(HNM) - Thời tiết những ngày tháng 5 ngột ngạt vì nóng bức - đợt nóng nhất từ đầu năm đến nay ở Hà Nội. Tuy nhiên, với không ít người dân, thời tiết chưa thấm vào đâu so với cơn sốt BĐS đang diễn ra. Giá nhà đất tại Hà Nội đang tăng lên vùn vụt và cuốn theo không ít người vào vòng xoáy của cơn sốt có bán kính rộng nhất từ trước tới nay.
|
Giá nhà đất thuộc trục đường Láng - Hòa Lạc tăng chóng mặt trong những ngày gần đây. Ảnh: Đàm Duy |
"Ma trận" và tâm lý lướt nhanh
Cách đây khoảng 2 tháng, tâm điểm cơn sốt là khu vực phía Tây, nay dịch chuyển lên trục đường Láng - Hòa Lạc, các huyện Ba Vì, Gia Lâm và quận Tây Hồ. Đặc biệt, tại khu vực Ba Vì, chưa bao giờ người ta chứng kiến cảnh giao dịch đất đai như tranh cướp như hiện nay. Thông tin trung tâm hành chính quốc gia sẽ nằm ở chân núi Ba Vì, đặt tại khu vực thuộc xã Yên Bài, khiến giá đất ở Yên Bài và một số xã lân cận thuộc thị xã Sơn Tây tăng một cách khủng khiếp, mức tăng 100%-200% so với cùng kỳ. Khu vực Gia Lâm ở phía Đông cũng tăng giá vù vù, tiêu biểu như khu Đặng Xá tăng từ 18 triệu đồng lên tới 25-30 triệu đồng/m2. Quốc Oai được coi là tâm điểm tăng giá với hàng loạt vụ chuyển nhượng "bom tấn" đất dịch vụ. Tại xã Đồng Quang, nơi từng được coi như một "ốc đảo", nằm biệt lập giữa cánh đồng, cách trung tâm huyện tương đối xa, giá đất 2 tháng qua đã vọt qua những mức không tưởng. Ngoài Tết Nguyên đán, giá đất dịch vụ chỉ giao dịch ở mức 1,8-2,2 triệu đồng/m2 nhưng hiện nhảy lên 7-7,5 triệu đồng/m2 - tăng đến... 300%.
Sức nóng từ những "tâm chấn" này đã lan tỏa sang nhiều khu vực khác của thành phố. Nhà đầu tư cuống cuồng trong "ma trận". Nhiều người tham gia vào thị trường BĐS Hà Nội có thâm niên thừa nhận, họ đã chứng kiến biểu đồ hình sin của BĐS với nhiều cơn sốt nóng nhưng có lẽ đây là cơn sốt có "bán kính" rộng nhất từ trước tới nay. Tâm lý "lướt nhanh là thắng" bao trùm thị trường. Giá đất được đẩy lên với mức tăng 200%-300% trong vòng chưa đầy 2 tháng là một điều phi lý, nhưng lại đang được các "nhà đầu tư" mặc nhiên thừa nhận.
Hiện nay, rất nhiều người tin rằng, giá đất sẽ tiếp tục tăng trong khoảng một năm tới nên đua nhau đi mua, dẫn đến người bán cũng đua nhau tăng giá.
"Bong bóng" sẽ nổ
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường nhà đất Hà Nội có chiều hướng sôi động trong tháng qua là do một bộ phận người dân có tiền nhàn rỗi đổ xô vào đầu tư BĐS khi tình hình kinh tế vĩ mô dần ổn định, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng đang biến động thất thường. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của nhiều khu vực như Hà Tây (cũ), Tây Hồ, Gia Lâm đang gấp rút hoàn thiện, tiềm năng của nhiều dự án ngày một hiện rõ đã khiến cho các khu vực này càng hút khách. Đặc biệt, lãi suất ngân hàng hiện nay đã bớt căng và có xu hướng giảm nữa trong thời gian tới khiến nguồn vốn cho thị trường BĐS dồi dào hơn. Giá đất nền cùng lượng giao dịch ở nhiều khu vực tăng mạnh, thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia "lướt sóng" khiến đất các khu vực này lại càng tăng chóng mặt.
|
Khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, sức tăng quá nóng hiện nay do nhiều nhà kinh doanh tìm cách làm khan hàng - thổi giá. Đây là chiêu tạo cơn sốt của giới đầu cơ đất nhằm trục lợi. Điểm yếu của người dân là chưa có kinh nghiệm đầu tư BĐS, chủ yếu đầu tư theo may rủi, kiểu "bầy đàn".
Năm 2009, giới đầu cơ ôm chung cư bị "nằm" khá nhiều nên đang phải chịu áp lực trả lãi ngân hàng lớn. Cách "thoát hiểm" duy nhất của họ là tranh thủ thời cơ khuấy cho thị trường BĐS sôi động rồi tranh thủ thoát hàng. Tình trạng "bong bóng" nhà đất đang diễn ra tại một số khu vực ở Hà Nội sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu cơ. Nhưng ngược lại, nếu thị trường không tiếp tục phát triển nữa thì "bong bóng" nhà đất sẽ nổ, khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề. Một số chuyên gia BĐS nhận định, thị trường đang có dấu hiệu "bong bóng" và sẽ nhanh chóng "hạ nhiệt" trong ngắn hạn. Không loại trừ sắp tới, thị trường đất loại này có thể sẽ có một cơn tháo chạy, trong đó phần thiệt thòi chắc chắn sẽ thuộc về những người chậm chân, thiếu hiểu biết, đầu tư theo đám đông.
Những điểm yếu cố hữu Thị trường BĐS đang ngày càng hiện rõ những điểm yếu cố hữu bởi những rào cản nội tại của các cơ quan quản lý. Điều đó khiến cho thị trường BĐS không phát huy được vai trò trụ cột và động lực quan trọng trong nền kinh tế. Đó cũng là nguyên do tạo nên những cơn sốt nhà đất, đẩy giá BĐS lên cao một cách vô lý, làm ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Câu hỏi đáng quan tâm ở đây là vai trò quản lý, giám sát, điều tiết của cơ quan nhà nước ở đâu và đang phát huy như thế nào trong cơn sốt đất cuồng loạn hiện nay? Đáng tiếc rằng hầu như mới chỉ dừng lại ở phát biểu của một số vị lãnh đạo, nhà quản lý bộ nọ, ngành kia... với những khuyến cáo chung chung, nhận định sơ sài. Những gì người dân trông đợi là biện pháp cụ thể, chính sách và cơ chế kịp thời để bảo đảm cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh lại đang "vắng bóng".
Sự hẫng hụt về chính sách đã kéo dài từ năm này qua năm khác khiến cho việc quản lý đất đai và kinh doanh BĐS thêm lỏng lẻo… đã khiến 80% giao dịch trên thị trường hiện nay là phi chính thức và các cơn sốt đất liên tục tái diễn. Thực tế hiện nay cho thấy, các cơ quan quản lý cũng chưa có cơ chế nào để ngăn cấm đầu tư đất đai theo kiểu đầu cơ. Do vậy, không riêng gì Hà Nội, ở nhiều địa phương khác, giá nhà đất cũng cao và liên tục tăng. Hơn nữa, cũng vì pháp luật mới chỉ dừng ở mức độ hạn chế đầu cơ nên diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.
Một trong những giải pháp cốt yếu nhằm khắc phục những lộn xộn trên thị trường BĐS hiện nay là minh bạch hóa thông tin song hiện chưa thể thực hiện. Thị trường thiếu minh bạch là môi trường thuận lợi để một số người có thể "thổi" giá sản phẩm lên cao. Không ít chuyên gia cho rằng, ngay chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh BĐS cũng bị... cuốn vào vòng xoáy đầu cơ lĩnh vực này. Tài nguyên và nhân lực của đất nước thay vì đổ vào các ngành xây dựng cơ bản, kỹ thuật, công nghệ, nghiên cứu... thì lại đổ vào nhà đất quá nhiều. Từ đó, đầu cơ BĐS là con đường làm giàu dễ dàng trong ngắn hạn của một thiểu số người, khiến cho thị trường phát triển thiếu bền vững và đưa đến những hậu quả tai hại cho nền kinh tế trong dài hạn.
Điểm đáng quan ngại nữa là Nhà nước chưa thể hiện được vai trò điều tiết thị trường theo quy luật cung - cầu. Khi thiếu hàng, giá tăng, Nhà nước không chủ động được quỹ đất, quỹ nhà để tung ra. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nếu chủ động điều tiết, ổn định thị trường BĐS thì ổn định được kinh tế vĩ mô.
Thời tiết nóng nực sẽ sớm trở lại mát mẻ nhưng cái hầm hập của cơn sốt BĐS hiện nay thì bao giờ mới hết và quan trọng hơn, thị trường này còn khắc nghiệt... như thời tiết đến bao giờ?