Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện của nhà vô địch boxing nữ Châu Á

Thùy An| 26/11/2017 07:54

(HNM) - “Với tôi, lúc này mọi sự mới chỉ là bắt đầu. Tôi đã gác lại chức vô địch Châu Á. Không thể sống bằng quá khứ mà phải nhìn về phía trước. Ở đó còn có quá nhiều thách thức mà tôi phải vượt qua, để thấy rằng việc theo đuổi boxing là đúng và cũng để trả nghĩa các thầy” - Nguyễn Thị Tâm, nhà vô địch Giải Boxing nữ Châu Á 2017 vừa qua, cũng là võ sĩ Việt Nam đầu tiên lên ngôi tại giải Châu Á đã chia sẻ như vậy vào một ngày đông Hà Nội.

Nguyễn Thị Tâm (giữa) và các HLV của Hà Nội.


Từng có ý định chia tay boxing...

Nguyễn Thị Tâm cho biết, cô đến với boxing như cái duyên. Cô gái người Quỳnh Mỹ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) từng chọn điền kinh để theo đuổi giấc mơ trở thành vận động viên đỉnh cao. Khoảng năm 2008, khi mới 14 tuổi, cô đã theo tập ở đội điền kinh của Bộ Công an. Nhưng rồi khi nhận thấy môn thể thao này không thích hợp với mình, cô trở về nhà. Lúc này, một huấn luyện viên người địa phương vì tiếc cho tố chất của Tâm đã giới thiệu cô đến tập luyện ở đội boxing Hà Nội. Đấy là giai đoạn rất ít người biết về boxing nữ ở Việt Nam. Khi ấy, Nguyễn Thị Tâm gật đầu đồng ý cũng chỉ vì tò mò, còn bố mẹ cô thì "giãy nảy" khi cô chọn theo tập boxing - môn thể thao mà theo bố mẹ Tâm "cứ thấy đấm huỳnh huỵch vào mặt nhau" là không được.

Nhưng sự tò mò vẫn thôi thúc cô gái người Thái Bình khăn gói lên Hà Nội tập luyện ở đội boxing nữ Hà Nội do huấn luyện viên Nguyễn Như Cường, cựu võ sĩ nổi tiếng Việt Nam và Hà Nội dẫn dắt. Bây giờ, Nguyễn Thị Tâm vẫn nhớ như in những ngày đầu đến với boxing ở Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa năm 2009. Những ngày đầu chỉ tập thể lực nên Tâm rất thích thú.

Vậy nhưng, khi chuyển sang tập kỹ thuật, bắt đầu phải chống đỡ các cú ra đòn của bạn tập, cô bắt đầu nản. Lúc đó, Nguyễn Thị Tâm đã nằng nặc xin nghỉ tập, về quê. Các huấn luyện viên Hà Nội khi ấy nhận thấy ở Tâm có tố chất phù hợp với boxing nên tìm mọi cách thuyết phục để giữ lại. Ngẫm nghĩ mãi rồi Tâm cũng nhận lời. Đúng như lời các huấn luyện viên của Hà Nội khi thuyết phục, chỉ ít lâu sau, cô gái "quê lúa" đã thích nghi và yêu thích môn boxing. Tuy vậy, khi bắt đầu mê môn boxing thì đến lượt Tâm phải lo thuyết phục bố mẹ, để họ tin rằng con gái mình đang có lựa chọn đúng đắn.

Trong khi đó, ở quê bố mẹ cô vẫn luôn “mở cửa” chờ đón con gái chia tay boxing để về làm việc khác. Biết thế nên có nhiều buổi tập bị đấm tím mắt, dù nhớ nhà nhưng Nguyễn Thị Tâm cũng không dám về. Cũng phải mất 2 năm sau bố mẹ cô mới thôi nói rằng: "Nếu con thấy không thích môn này thì cứ về quê”... Và rồi thời gian trôi qua, trước niềm đam mê của Tâm, bố mẹ cô đã bị thuyết phục, dần dần thay đổi cách nhìn và có thiện cảm hơn với môn boxing. Ở thời điểm hiện tại họ đã thấy tự hào trước sự lựa chọn của cô con gái, nhất là khi đã hiểu ra rằng, môn boxing không quá nguy hiểm với người tập.

Niềm vui không ở đâu xa, ngay cả khi chưa trở thành nhà vô địch Châu Á, gia đình và chính Nguyễn Thị Tâm cũng thấy vui vui khi đám trẻ con gần nhà vẫn sang hỏi bố mẹ cô, rằng: "Cô Tâm đã về chưa để bọn cháu còn được tập võ với cô?”...

Nhắc chuyện cũ với Tâm, lại chợt nhớ tới câu chuyện cách đây một năm ở Giải quyền Anh Let’s Việt 2016. Năm đó, cô áp đảo đối thủ trong trận chung kết, khiến đối thủ không thể áp sát ra đòn. Vậy nhưng, khi công bố kết quả chung cuộc, phần thắng lại thuộc về đối thủ. Nước mắt rơi, và ý định chia tay boxing nảy ra. Cô đã nói rằng muốn chia tay boxing với thầy Nguyễn Như Cường. Người thầy đã gắn bó với cô từ những ngày đầu cứ nghe, cứ để cô học trò xả nỗi ấm ức vì vuột ngôi vô địch một giải đấu có uy tín ngay ở đất Hà Nội, trong trận đấu được truyền hình trực tiếp và đương nhiên có nhiều người thân của cô theo dõi...

Sau rồi, những phân tích của thầy Nguyễn Như Cường lại giúp cô có thêm động lực để có ngày lên ngôi vô địch Châu Á - tạo nên cột mốc mới cho boxing Việt Nam ở đấu trường quốc tế, tăng cao vị thế cho boxing nữ Hà Nội...

Ấm áp tình nghĩa thầy trò

Phụ trách bộ môn boxing nữ Hà Nội, thầy Nguyễn Như Cường cho biết: "Từ lâu, Nguyễn Thị Tâm đã được đưa vào diện đầu tư trọng điểm của boxing Hà Nội. Khi trước, hạng 51kg đã có Nguyễn Thị Yến nên Nguyễn Thị Tâm được đưa xuống thi đấu ở hạng 48kg hoặc đôn lên hạng 54kg. Nhưng từ khi Yến nghỉ thi đấu (vào 2 năm trước), Tâm đương nhiên là sự lựa chọn số một cho hạng cân này. Tâm sở hữu nhiều tố chất về sức mạnh, sức bền, bản lĩnh thi đấu và chiều cao 1m68 - hiện cũng là cao nhất trong làng boxing nữ Việt Nam ở hạng 51kg nữ”.

Còn với Nguyễn Thị Tâm, cô lại thẳng thắn cho rằng, nếu không được gặp nhiều thầy giỏi, tâm huyết với nghề thì cô sẽ không được như hôm nay. Ngày mới vào nghề, cô đã được chuyên gia Cuba dạy những kỹ thuật cơ bản. Sau đó là quãng thời gian bốn năm được chuyên gia Philippines huấn luyện nâng cao những kỹ thuật ra đòn, tránh né, phản công. Hai năm trước, cô lại được chuyên gia Thái Lan S.Tawan huấn luyện. Vị chuyên gia này từng dẫn dắt đội boxing nữ Thái Lan ở các kỳ Olympic 2008 và 2012 nên việc thể thao Hà Nội mời được ông như sự may mắn.

Từ năm 2014, ông S.Tawan đã xây dựng lộ trình huấn luyện cho Nguyễn Thị Tâm và khẳng định rằng cô sẽ đạt nhiều thành công tại giải quốc nội và quốc tế từ năm 2016. Uy tín và phương pháp huấn luyện của ông S.Tawan thực sự đã giúp cô nâng cấp nhiều kỹ năng khác cũng như xử lý tốt chiến thuật thi đấu. Quả thực, từ năm 2016, Nguyễn Thị Tâm trở thành vận động viên vô đối ở hạng 51kg nữ tại Việt Nam, cũng là một trong ba hạng cân nữ trong chương trình thi đấu của Olympic. Thế nên, tấm Huy chương vàng Giải vô địch Châu Á vừa qua của cô lại càng giàu ý nghĩa. Nhờ đó, boxing Việt Nam có thể tính tới mục tiêu giành huy chương ở ASIAD 2018, giành vé dự Olympic 2020.

Với những huấn luyện viên nội như thầy Nguyễn Như Cường, Nguyễn Thị Tâm cũng không bao giờ quên những ân tình các thầy dành cho mình. Cũng vì vậy, hiện tại cho dù đã có không ít lời mời cô về đầu quân cho những đơn vị khác với chế độ đãi ngộ hậu hĩnh, nhưng cô gái "quê lúa" đều lắc đầu vì trọng nghĩa tình của các thầy ở Hà Nội.

Cô nói: "Nghĩa tình ấy, ân tình ấy của các thầy không thể đo đếm bằng vật chất mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu. Tôi đã xác định sẽ gắn bó với boxing Hà Nội. Các thầy ở đây đã tốn không ít công của để tôi có thành tích, trưởng thành nên đương nhiên tôi sẽ ở lại cống hiến cho boxing Hà Nội”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện của nhà vô địch boxing nữ Châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.