Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp nào, địa phương nào làm tốt hơn thì giao cho cấp đó, địa phương đó

Hà Vũ| 28/06/2022 12:04

(HNMO) - Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra sáng 28-6, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên tinh thần cấp nào, địa phương nào làm tốt hơn, hiệu quả hơn, thuận lợi và kịp thời hơn thì giao cho cấp đó. Mục tiêu là phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Viết Thành

Phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và nhiệm vụ phát triển

Nhấn mạnh và gợi ý một số nội dung để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, trước hết về “Việc giao kế hoạch, kết quả giải ngân, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp thành phố”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Kế hoạch đầu tư công năm 2022 được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thảo luận, cho ý kiến và thông qua tại Hội nghị Thành ủy lần thứ sáu. Sau gần 6 tháng triển khai thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn thành phố tính đến ngày 16-6-2022 đạt rất thấp, chỉ bằng 17,4% kế hoạch giao và thấp hơn mức trung bình của cả nước (20,45%). Thực tế, các quận, huyện, thị xã có kết quả giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp huyện và ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu thì tiến độ giải ngân luôn cao hơn các dự án cấp thành phố.

Từ thực tế đó, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu đề xuất các giải pháp, nhất là các giải pháp có tính đột phá cho các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành; đặc biệt cần thảo luận, cho ý kiến kỹ về phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đối với tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, bên cạnh kết quả tích cực, kinh tế phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm 2022 có thuận lợi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.

Với quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá kỹ những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm; đồng thời, cho ý kiến thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cả ở cấp thành phố và cấp huyện; việc giải quyết những vấn đề dân sinh cấp bách...

“Đề nghị các đồng chí đề xuất các giải pháp, biện pháp để phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, về phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố, đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý, đây là nội dung rất quan trọng, tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các quận, huyện, thị xã nói riêng và thành phố nói chung. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước thì việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước là một trong những khâu đột phá, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và đánh giá một cách thực chất những mặt được, mặt chưa được, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phân cấp, ủy quyền trong thời gian qua theo Nghị quyết số 08 ngày 3-8-2016 của HĐND thành phố và Quyết định số 41 ngày 19-9-2016, Quyết định số 14 ngày 6-9-2021 của UBND thành phố. Trên cơ sở đó, đề xuất các nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên tinh thần cấp nào, địa phương nào làm tốt hơn, hiệu quả hơn, thuận lợi và kịp thời hơn thì giao cho cấp đó. Tất cả nhằm phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Xây dựng chương trình hành động xứng tầm

Đề cập Báo cáo về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, trong đó có thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho thành phố. Tuy nhiên, trong năm 2022, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, nhất là về quy trình, thủ tục hành chính, vận dụng các quy định mới của pháp luật liên quan để nâng cao hiệu quả đấu giá đất.

Đồng chí lưu ý, công tác đấu giá đất quan trọng và khó khăn, vướng mắc lớn nhất là xác định giá khởi điểm; làm sao phải bảo đảm khách quan, chính xác để đem lại nguồn thu lớn nhất cho ngân sách nhà nước và phải tuyệt đối tránh thất thoát, tiêu cực.

Đối với dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ, tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về kết cấu, nội dung Chương trình hành động bảo đảm bao quát đầy đủ và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết, đồng thời, phải gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng lớn, khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 Chương trình công tác của Thành ủy và tình hình thực tiễn.

Đồng chí chỉ rõ, tinh thần thảo luận phải hướng tới xây dựng Chương trình hành động xứng tầm với vị trí, vai trò của Thủ đô như Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã nêu, đúng với thực tiễn của thành phố và khả thi trong tổ chức thực hiện.

Về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 là nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương liên quan đến công tác quản lý, phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030. Dự thảo Chương trình đã được Ban Cán sự đảng UBND thành phố xây dựng công phu, bài bản theo đúng quy trình, quy định; đã lấy ý kiến của Bộ Xây dựng và ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đã tiếp thu ý kiến của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để hoàn thiện dự thảo.

Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, dự thảo Chương trình đã đánh giá thực trạng phát triển nhà ở giai đoạn 2012-2020; đồng thời nêu rõ quan điểm phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, mục đích, yêu cầu, dự báo nhu cầu nhà ở trên địa bàn thành phố trong giai đoạn mới. Trong đó, thành phố đã có dự báo về dân số và diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố; nhu cầu nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, nhu cầu về vốn để đầu tư xây dựng nhà ở…; trên cơ sở đó, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở theo từng giai đoạn đến năm 2025, đến năm 2030, các giải pháp thực hiện, nhất là về cơ chế, chính sách và phân công tổ chức thực hiện.

Bí thư Thành ủy khẳng định, những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô, không chỉ trong năm 2022, trong nhiệm kỳ này, mà cho nhiều năm tiếp theo. Các đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng đóng góp vào thành công của hội nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấp nào, địa phương nào làm tốt hơn thì giao cho cấp đó, địa phương đó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.