(HNM) - Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ tại Hà Nội cho thấy, sự chủ động và quyết liệt của cấp ủy có vai trò mấu chốt thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng.
Thực hiện Nghị quyết số 13, ngày 27-4-2012, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 54-KH/TU triển khai thực hiện tới các ngành, các cấp, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội. Việc thực hiện kế hoạch này được tiến hành song song với Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy, ban hành ngày 8-11-2011, về đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, khối lượng công việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn Hà Nội rất lớn, trong đó việc khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB). Nhiều dự án bị đình trệ không phải vì do thiếu vốn đầu tư mà vì chậm GPMB, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy các cấp. Trên thực tế, nhiều năm nay, không có dự án nào GPMB thuận lợi mà không nhờ sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của cấp ủy Đảng. Nhà ga T2 sân bay Nội Bài, đường Vành đai I (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu), quốc lộ 32, đường Vành đai II đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, đường 5 kéo dài… sở dĩ có chuyển biến đều nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB.
Nhà ga T2 sân bay Nội Bài đang được khẩn trương thi công để về đích đúng tiến độ. Ảnh: Huy Hùng |
Sự chủ động của các cấp ủy Đảng còn dẫn tới những khác biệt về tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tại các địa phương. Huyện Đan Phượng hiện đang dẫn đầu về phong trào xây dựng nông thôn mới. Bài học kinh nghiệm lớn nhất được huyện tổng kết chính là huy động được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia của nhân dân trong phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Để có được điều này, Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp vào cuộc, chỉ đạo hệ thống chính trị vận động nhân dân, thực hiện GPMB. Nhờ đó, nhiều năm nay, hàng chục công trình, dự án hạ tầng trên địa bàn huyện Đan Phượng không phải cưỡng chế thu hồi đất bất kỳ một trường hợp nào.
Huyện Sóc Sơn cũng phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhờ sự chủ động vào cuộc của lãnh đạo các cấp ủy. Nhờ thế, Sóc Sơn là một trong những nơi có nhiều người dân hiến đất làm đường nhiều nhất. Trong đó có nhiều người là đảng viên đi đầu làm gương cho dân… Là quận còn nhiều khó khăn và có nhiều công trình, dự án kết cấu hạ tầng phức tạp, nhưng với sự chủ động, tích cực của các cấp ủy Đảng, quận Long Biên cũng vận động được nhân dân hiến nhiều diện tích đất có giá trị cao để xây dựng các tuyến đường giao thông, tháo gỡ vướng mắc những dự án phức tạp như đường Ngô Gia Tự, đường 5 kéo dài… Hệ thống hạ tầng giao thông quận Long Biên phát triển vượt bậc mấy năm qua cũng nhờ vào sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ và chủ động từ quận ủy tới các cấp ủy Đảng cơ sở.
Trong 5 năm sau khi hợp nhất và hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành TƯ Đảng, nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp ủy Đảng, Hà Nội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn về phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Trong đó, có nhiều công trình để lại dấu ấn quan trọng như: Đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao; các cầu vượt giải tỏa các nút giao thông phức tạp; xây dựng Công viên Hòa Bình, Yên Sở; dự án Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam… Tuy nhiên, so với quy hoạch, kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng đặt ra, Hà Nội còn nhiều công trình, dự án chậm tiến độ.
Ngoài khó khăn khách quan, sự chậm trễ của nhiều dự án còn do một số cấp ủy Đảng chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, chính quyền địa phương thiếu quyết tâm trong thực hiện. Báo cáo của Thành ủy Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 13 cũng nêu rõ: Không ít công trình, dự án gặp khó khăn về GPMB do sự vào cuộc cầm chừng của cấp ủy địa phương, thậm chí có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh khó khăn. Có những công trình, dự án chỉ thực sự chuyển biến khi Thành ủy, UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo cấp ủy, chính quyền vào cuộc. Thậm chí, thành phố phải tác động thông qua công tác luân chuyển cán bộ thì tình hình mới chuyển biến.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố là rất lớn. Ngoài ra, Hà Nội còn có trách nhiệm, cũng như áp lực lớn hơn về thời gian và khối lượng công việc vì thành phố đã xác định mục tiêu về trước cả nước 1-2 năm trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Bối cảnh này đòi hỏi cấp ủy các cấp phải thực sự chủ động, vào cuộc quyết liệt mới có thể bảo đảm thành công trong việc thực hiện Nghị quyết số 13 nói chung và cải thiện đời sống kinh tế - xã hội thành phố nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.