(HNMCT) - Khi môi trường sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng, văn chương không đứng ngoài cuộc. Bằng tác phẩm, các nhà văn cất tiếng nói hướng tới một môi trường tự nhiên và xã hội tốt đẹp, giàu tính nhân văn.
Thiên nhiên trở thành nhân vật trung tâm
Trong văn chương Việt Nam, có thể dẫn ra nhiều tác phẩm mang tư tưởng sinh thái, nói đến vấn đề môi trường như “Sống mãi với cây xanh” của Nguyễn Minh Châu; “Kiến và người”, “Trăm năm còn lại” của Trần Duy Phiên; “Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp... Gần đây, trong một số truyện ngắn và truyện dài của Nguyễn Ngọc Tư hay các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, vấn đề môi trường ít nhiều đã được nói đến. Những người trẻ hơn, như Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Văn Học, Lê Quang Trạng, Tống Phước Bảo, Vũ Thị Huyền Trang, Tống Phú Sa, Trần Thị Tú Ngọc, Nguyệt Chu... cũng quan tâm viết về môi trường sinh thái. Họ cất tiếng nói bảo vệ môi trường thông qua ngôn ngữ văn chương, thể hiện trách nhiệm xã hội, dần tạo ra một “hệ sinh thái” trong đội ngũ những người viết văn.
Các tác giả viết bằng trải nghiệm và tình yêu thiên nhiên, môi trường. Trong nhiều tác phẩm, thiên nhiên trở thành nhân vật chính, như tiểu thuyết “Linh điểu” và “Đắm bầy virus” của Nguyễn Văn Học. Ở đó, chim chóc, cây cối là nhân vật trung tâm, là đối tượng kể chuyện, giao tiếp và bày tỏ cảm xúc, thái độ về cuộc sống. Các tác giả tạo dựng sự mới mẻ, hấp dẫn trong sáng tạo và thể hiện được tư tưởng bảo vệ môi trường, xây dựng các chi tiết làm lay động nội tâm con người.
Một tác phẩm văn học sinh thái đúng nghĩa không đơn thuần miêu tả tự nhiên hoặc hệ sinh thái, mà quan trọng hơn là thể hiện tư tưởng sinh thái và góc nhìn sinh thái, qua đó lý giải nguyên nhân, nguy cơ sinh thái để tăng cường trách nhiệm và đạo đức nhân loại. Nhà phê bình Phạm Minh Quân cho rằng: “Trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn như biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên... thì văn học càng thể hiện rõ tư tưởng sinh thái, cảnh tỉnh con người về nguy cơ tha hóa sinh thái tự nhiên và nhân văn. Phê bình sinh thái chứng tỏ một hướng nghiên cứu hợp thời khi gắn liền với những vấn đề đương đại như sinh thái giai cấp, sinh thái đô thị, sinh thái hậu thuộc địa, sinh thái nữ quyền. Các tác giả, nhà nghiên cứu Việt Nam ngày một thể hiện tri nhận sâu sắc và kịp thời về những vấn đề thời sự cấp bách chung của nhân loại”.
Trách nhiệm xã hội của nhà văn
Việc các nhà văn Việt Nam quan tâm đến vấn đề văn học sinh thái là điều đáng mừng. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm bày tỏ: “Đến giờ, có thể nói đang dần hình thành một dòng văn học thế giới với trung tâm là sinh thái môi trường. Văn học Việt Nam sẽ dần tiếp nhận hướng vận động ấy để thích ứng, đặc biệt là lên tiếng kịp thời trước các biến đổi mau lẹ, nghiêm trọng, ngày càng xấu đi của môi trường... Sự thực là, từ bản địa tới toàn cầu, trong nguy cơ khủng hoảng môi trường, văn chương nghệ thuật và các biểu đạt lấy tự nhiên làm trung tâm đã cùng chung tiếng nói”.
Theo nhà văn Nguyễn Thu Hằng, khi mỗi tác giả ý thức được sinh thái là cuộc sống, là tương lai cần phải bảo vệ như bảo vệ cuộc sống của mình, của con cái mình thì họ sẽ hướng ngòi bút vào vấn đề môi trường sinh thái. Góp gió thành bão, việc ngày càng có nhiều tác giả viết sẽ tạo sự đa dạng, đa sắc và lúc ấy văn học sinh thái sẽ phát triển. Còn nhà văn Lê Quang Trạng thì nhận xét: “Tôi đánh giá cao sự trải nghiệm, quan sát và lắng nghe thiên nhiên của người viết. Ngày càng có nhiều người viết quan tâm tới vấn đề này. Chúng ta, mỗi người viết phải thấy được sự sống của thiên nhiên, nghe được những lời thầm thì mà thiên nhiên gửi đến qua những chi tiết đời sống, như chính mình đang hòa vào đó thì mới hy vọng có được những trang viết đậm chất sinh thái”.
Để văn học sinh thái phát triển, Hội Nhà văn Việt Nam cần quan tâm tổ chức các trại viết và có những cuộc thi viết về văn học sinh thái để khuyến khích các nhà văn hướng đến đề tài này. Tiếp đó, nên mở rộng biên độ sáng tạo chứ không chỉ tập trung vào sinh thái nông thôn, miền núi. Hiện còn thiếu tác phẩm quan tâm đến sinh thái đô thị, hệ quả của chủ nghĩa tiêu dùng, cách con người tiêu thụ và khai thác tự nhiên theo cách tận diệt. Quan tâm đến sinh thái đô thị cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội của nhà văn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.