(HNMCT) - Khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, nhiều người đã “nhìn xoáy” vào số kinh phí thực hiện lên tới hơn 220 tỷ đồng để “cân, đong”.
Từ chuyện đi tìm quốc phục...
Dù được đặt ra từ lâu song chuyện đi tìm và tôn vinh quốc phục Việt Nam vẫn là một hành trình chưa có hồi kết. Có thể với đại đa số người Việt, áo dài dành cho nữ và áo dài khăn đóng dành cho nam đã là những y phục gắn với truyền thống dân tộc, được mặc định là quốc phục nhưng để có một đáp án chuẩn trên giấy tờ không dễ chút nào.
Năm 2014, trước áp lực cần công nhận quốc phục, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức ba cuộc tuyển chọn lễ phục một cách bài bản. Khi đó Cục này đã tổ chức hội thảo ba miền, nghe ý kiến các chuyên gia lịch sử, thời trang nhưng không đạt được sự thống nhất. Cục cũng mời các nhà thiết kế nổi tiếng hiện nay của Việt Nam thiết kế lễ phục nhưng không có kết quả như mong muốn. Cuộc thi thiết kế lễ phục năm 2014 thất bại vì không tìm được mẫu nào đạt yêu cầu đề ra.
Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm Vi Kiến Thành, nguyên nhân chính là chúng ta không có được một sự đồng thuận về quan điểm. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, trang phục truyền thống của người Việt cũng đã thay đổi rất nhiều, có những chi tiết tưởng là truyền thống nhưng thực ra mới xuất hiện cách đây chưa lâu. Bên cạnh đó, tính ứng dụng của trang phục được coi là quốc phục vào đời sống và các hoạt động ngoại giao hiện nay có phù hợp hay không cũng chưa có được sự thống nhất cao...
Mẫu thiết kế hiện đại lấy cảm hứng từ trang phục đồng bào các dân tộc thiểu số của nhà thiết kế Minh Hạnh. |
Gắn với tái hiện lịch sử, song khi thực hiện những thước phim cổ trang về lịch sử Việt Nam, vấn đề trang phục cũng luôn khiến ê kíp làm phim “lo ngay ngáy”. Đã có nhiều bộ phim “hớ to” khi trang phục không phù hợp với bối cảnh lịch sử. Năm 2010, bộ phim truyền hình Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long mặc dù được đầu tư rất nhiều, song đã không được phát sóng mà một trong những lý do là phục trang của các nhân vật giống với phim cổ trang Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là vì sử liệu ghi chép về y phục của chúng ta quá thiếu.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt từng chia sẻ, mặc dù ông là người khai quật rất nhiều mộ cổ, tìm thấy sợi vải nhưng không thể biết chính xác người xưa mặc như thế nào. Chính vì vậy, đại đa số phim cổ trang hiện nay đều xây dựng trang phục trên quan điểm thể hiện được tinh thần là chính chứ không chính xác về kiểu dáng.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (thiết kế mỹ thuật) hay họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (thiết kế phục trang) - những người trong ê kíp thực hiện các bộ phim cổ trang như Lều chõng, Trò đời... đều cho rằng, họ chú trọng trên hết vào yếu tố thuần Việt và đẹp chứ không phải trung thành với sự thật lịch sử vì như thế sẽ gây ra những tranh cãi không bao giờ dứt.
... đến chuyện trang phục các dân tộc thiểu số
Cùng với những khó khăn trong việc đi tìm sử liệu về y phục truyền thống, chúng ta đang phải đối diện với một hiện thực phũ phàng: Sự biến mất nhanh chóng của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số hiện nay. Đánh giá trang phục dân tộc như “thẻ căn cước” nói lên văn hóa, giá trị thẩm mỹ mang bản sắc của mỗi tộc người, nhưng TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng phải thừa nhận: “Thực tế hiện nay trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang ngày càng mai một và biến dạng. Trong 53 dân tộc thì có không ít dân tộc thiểu số không còn giữ được trang phục truyền thống của mình, hoặc thay đổi cách ăn mặc. Đáng buồn hơn, nhiều người trong số đó còn mang suy nghĩ, nếu không mặc theo kiểu “toàn cầu hóa” sẽ bị coi là lạc hậu”.
Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá: Việc không sử dụng trang phục truyền thống đã trở thành hiện tượng phổ biến ở một số dân tộc. Ở nhiều nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết, khiến trang phục này gần như trở thành một thứ lễ phục không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân. Thậm chí trang phục truyền thống hoàn toàn biến mất ở nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số.
Sự xâm nhập của cuộc sống hiện đại, xu hướng “toàn cầu hóa” còn làm cho quá trình sản xuất thủ công y phục ở các dân tộc bị mai một, thậm chí xóa sổ. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng như TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan tới việc người dân tộc bán khung dệt vải của mình cho các nhà sưu tập và mua trang phục từ dưới xuôi lên hoặc mua đồ Trung Quốc về sử dụng. Nếu như để làm một bộ trang phục truyền thống đúng cách, người Mông phải bỏ ra nhiều tháng trời từ dệt vải đến nhuộm, may với chi phí cả triệu đồng thì giờ đây họ có thể mua ngoài chợ với giá 30.000 đến 50.000 đồng một chiếc váy.
Dĩ nhiên, những chiếc váy bán sẵn khác rất xa với trang phục gốc, không phải chỉ ở chất liệu, mà cả ở kiểu dáng ngày càng gọn, tiện cho sinh hoạt của nó. Và nếu không nhanh, chúng ta sẽ rất khó tìm lại được bản gốc, những tư liệu chính xác về trang phục ở nhiều dân tộc thiểu số.
Thời trang hay giữ trong bảo tàng?
Rõ ràng, sự biến mất nhanh chóng của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số hay bài học lịch sử về sự thiếu vắng quá nhiều sử liệu về y phục đặt ra cho chúng ta đòi hỏi bảo tồn một cách cấp thiết. Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” có thể nói là câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Và chắc chắn việc tư liệu hóa một cách chi tiết, đầy đủ vốn trang phục là hết sức cần thiết và sẽ tốn nhiều công của.
Song có một khía cạnh khác mà chúng ta cần lưu ý, đó là bản chất thời trang của bất kỳ một loại y phục nào. Y phục truyền thống chỉ có thể sống mãi trong cộng đồng nếu nó được nuôi dưỡng trong chính cộng đồng ấy, khi nó có sự tiếp biến, sáng tạo phù hợp với đời sống của con người ngày hôm nay.
Không cần nhìn đâu xa, câu chuyện về hành trình tôn vinh tà áo dài có thể mang đến những bài học hết sức thiết thực với việc bảo tồn trang phục truyền thống nói chung. Đã có những giai đoạn chiếc áo dài chỉ được sử dụng trong những kỳ cuộc lễ nghi quan trọng bởi nhiều người cho rằng nó vướng víu, không phù hợp với nhịp sống hiện đại. Nhưng một vài năm trở lại đây, áo dài trở thành một xu hướng thời trang rất được yêu thích. Áo dài từ chỗ “kén” người may, “kén” người mặc nay đã xuất hiện trong mọi phân khúc thời trang, từ rất cao cấp đến hàng bình dân may sẵn, từ kiểu dáng truyền thống đến cách tân. Áo dài được sử dụng rộng rãi, phổ biến, từ đi học, đi làm, đi chơi đến đi dự tiệc...
Ở trên mạng xã hội, hình ảnh những cô gái trong tà áo dài luôn được người xem trầm trồ, trân trọng, đã tạo thành xu hướng thời trang được giới trẻ yêu thích. Thành quả thời trang này có thể nói là tập hợp công sức của rất nhiều người, nhiều ngành. Đó là những nhà thiết kế luôn bền bỉ sáng tạo, không ngừng cách tân tà áo dài, thể nghiệm với nhiều chất liệu, họa tiết khác nhau; là những nghệ sĩ đã truyền cảm hứng về trang phục cho người dân bằng đủ các hình thức sáng tác từ âm nhạc, phim ảnh, hội họa...; những nhà ngoại giao văn hóa mang tà áo dài đi khắp thế giới và dĩ nhiên là cả những người dân đã có sẵn lòng yêu thích trang phục truyền thống này.
Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng thế. Nếu muốn nó thực sự “sống” thì không thể cứ giữ nguyên kiểu dáng, thiết kế, chất liệu cũ như trong bảo tàng mà phải để nó được sống đúng với quy luật của thời trang, nghĩa là có tiếp biến, cách tân để phù hợp với thẩm mỹ, đời sống hôm nay.
Và chỉ khi chất liệu vải truyền thống, các họa tiết, hoa văn... được nâng niu, được người dân ưa chuộng thì những ngành nghề thủ công liên quan như dệt, nhuộm... mới có thể được bảo tồn, phát triển, thậm chí tạo ra những giá trị kinh tế to lớn để quay lại phục vụ chính cộng đồng sở hữu nó. Kiểm kê, lập danh mục, khôi phục các mẫu trang phục cũ, đưa chúng vào bảo tàng... là điều có thể làm ngay khi có kinh phí.
Nhưng để “điều khiển” được quy luật thời trang của trang phục truyền thống, để nó “sống lại” thực sự, được bảo tồn và giữ gìn trong chính cộng đồng, trong chính chủ thể văn hóa lại là một câu chuyện của văn hóa thời trang, không thể giải quyết một cách đơn giản bằng tiền! Vai trò của cả xã hội, đặc biệt là các nhà thiết kế, các nghệ sĩ,... một lần nữa cần được đề cao, cần được huy động vào lĩnh vực này, giống như chúng ta đã làm được khi truyền đi cảm hứng và thông điệp về vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam.
Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” được xây dựng nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu” góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đề án thực hiện trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2030 (chia thành 2 giai đoạn) với những mục tiêu cụ thể: Hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; khôi phục trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một; đến năm 2022, 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội; lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; vinh danh các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân về nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gồm mô hình trưng bày và bán sản phẩm về trang phục truyền thống... Tổng kinh phí thực hiện đề án là 222,9 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 51,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 171,7 tỷ đồng. |
TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Tôi cho rằng, Đề án được ban hành rất kịp thời khi nhiều dân tộc thiểu số không còn giữ gìn được trọn vẹn trang phục truyền thống cho mình. Nếu sống cùng đồng bào các dân tộc, chứng kiến những thay đổi cũng như sự mai một giá trị bản sắc của trang phục trong cộng đồng mới thấy được Đề án có ý nghĩa thiết thực như thế nào. Tuy nhiên, khi thực hiện nên phân loại trang phục dân tộc theo các hướng như bảo tồn nguyên vẹn hay bảo tồn theo các giai đoạn tái sáng tạo, chấp nhận sự cách tân, cải biến của trang phục qua nhu cầu của người sử dụng và thước đo thời gian. Việc tái sáng tạo trang phục cũng cần được sự chấp nhận của cộng đồng. Và, quá trình tái sáng tạo trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải có sự tham gia của các họa sĩ, các nhà nghiên cứu và được cộng đồng chấp thuận. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.