịp đúc hẫng cân bằng lớn nhất Việt Nam. Để hoàn thành cây cầu này, nhiều kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Ngành Giao thông - Vận tải đã phải trải qua nhiều gian khó, ngâm mình trong bùn lầy nhiều ngày để khảo sát, lên phương án xây dựng. Được xem xét trao giải thưởng là động lực to lớn cho đội ngũ kỹ sư trong nước tiếp tục nghiên cứu, mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất ra các giải pháp khoa học mới ứng dụng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu Hàm Luông: Ứng dụng thành công nhiều giải pháp công nghệ mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.