(HNM) - Với những người dân ở Ngõ 38 Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, anh Tạ Đình Hán và chị Vũ Thị Thanh là tấm gương điển hình vượt lên số phận.
Hai "hạt vàng" của thể thao khuyết tật
Tạ Đình Hán chào đời là một cậu bé khỏe mạnh và bụ bẫm trong một gia đình Hà Nội gốc. Trớ trêu thay, càng lớn, mắt Hán càng mờ. Thời gian đầu, cả gia đình nghĩ anh bị cận thị, vì không thể nhìn xa. Thế nhưng, theo thời gian, đôi mắt của anh kém dần, đến năm 10 tuổi thì mờ hẳn. Anh Hán học đến lớp 5 thì bị đúp. Mắt mờ, đi đường thường xuyên vấp ngã nên gia đình đành phải để anh nghỉ học chữa bệnh. "Tôi cứ nghĩ Hán bị cận và khi lớn hơn thì cho đeo kính", ông Thắng, bố anh nhớ lại.
Vợ chồng anh Hán hạnh phúc bên những đứa con kháu khỉnh. |
Thương con, dẫu hoàn cảnh khó khăn nhưng ông Thắng vẫn đưa Hán đi khám, chữa mắt ở nhiều bệnh viện lớn, nhỏ ở Hà Nội. Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ đều kết luận anh bị thoái hóa sắc thái võng mạc trung tâm, không thể chữa trị. Không nản trí, hễ ai mách chỗ nào có thầy giỏi, thuốc hay là ông tìm đến. Hết khám tại bệnh viện ông lại đến thầy lang, sử dụng các bài thuốc đông y, nhưng kết quả vẫn chỉ là con số không.
Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, đột nhiên lâm vào cảnh sống trong bóng tối nên anh Hán chán nản. Anh cho biết: "Tôi gần như suy sụp, bản thân không làm được gì, ngay cả sinh hoạt cá nhân cũng phải nhờ bố mẹ. Khoảng thời gian đó thật kinh khủng". Năm 2000, được sự động viên của gia đình, anh Hán tham gia Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Tại đây, anh được theo học chữ nổi, học nghề xoa bóp, tẩm quất, bấm huyệt… Được tiếp xúc với bạn bè, cộng với nhiều lời an ủi từ phía thầy cô, dần dần Hán trở nên tự tin, hòa nhập với cuộc sống. May mắn hơn nữa là với tay nghề khá nên anh được giữ lại làm việc tại Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em ở Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.
Năm 2002, anh Hán tham gia môn điền kinh dành cho người khuyết tật của Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Hà Nội. Những ngày đầu là thử thách vô cùng khắc nghiệt. Rất nhiều lần bị ngã bầm dập chân tay nhưng nghị lực vươn lên đã giúp anh vượt qua tất cả. Anh góp mặt từ Para Games 2 tổ chức tại Việt Nam năm 2003 và giành Huy chương vàng đường chạy 800m và một Huy chương bạc ở đường chạy 1.500m.
Bước ngoặt cuộc đời nữa đến với anh vào một ngày tập luyện ở Sân vận động Hàng Đẫy. Như một cơ duyên được sắp đặt từ trước, anh gặp chị Vũ Thị Thanh, vận động viên cầu lông của Câu lạc bộ thể thao khuyết tật Hà Nội. Chị Thanh vốn sinh ra khỏe mạnh, lớn lên trở thành một thiếu nữ duyên dáng, hiền lành nhưng rồi tai nạn đã cướp đi một phần chân phải khi chị mới 16 tuổi. Khiếm khuyết về cơ thể không làm chị nản ý chí, tiếp tục đăng ký học Cao đẳng Kinh doanh Công nghệ Hà Nội. Khoảng thời gian học tập tại trường chị được bạn bè giới thiệu tham gia Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội. Trong những buổi giao lưu giữa CLB sinh viên khuyết tật với đoàn vận động viên khuyết tật Hà Nội, vận động viên Bạch Quang Thái đã nhìn thấy ở Thanh có tố chất của một vận động viên cầu lông đầy triển vọng và khuyên chị chơi môn thể thao này.
Cùng cảnh ngộ, Hán và Thanh động viên nhau cố gắng vươn lên trong cuộc sống, đạt thành tích tốt nhất cho thể thao khuyết tật nước nhà. Họ trở thành bạn bè thân thiết cho đến một ngày chị Thanh nhận được lời cầu hôn của anh Hán. Nói về chuyện tình của mình, chị Thanh cho biết: "Dù cơ thể không được lành lặn nhưng vẫn khá nhiều người theo đuổi, trong đó có cả những người bình thường, điều kiện kinh tế ổn định. Tuy nhiên, mình quý và yêu anh Hán bởi sự chân thành cùng cách đối xử của anh với mọi người".
Không kém anh Hán, chị Thanh cũng nhanh chóng khẳng định được khả năng khi liên tiếp đạt thứ hạng cao ở các giải thể thao dành cho người khuyết tật trong nước và khu vực về môn cầu lông, cụ thể là 2 Huy chương vàng tại Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc, 1 Huy chương vàng và 2 Huy chương bạc ở Para games năm 2003.
Tạo việc làm cho hơn 30 lao động khuyết tật
Rót chén trà mời khách, anh Hán cho biết, tình yêu của anh chị trải qua không ít thử thách, nhất là sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình chị Thanh bởi lo lắng có thể sinh ra con bị khuyết tật bẩm sinh giống bố. Bằng tình yêu chân thành, sau gần 3 năm, anh chị đã thuyết phục được gia đình. Năm 2006, đám cưới của anh chị diễn ra vui vẻ, đầm ấm với sự ủng hộ của bà con hai họ.
Những ngày đầu kinh tế gia đình rất khó khăn. Ngoài thời gian tập luyện thể thao, anh chị làm đủ các nghề. Nhờ sự giúp đỡ của một thầy giáo, anh Hán được nhận làm người mẫu cho sinh viên vẽ để kiếm sống. Lúc đó, mỗi tiết học của sinh viên anh được trả bốn nghìn đồng, chỉ bằng 1/5 người mẫu của trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Biết là khó khăn nhưng không muốn mang tiếng vô dụng, anh chị động viên nhau cố gắng vươn lên. Hằng ngày, sáng tập luyện thể thao phục vụ cho các kỳ thi đấu, còn từ 12h đến 18h chị Thanh làm việc tại Khu công nghiệp Sài Đồng và dành thời gian theo học cao học kế toán tại Trường Đại học Thương mại.
Sau một thời gian, nhận thấy có thể phát triển kỹ năng tẩm quất, anh Hán bỏ nghề làm mẫu vẽ cùng vợ mở cơ sở tẩm quất mang tên "Tẩm quất thật". Gia đình anh được Hội Người mù quận Hoàn Kiếm đứng ra tín chấp cho vay 15 triệu đồng, lãi suất 0,3%/năm. Hiện anh đang là ông chủ của 3 cơ sở tẩm quất ở phố Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm và đường Âu Cơ, phường Quảng An, Tây Hồ. Tổng doanh thu của 3 cơ sở đạt hơn tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, trong đó có 26 lao động khiếm thị với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù đã mở phòng xoa bóp bấm huyệt tại nhà và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh như mình, nhưng vợ chồng anh Hán vẫn hy vọng tới một ngày nào đó cơ sở tẩm quất có thể chữa trị một số bệnh không cần thuốc.
Bên cạnh phát triển kinh tế, vợ chồng anh Hán vẫn tích cực tham gia tập luyện thể thao. Tháng 10-2012, anh chị tham gia thi đấu trong Giải thể thao khuyết tật toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh và chị giành 4 HCV hạng đơn nữ, đôi nữ, đôi nam nữ và đồng đội ở bộ môn cầu lông còn anh Hán giành 2 HCV môn chạy. Tháng 9 vừa qua, trong Giải Cầu lông khuyết tật thế giới tổ chức ở Anh, chị Thanh tiếp tục giành Huy chương vàng. Hiện tại, cả hai đang tập luyện để chuẩn bị cho Para games 8 tổ chức ở Singapore vào tháng 12 tới. Với họ, cuộc sống giờ đây đang tràn ngập niềm vui, hạnh phúc khi cả ba con sinh ra đều khỏe mạnh, lành lặn. Mới đây, vợ chồng anh Hán được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người khuyết tật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.