Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện Tò he

LEQUYEN| 23/01/2009 00:08

(HNMO) - Tôi nhớ ngày nhỏ, được cầm một cây Tò he  rực rỡ sắc màu  xanh, đỏ là sướng mê. Hình như trẻ con đứa nào cũng thích được ngắm nhìn bàn tay thoăn thoắt của người nặn tò he khóe léo tạo ra hình thù các con giống trên một que tre. Cho đến giờ, tôi vẫn không quên cái mùi thơm nức của bột gạo nếp hấp, mùi ngòn ngọt, man mát của đường trắng khi cầm trò chơi này. Từ những ký ức tuổi thơ đó, tôi đã tìm đến làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Tây, nơi có truyền thống nặn tò he từ nhiều đời nay để tìm hiểu về nghề này.

(HNMO) - Tôi nhớ ngày nhỏ, được cầm một cây Tò he rực rỡ sắc màu xanh, đỏ là sướng mê. Hình như trẻ con đứa nào cũng thích được ngắm nhìn bàn tay thoăn thoắt của người nặn tò he khóe léo tạo ra hình thù các con giống trên một que tre. Cho đến giờ, tôi vẫn không quên cái mùi thơm nức của bột gạo nếp hấp, mùi ngòn ngọt, man mát của đường trắng khi cầm trò chơi này. Từ những ký ức tuổi thơ đó, tôi đã tìm đến làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Tây, nơi có truyền thống nặn tò he từ nhiều đời nay để tìm hiểu về nghề này.

* Trò chơi dân gian bằng bột nếp

Cách Hà Nội 30km, làng Xuân La ngày nay vẫn còn giữ nghề nặn Tò he mà ông tổ của làng khởi nguồn hàng trăm năm nay. Không ai rõ, nghề Tò he xuất hiện chính xác từ bao giờ chỉ biết là nó gắn liền với văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của vùng quê Bắc Bộ. Ban đầu, Tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, , trâu, , lợn, ... vì vậy, người ta gọi sản phầm này là "đồ chơi chim cò". Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có lẽ người ta gọi là "tò te", sau này nói trại thành "tò he". Dần dần, Tò he trở thành một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam rất được ưa chuộng cũng bởi những hình thù ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt và nó lại được nặn tại chỗ chỉ trong vài phút.

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Đặng Văn Tố, người đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phong tặng là nghệ nhân bởi những cống hiến của cụ cho nghề truyền thống này. Cụ Tố không còn nữa, nhưng con trai cụ là anh Đặng Văn Tẫn vẫn tiếp tục kế nghiệp cha mình. Anh Tẫn cho biết, bí quyết của nghề này chính là cách nhào và pha chế bột sao cho bột dẻo, thơm, nhưng vẫn giữ được lâu mà không bị mốc và khô. Bột làm tò he nhất thiết phải là bột nếp, nếu có pha chút gạo tẻ thì phải đúng tỉ lệ 7 nếp, 3 tẻ. Bột được xay nhỏ mịn, nhào nhuyễn rồi được bọc cẩn thận trong túi nilông để chống khô. Khi bắt đầu nặn, người nghệ nhân mới véo bột thành những nắm nhỏ rồi bắt đầu pha chế màu, với 4 màu cơ bản: Đỏ, xanh, vàng, đen (hoặc trắng).

Hỏi về cách thức pha màu, anh Tẫn lim dim kể: Ngày trước, những nghệ nhân nặn tò he pha chế màu toàn từ những nguyên liệu thiên nhiên như lá cây, hoa, quả. Ví dụ làm màu vàng là phải pha chế từ nghệ, màu vàng từ quả gấc, màu xanh từ lá cây. Để làm ra những sắc màu thiên nhiên này, người làm tò he phải tốn khá nhiều công sức để pha chế. “Thời đó, để làm 1kg bột có màu đỏ thì phải dùng đến mấy chục quả gấc. Công đoạn làm màu cực lắm và khá tốn thời gian. Bột nếp làm tò he được hấp chín và pha chút đường, vì thế trẻ em khi chơi tò he là có thể ăn được. Còn bây giờ, nguyên liệu công nghiệp có sẵn, người nặn tò he dùng màu này tiện lợi hơn và tò hè giờ cũng chỉ là đồ chơi cho con trẻ chứ không phải là đồ ăn quà như ngày xưa”, anh Tẫn tâm sự.

Nghề Tò he với công cụ khá thô sơ: nắm bột, một chút phẩm màu công nghiệp, chiếc lược răng nhỏ, con dao, miếng sáp ong để làm trơn tay, vài que tre vót sẵn… thế là người nặn Tò he có thể rong ruổi trên chiếc xe đạp đi kiếm kế sinh nhai. Cũng chính vì sự gọn nhẹ, tiện lợi này, người dân ở làng Xuân La thường xuyên đạp xe đến những vùng lân cận để kiếm sống, đến chiều tối lại rong ruổi đạp xe về. Tò he giờ không chỉ xuất hiện trong những ngày lễ, tết truyền thống của Việt Nam mà nó còn xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày tại các Công viên, vườn thú, trường học, rạp xiếc…

* Tò he đã thật sự trở lại

Một thời, nghề nặn Tò he tưởng như bị mai một khi mà trẻ em khắp nơi đều nhạt dần với trò chơi dân gian bằng bột này thay vì những trò chơi điện tử hiện đại hấp dẫn hơn. Những người theo nghề nặn Tò he ở làng Xuân La và ở nhiều nơi khác lần lượt thôi nghề và chuyển sang làm những nghề khác. Nhưng giờ đây, nghề nặn Tò he đã thật sự trở lại và được chính những người dân làng phục hồi. Khi chúng tôi đến làng Xuân La, nhiều trai làng vẫn giữ nghề truyền thống của gia đình và coi Tò he là nghề kiếm sống thật sự.

Anh Tẫn kể, từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, người làng Xuân La rậm rịch kéo nhau đi kiếm sống bằng chính nghề nặn Tò he truyền thống. Thời gian này cũng chính là mùa hội với hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khắp các tỉnh miền Bắc: Từ hội đền Hùng, hội đền Cổ Loa, hội Lim, hội gò Đống Đa đến những hội làng. Anh Tẫn cho biết, vào mùa hội, vợ chồng anh đèo nhau đi suốt, có khi 3 ngày mới về nhà một lần, và cũng chỉ kịp pha chế thêm bột, chuẩn bị đồ nghề rồi lại tiếp tục “khăn gói quả mướp” đến hội khác. Nếu không vào mùa hội, người làng lại cần mẫn chở hòm đồ nghề lên Hà Nội kiếm sống tại công viên Lê Nin, Thủ Lệ. Vào ngày hội, người nặn Tò he có thể kiếm được 300.000 – 400.000đ/ngày, ngày thường cũng không dưới 100.000đ. Làng Xuân La hiện giờ có 50% số hộ theo nghề làm Tò he và họ đều hài lòng với nghề sinh nhai này.

Khi miếng cơm manh áo no đủ, những giá trị văn hóa truyền thống được coi trọng và trở về vị trí đích thực của nó thì những người theo nghề nặn Tò he cũng dần lấy lại được sự thích thú của trẻ em. Với giá bình dân 5000 – 10.000đ/ que, những que Tò he với các hình thù sinh động, bắt mắt vẫn có một sức quyến rũ riêng và vẫn là món đồ chơi dân dã nhưng hấp dẫn đối với trẻ em. “Chơi Tò he tuy không lâu, chỉ từ 3 -5 ngày thì bột bị khô, nhưng thấy chúng tôi ngồi đâu là trẻ em vẫn xúm lại và vẫn rất thích thú. Các em say sưa nhìn chúng tôi nặn bột và không thôi hỏi về câu chuyện Tò he như nguồn gốc xuất xứ, về cách nặn bột. Mừng lắm, khi thời buổi hiện đại với nhiều trò chơi điện tử, vẫn có rất nhiều em bé thích thú nặn bột và sung sướng cầm một que Tò he mà mẹ mua cho”, anh Tẫn tâm sự, ánh mắt ngập tràn niềm hạnh phúc. Ngày nay, các nghệ nhân nặn Tò he không chỉ nặn những hình thù đơn giản của 12 con giáp nữa mà còn nặn khá nhiều hình con vật từ những bộ phim hoạt hình như: Đôremon, Pokemon, Tôn Ngộ Không để chiều theo sở thích của trẻ nhỏ.

Câu chuyện Tò he được kể khá dài từ đời nọ qua đời kia và đến thời nay, trẻ em Việt Nam vẫn hăng say lắng nghe và tìm hiểu câu chuyện về trò chơi dân gian này. Không những vậy, Tò he đã được thế giới biết đến khi được mang đi giới thiệu tại những Ngày hội văn hóa. Năm 2006 và 2007, anh Đặng Văn Tẫn, được theo đoàn nghệ thuật Việt Nam mang sản phẩm Tò he sang Nhật Bản để giới thiệu trong “Ngày hội văn hóa Việt Nam tại Nhật”. Thật mừng, khi Tò he là một trong những nét văn hóa dân gian được người dân nước bạn, đặc biệt là trẻ em hứng thú nhất. Khi được hỏi về kế hoạch phát triển làng nghề, anh Tẫn cho biết, hiện giờ đang nhờ các nhà khoa học nghiên cứu để tìm ra phương pháp kéo dài “tuổi thọ” của trò chơi này bằng cách giữ bột lâu bị khô, tuy nhiên, đến giờ mới chỉ tìm ra phương pháp chồng mốc bột. Những cố gắng bảo tồn, lưu truyền và phát triển của những nghệ nhân nặn Tò he như minh chứng cho thấy món đồ chơi dân dã được lưu truyền từ nhiều đời nay vẫn có một sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Lệ Quyên

Ảnh: Đan Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện Tò he

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.