Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện làng cổ

Nguyễn Hải Trừng| 12/04/2010 05:50

(HNM) - Trung Tự thuộc phường Đông Tác và Kim Hoa, sau đổi là Kim Liên, là hai làng cổ liền kề nhau thuộc huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên (tức Kinh thành Thăng Long). Ngày nay, Kim Liên và đại bộ phận làng Trung Tự cũ hợp thành một phường là Phương Liên. Từ lâu nhiều nét đẹp truyền thống của cả 2 làng đã được lưu truyền.

Đường Xã Đàn ngày nay thuộc địa phận làng Trung Tự cũ. Ảnh: Bảo Kha


Rồi bỗng xuất hiện thông tin trong một bài báo: “Kim Liên có một ông trạng. Một lần qua cổng làng, ông không hạ mã, dân không nhận là người làng nữa. Ông bèn cùng họ hàng ra ngoài thành Đại La, lập làng mới là Trung Tự. Hai làng cắt quan hệ với nhau với những lời thề độc…”. Điều này làm nảy sinh những phiền toái không đáng có và cái chính là nó không đúng. Là anh bộ đội rời quê Trung Tự đi chiến đấu từ trẻ, khi nghỉ hưu thi thoảng có dịp về làng, tôi tự nhủ phải cố tìm chứng cứ để đính chính, giải tỏa định kiến cũ giữa hai làng - vốn đều có truyền thống đẹp đẽ đáng nhắc ở mảnh đất nghìn năm.

Tư liệu dần dần đã tìm được nhưng chưa đủ thuyết phục với một vấn đề phức tạp như thế. May sao vào một ngày đầu xuân ấm áp về dự lễ hội làng, tôi bỗng chú ý đến hai phiến đá lớn úp lên nhau trông như cái hộp, cao hơn nửa mét nằm ở góc sân đình. Một vị cao tuổi cho biết đây là tấm bia hộp rất quý, khắp nội thành, chỉ Trung Tự có thôi.

Được sự giúp đỡ của Tiểu ban Bảo vệ di tích và cậy người khỏe lật phiến đá ở trên lên, tôi thấy mỗi phiến là một mặt bia hình vuông, cạnh gần 80cm. Nói sao hết nỗi vui mừng khi đọc những lời thiết tha mở đầu:

“Ngày phục nghiệp của thôn ta, có một đạo “Khải của quan Phụng Sai”, lại thêm một đạo “Phán quyết của quan Cai Khám (quan tra xét)”. Đây là những vật báu muôn đời, được cất giữ trong hòm quý đến nay vừa tròn 60 năm. Nay ta muốn truyền lại lâu dài, bèn cùng người làng tìm đá, chọn người để chép lại và khắc sâu, khiến cho trăm đời có bằng chứng, vạn năm không hư hỏng...

Kẻ hậu sinh là Hữu thị lang bộ Hình, Xương Phái hầu Nguyễn Trù vái lạy kính ghi…”.

Tiếp đó là họ tên chức tước 3 quan lãnh đạo hàng đầu của kinh thành cùng tham dự. Bia khắc ngày 2 tháng Sáu năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức 2 (1733).

Hai văn bản pháp quy đó gần 1.500 chữ được dịch và hiệu đính rất cẩn trọng. Thấy bia viết nhiều về các khoảnh đất, tên bia thì ghi là “Đông Tác phường, Trung Tự thôn địa giới kiệt” (bia đá mốc giới thôn Trung Tự, phường Đông Tác) tôi tưởng đây chủ yếu là chuyện đất đai. Nhưng nghiên cứu kỹ bia, sách sử và phả ở hai làng, dần dần chuyện lịch sử đặc biệt của làng cổ Trung Tự đã hiện lên khá rõ.

                                                                            *
                                                                      *         *
Văn bản pháp quy thứ nhất là “Khải của quan Phụng Sai” đề ngày 10 tháng Sáu năm Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức 2 (1673) mở đầu bằng bản sao “Tờ trình của thôn Trung Tự, Đông Tác” có họ tên của 14 quan viên hương trưởng thay mặt:

“Nguyên đất thổ trạch của thôn chúng tôi, Đông…, Tây…, Nam…, Bắc giáp… Trước đây bị Quân Phòng chiếm ở, chỉ còn đền, chùa và vài nhà dân ở ven hồ (tức hồ Ba Mẫu). Tuy dân phải dời đi ở nơi khác nhưng hộ tịch, việc thi, tuyển mộ vẫn theo lệ cũ… Thiết tha kính mong quan trên nghĩ đến tình cảnh dân làng, trả lại các đất đã bị chiếm, giúp cho dân chúng tôi được an cư phục nghiệp”.

Quan Phụng Sai đã nhận xét về từng khoảnh đất rồi kết luận:

“… Các khu trên cộng là 3 mẫu 5 sào… Nguyên là đất cũ của tổ tông dân Trung Tự, Đông Tác dưới triều đại trước. Một thời bị Quân Phòng chiếm ở, về sau Quân Doanh ở… Xem kỹ địa bạ thôn Trung Tự, thấy địa phận các khu y hệt như đơn đã trình bày… Kính xin lệnh chỉ chuẩn trả lại đất cho dân Trung Tự để trở về an cư phục nghiệp như trước kia”.

Như vậy, Khải đã khẳng định 3 điều: Một, làng Trung Tự gặp tai họa bị chiếm hết đất thổ trạch đã có từ triều đại trước. Lúc đầu Quân Phòng chiếm, về sau Quân Doanh ở. Hai, Trung Tự đã và luôn luôn thuộc phường Đông Tác, dân tuy dời đi nhưng hộ tịch và việc thi, tuyển mộ vẫn giữ như lệ cũ. Cũng tức chưa bao giờ thuộc Kim Hoa. Ba, kính xin trả lại cho Trung Tự đất cũ để trở về phục nghiệp. Không hề có chuyện đi lập làng mới.

Sách sử có ghi thời Lê Trung Hưng để thưởng công, một số ít công thần hoặc người thân trong họ Chúa được lập Quân Doanh và sử dụng quân thuộc hạ phục dịch mình. Sách phả ở 2 làng, đặc biệt là bộ Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị tông phả (ký hiệu VH v 2136 ở Thư viện - Viện Hán Nôm) của TS Nguyễn Văn Lý được nhiều người đọc đánh giá là biên soạn chặt chẽ, khách quan cho thêm nhiều thông tin cụ thể:

Cuối thế kỷ XVI, một Thái Phó là Việt Quận công được lập Quân Doanh ở tây bắc Trung Tự đã ỷ thế tranh đất làm cho dân phải sang trú nhờ Kim Hoa. Một người Trung Tự ở thế hệ trú nhờ thứ tư là Nguyễn Hy Quang quyết vượt lên nghèo khó để học và sau khi đỗ Giải Nguyên năm 1657 đã vận động đoàn kết các dòng họ trong làng, tìm cách đòi lại đất cũ. Khoảng 8 chục năm sau khi mất đất, nửa năm sau khi được quan xét xử, tức năm Giáp Dần 1674, dân Trung Tự vui mừng trở về phục nghiệp.

Đây quả là một chuyện hiếm thấy! Điều mừng nữa là theo gương Nguyễn Hy Quang, các dòng họ tiếp tục đoàn kết phấn đấu nên không lâu sau Trung Tự đất hẹp dân ít dần trở thành làng giàu truyền thống văn hóa của Thăng Long - Hà Nội với nhiều người con ưu tú đã có hành trạng được ghi sử sách. Danh sư Nguyễn Hy Quang được phong phúc thần, xuân thu được tế theo nghi thức quốc gia, với lời ghi trên sắc: đã bồi giảng nền học thánh hiền, góp nhiều ý hay vào mưu lược quốc gia, ngày ngày lo nghĩ giúp triều đình hoàn thành nền thịnh trị. Hoàng Giáp Nguyễn Trù, Tế tửu Quốc Tử Giám, có 2 tác phẩm đóng góp vào nền giáo dục và văn học đất nước. Thượng Tướng Quân Nguyễn Hữu Dụng có công được phối thờ ở đình làng. TS Đốc học Nguyễn Văn Lý tâm huyết cống hiến cho nền giáo dục và văn hóa dân tộc. Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu chí sỹ yêu nước Đông kinh Nghĩa thục bị Pháp đày ở Côn Đảo. GS Nguyễn Hữu Tảo, “một người thầy mẫu mực, một nhà giáo dục tài năng, một con người nhân hậu đức độ, qua đời đã gần nửa thế kỷ vẫn được nhiều người kính nhớ”. Cư sỹ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha nổi tiếng đức độ, uyên thâm Nho học và Phật học, có gần 100 đầu sách, trong đó có bộ Hán Việt tự điển nổi tiếng...
                                                                            *
                                                                      *         *
Văn bản thứ hai đề ngày 19-8, Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị 2 (1677), nội dung là “Phán quyết của quan Hy Sát Ngự Sử đạo Thanh Hoa, phụ trách tra xét vụ Kim Hoa kiện Đông Tác”, nhưng thực tế còn thêm mấy vụ nữa. Phán quyết có đoạn: “(trước hết) nói về vụ Kim Hoa tố cáo Đông Tác chiếm đất chùa Phúc Lâm của Kim Hoa và chiếm đất trước và sau Tam Bảo: sau khi tra cứu địa bạ phường Kim Hoa, thấy chỉ có khoảnh đất gọi là đất Tam Bảo nhưng không có chùa Phúc Lâm, cũng không có đất trước và sau Tam Bảo. Còn khu đất được gọi là trước Tam Bảo ở ngoài thành Đại La (mà Kim Hoa đã cắm tiêu) thì điều tra thấy trước đây Mỹ Quận Công đã hứa cho bọn Đinh Tiến Phú xây nhà ở. Đinh Tiến Phú khai rằng năm Quý Sửu (tức năm xử cho Trung Tự trở về đất cũ), quan Phụng Sai đã về cho đo đất ấy và trả cho phường Đông Tác, nên y đã dời đi nơi khác. Qua đó rõ ràng đất này thuộc địa phận phường Đông Tác, phải trả lại cho Đông Tác theo đúng số liệu đo đạc”…

Khi tra xét vụ kiện trên, quan phát hiện thêm 3 vụ phạm pháp, cho thấy công việc tra xét công phu. Văn bản thứ hai này còn soi sáng thêm một điều rất quan trọng nữa. Bên nguyên đơn tưởng đã thắng trong hai lần sơ thẩm, đến chung thẩm bị thua và thiệt nặng. Mặt khác, phân tích việc đặt điều thêm trong đơn tố cáo Đông Tác và các việc làm sai trái khác, có thể hiểu chỉ những kẻ tham nhũng nắm quyền mới làm được, dùng cách thề nguyền đánh vào tâm linh để dân cắt quan hệ với Trung Tự. Trên thực tế, dân Kim Hoa đã giúp nhiều thế hệ dân Trung Tự trú nhờ, rõ ràng là rất có tình nghĩa.

Dẫn ra những điều trên, tôi có lòng mong đính chính lại chỗ sai trong thông tin đã đưa. Và cái đích cuối cùng là để hai ngôi làng cổ đầy truyền thống tốt đẹp sẽ hiểu nhau hơn và càng đoàn kết thân thiết, cùng nhau xây dựng phường mới Phương Liên ngày nay phát triển.

Về cuộc thi viết "Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"

Cuộc thi còn một đợt chấm giải vào tháng 10 năm 2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.

Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.

BTC
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện làng cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.