(HNM) - Thói quen lạm dụng giấy vệ sinh làm giấy ăn của người dân cùng với sự thả nổi về chất lượng sản phẩm tiềm ẩn mối nguy hại đối với sức khỏe.
Giấy vệ sinh lên bàn ăn
Giấy vệ sinh lên bàn ăn là thực trạng chung diễn ra tại hầu hết các quán cơm bình dân hiện nay. Tại các hàng quán này, loại "giấy ăn" thường thấy là giấy cuộn đựng trong các ống nhựa để thực khách lau miệng, lau tay, lau đũa, thìa... Chủ quán thường chọn loại giấy "3 không" (không nguồn gốc, không nhãn mác, không tiêu chuẩn) này bởi giá rẻ hơn nhiều so với loại giấy ăn thông thường.
Chất lượng sản phẩm giấy ăn chưa được kiểm soát, gây mối nguy hại đối với sức khỏe con người. |
Khi được hỏi về nguồn cung và nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng của các loại giấy này, một chủ quán cơm bình dân trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thản nhiên trả lời: "Quán hàng chúng tôi chưa bao giờ tìm hiểu nguồn gốc cũng như xuất xứ của loại giấy này. Chỉ biết là có người đến tận quán hàng giao, giá cả hợp lý thì mua. Từ lúc mở quán cơm đến nay chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ khách hàng về chất lượng giấy vệ sinh. Thậm chí, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thì họ cũng chỉ quan tâm đến các giấy tờ pháp lý, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm... chứ chưa thấy kiểm tra chất lượng giấy ăn bao giờ".
Không chỉ các quán hàng mà ngay tại nhiều gia đình, việc "biến" giấy vệ sinh thành giấy ăn cũng là điều dễ thấy. Thậm chí, giấy vệ sinh còn được sử dụng "ba trong một", vừa dùng làm giấy ăn, giấy vệ sinh, giấy lau mặt. Theo quy định, giấy ăn và giấy vệ sinh là hai loại hoàn toàn khác nhau, được sản xuất theo quy trình khác nhau. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), sự khác dễ thấy ngay ở tên gọi, giấy vệ sinh dĩ nhiên là khác so với giấy ăn. Giấy ăn được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc các loại cỏ, trúc, gỗ… bảo đảm an toàn cho người dùng. Ngược lại, giấy vệ sinh chủ yếu được làm từ nguồn giấy phế phẩm như sách báo cũ, giấy photocopy, giấy in... "Những sản phẩm giấy kém chất lượng thường được làm từ những nguồn nguyên liệu không bảo đảm, kỹ thuật xử lý, tái chế cẩu thả. Việc dùng giấy vệ sinh lau miệng có thể khiến người dùng tiếp xúc với mủn giấy, bị ảnh hưởng bởi hóa chất tẩy trắng và tăng trắng tồn dư do chưa được xử lý theo quy trình chuẩn... khiến vi khuẩn, tạp chất, hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể người, gây hại cho sức khỏe", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Bác sĩ Chu Thanh Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng cho rằng, loại giấy cuộn vệ sinh làm từ các nguyên liệu tái chế thường có chứa hàm lượng chất tẩy rất cao. Nếu da thường xuyên tiếp xúc với loại giấy này thì dễ bị kích ứng, gây đỏ da. Thậm chí, khi tiếp xúc, những sợi bụi chứa trong giấy sẽ lưu lại trên da, gây hiện tượng bít lỗ chân lông, cản trở quá trình trao đổi khí và bài tiết của da, làm cho da bị tổn thương, dẫn đến khô da, viêm da... Mặt khác, trong quá trình sản xuất, tay chân của công nhân không được vệ sinh sạch sẽ, môi trường ô nhiễm là điều kiện tạo thành những ổ vi khuẩn. Các loại vi khuẩn như tụ cầu, ecoli... dễ dàng xâm nhập vào giấy ăn khi chúng được sản xuất xong. Khi lau miệng, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể, dễ gây ra các bệnh như tiêu chảy, tả, lị, thương hàn... đối với những người có sức đề kháng kém.
Hạn chế về công tác quản lý
Các chuyên gia y tế khẳng định, việc lạm dụng giấy vệ sinh làm giấy ăn là hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ta mới chỉ có tiêu chuẩn về định lượng và hình thức để phân loại giấy vệ sinh và giấy ăn (chủ yếu về độ bền kéo, khả năng thấm hút), hầu như chưa có hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng hoặc những quy định cụ thể dành cho các loại sản phẩm trên.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hà Nội diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thẳng thắn cho rằng, không chỉ giấy cuộn, giấy vệ sinh, mà ngay cả giấy ăn cũng chủ yếu được sản xuất thủ công, tập trung ở một số làng nghề. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng tuyệt đại đa số giấy ăn, giấy cuộn tại hàng quán vỉa hè, quán cơm bình dân không bảo đảm chất lượng, đa số giấy có màu đen, mùi hôi. Do đó, khi đi ăn ở hàng quán, nếu có thực khách bị tiêu chảy thì nguyên nhân chưa chắc đã phải do thực phẩm, mà có khi lại do giấy ăn mất vệ sinh. Dù mặt hàng giấy ăn ngày càng được sử dụng nhiều trên thị trường, với đủ loại nhãn mác khác nhau, thế nhưng, việc quản lý sản phẩm này hiện chưa có quy định chặt chẽ, ngành chức năng muốn đi kiểm tra cũng khó.
Từ thực tế kiểm tra một số cơ sở sản xuất giấy ăn không bảo đảm chất lượng, phát hiện hành vi làm giả, làm nhái những sản phẩm có thương hiệu, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội cho biết, việc giấy ăn, giấy vệ sinh không bảo đảm chất lượng, có nguy cơ truyền bệnh cao là một thực tế gây lo ngại. Trong bối cảnh đó, nhiều địa phương không chú trọng đúng mức tới công tác kiểm tra, kiểm soát, nhiều cơ sở đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục sản xuất vì khung hình phạt quá thấp, không có tính răn đe.
Cuộn giấy vệ sinh, mảnh giấy ăn, vì thế không phải chuyện nhỏ, không thể không quan tâm được. Thực tế cho thấy cơ quan quản lý cần có giải pháp triệt để cho vấn đề này nhằm hạn chế khả năng gây tổn hại cho sức khỏe nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.